.

Ngành hải quan siết chặt các giải pháp thu hồi nợ thuế

Cập nhật: 19:05, 25/07/2022 (GMT+7)

Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu, Chính phủ đã có chính sách ân hạn thuế, ưu đãi thuế cho DN, các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều DN đã quá thời gian ân hạn nhưng không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Doanh nghiệp làm thủ tục tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cái Mép.
Doanh nghiệp làm thủ tục tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cái Mép.

Nợ thuế tăng cao

Theo chính sách ân hạn, DN khi thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa có thuế suất thì vẫn có thể làm hồ sơ xin ân hạn thuế 90 ngày theo quy định. Thế nhưng, lợi dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ, nhiều DN đã trốn thuế, gian lận thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến số nợ xấu do ngành hải quan quản lý không ngừng gia tăng mỗi năm.

Thông tin từ Cục Hải quan tỉnh cho biết, tính đến 7/2022 có hơn 100 DN nợ thuế hơn 110 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Trong số này có hơn 88,3 tỷ đồng nợ khó thu; hơn 3,35 tỷ đồng nợ chờ xử lý; nợ có khả năng đồng thu hơn 14,2 tỷ đồng; nhóm nợ phạt vi phạm hành chính hơn 4,55 tỷ. Điển hình những DN có số nợ thuế cao như: Công ty TNHH Gạch men Hoàng Gia (hơn 29,7 tỷ đồng); Công ty TNHH Đá tấm xây dựng cao cấp (hơn 11,8 tỷ đồng); Công ty TNHH Metacor Việt Nam (gần 6,8 tỷ đồng); Công ty TNHH Việt Tân Phát (hơn 5,5 tỷ đồng); Công ty TNHH Ô tô Phương Khanh (hơn 4 tỷ đồng)…

Số nợ thuế của các DN còn đọng lại hầu hết đều rơi vào tình trạng khó đòi. Có DN nợ thuế đến 10 năm, mặc dù Cục Hải quan tỉnh đã gửi văn bản cũng như gặp trực tiếp để đôn đốc nhưng DN đưa ra nhiều lý do để chây ỳ trong việc trả nợ. Do đó, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho ngân sách nhà nước, đảm bảo số nợ thuế giảm và không phát sinh thêm, các đơn vị hải quan đã tập trung triển khai nhiều biện pháp mạnh nhằm thu hồi nợ thuế như dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; tạo thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu... Các đơn vị hải quan cũng tổ chức, xác minh tình trạng hoạt động của DN, thông báo cho Sở KH-ĐT biết những thành viên của hội đồng quản trị DN có nợ thuế chây ỳ, để lưu ý khi cấp phép thành lập DN mới.

Đơn cử như tháng 6/2022 vừa qua, Chi cục Hải quan cảng Cát Lở đã có quyết định về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đối với Công ty TNHH may mặc Bà Rịa vì DN không chấp hành về việc ấn định thuế với hàng hóa xuất nhập khẩu. Số tiền bị cưỡng chế hơn 1,1 tỷ đồng. Quyết định này có hiệu lực trong vòng 1 năm kể từ ngày 30/6/2022 đến ngày 29/6/2023 cho tới khi tiền thuế được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.

Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Phú Mỹ cũng đã ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Công ty TNHH Metacor Việt Nam. Nguyên nhân là do trước đó cơ quan hải quan đã ban hành thông báo đề nghị Công ty TNHH Metacor Việt Nam nộp ngân sách số tiền thuế là hơn 6,7 tỷ đồng, nhưng đến nay, DN vẫn chưa thực hiện.

Quyết liệt triển khai các giải pháp

Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng DN “xù” nợ thuế, ông Lê Văn Thung, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết, Cục Hải quan tỉnh chỉ đạo các chi cục, đơn vị nghiệp vụ tập trung rà soát tất cả các trường hợp DN đang có nợ thuế quá thời hạn, đánh giá chi tiết từng khoản nợ, tình trạng thực tế của DN nợ. Từ đó xây dựng kế hoạch thu nợ đối với từng DN.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thường xuyên báo cáo Tổng cục Hải quan để có văn bản đề nghị với cơ quan chức năng địa phương nơi DN đăng ký kinh doanh để cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của DN nợ thuế quá hạn. Các biện pháp cưỡng chế khác như dừng làm thủ tục, cấm xuất cảnh, trích tài khoản…vẫn sẽ được ngành hải quan cân nhắc áp dụng với các DN quá chây ỳ.

Vừa qua Tổng cục Hải quan đã kiến nghị sửa đổi một số điều của Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế sau khi nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế như bổ sung quy định, hàng hóa xuất nhập khẩu phải nộp xong thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng. Nếu chậm nộp thuế, DN phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp và phải chịu tiền lãi chậm nộp 0,05%/ngày tính trên số tiền chậm nộp. Thời gian bảo lãnh do Chính phủ quy định cụ thể. Hết thời hạn bảo lãnh, nếu người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền lãi chậm nộp, thì tổ chức bảo lãnh phải nộp thay số tiền thuế, tiền lãi chậm nộp. Việc bảo lãnh nợ thuế là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm giảm tình trạng thất thu thuế xuất nhập khẩu hiện nay.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.