"Hòa nhịp" cùng phát triển vùng Đông Nam Bộ

Chủ Nhật, 10/07/2022, 20:09 [GMT+7]
In bài này
.

Để các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ cùng phát triển, xứng đáng vị thế đầu tàu của cả nước, cần tháo “nút thắt” về hạ tầng giao thông kết nối, phải có chỉ huy vùng và cơ chế đặc thù hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển vùng, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, tự thân vận động của từng địa phương hiện nay. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu TP.Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu TP.Hồ Chí Minh.

Đó là hiến kế của nhiều đại biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, diễn ra ngày 9/7 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 2 điểm cầu TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh.

CHỦ TỊCH UBND TP. HỒ CHÍ MINH PHAN VĂN MÃI 
Cần cơ chế đặc thù cho vùng
Khoảng 10 năm trở lại đây, một số lĩnh vực của TP. Hồ Chí Minh trước đây vượt trội so với cả nước nay đã chậm lại, thậm chí tụt hậu. Nguyên nhân là thể chế vùng hiện hành chưa khuyến khích chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo và tăng cường liên kết vùng.
Để tăng tốc độ tăng trưởng vùng, cần hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng và bộ máy giúp việc. Cụ thể là cần có ban chỉ đạo vùng ở địa phương gồm bí thư các tỉnh, thành trong vùng do một ủy viên Bộ Chính trị phụ trách. Cần xác định những nội dung Chính phủ không quyết định theo tỉnh mà giải quyết theo sự thống nhất chung của vùng như giao thông trọng điểm, mở rộng sân bay, cảng biển; điều chỉnh chức năng các khu kinh tế, khu công nghiệp; xử lý rác và hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch…

 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.

Hạ tầng giao thông chậm phát triển 

Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm và nhiều ý kiến tại hội nghị là hạ tầng giao thông trong khu vực. Các đại biểu cho rằng giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Giao thông phát triển đến đâu thì kinh tế phát triển đến đó. Đông Nam Bộ là vùng tạo động lực phát triển kinh tế của cả nước chính là nhờ hệ thống giao thông trong khu vực tương đối tốt so với khu vực khác.

Thế nhưng 20 năm qua, tốc độ đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ còn chậm so với tốc độ phát triển kinh tế. Đây được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính làm chậm lại nhịp phát triển của các địa phương trong vùng.

Trong đó, đô thị đầu tàu của vùng và cả nước là TP. Hồ Chí Minh luôn xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn tắc tại các cửa ngõ ra vào thành phố. TP. Hồ Chí Minh đang thiếu những tuyến đường cao tốc kết nối trung tâm và kết nối với các tỉnh thành trong khu vực. Giao thông liên vùng còn nhiều bất cập, chưa được quan tâm đúng mức hoặc vừa hoàn thành đã quá tải. 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể thông tin, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí khoảng 120.000 tỷ đồng vốn ngân sách để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược trong vùng và liên vùng, cùng với đó là một số dự án hợp tác công tư (PPP).

Theo đó, từ nay tới năm 2025, sẽ hoàn thành đưa vào khai thác tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ (đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2), tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; thu xếp nguồn vốn để khởi công các tuyến đường Vành đai 4, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Mộc Bài, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.

Về sân bay, các bộ, ngành đang phối hợp triển khai các giải pháp đồng bộ nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách mỗi năm; đồng thời quyết liệt thúc đẩy dự án sân bay Long Thành để khai thác giai đoạn 1 vào năm 2025 với công suất 25 triệu hành khách.

“Tinh thần là địa phương và Trung ương cùng hợp lực để giải quyết vấn đề giao thông của vùng. Do đó, các địa phương cần chủ động và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đẩy nhanh triển khai các tuyến đường giải quyết ách tắc giao thông tại các cảng lớn trong vùng như Cái Mép-Thị Vải, Cát Lái; nâng cấp luồng hàng hải từ phao số 0 vào cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, luồng Xoài Rạp; kêu gọi đầu tư các cảng biển, trung tâm logistics Cái Mép Hạ, các cảng cạn trong vùng để hình thành các trung tâm logistics lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

CHUYÊN GIA KINH TẾ NGUYỄN XUÂN THÀNH
Nâng tầm quốc tế cho vùng
Tháng 3/2022, lần đầu tiên TP. Hồ Chí Minh - thành phố duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách xếp hạng quốc tế Trung tâm tài chính toàn cầu (Global financial center index). Trong bảng này, khu vực châu Á có các trung tâm thường nằm trong top 10, bao gồm: Hong Kong, Singapore, Thượng Hải và Tokyo. Từ trụ cột là TP. Hồ Chí Minh, khi hoàn thiện thể chế phát triển vùng cần hướng tới các tiêu chí trở thành một trung tâm tài chính-kinh tế năng động của quốc tế.

Cần có “nhạc trưởng”

Việc thiếu một “nhạc trưởng” chỉ huy khiến kết nối giữa các địa phương lỏng lẻo, không có tiếng nói chung trong quy hoạch, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển vùng. Cùng với đó, vùng còn thiếu cơ chế huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài nhà nước.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh, vùng Đông Nam Bộ cần tiếp cận theo hướng tối ưu hóa nguồn lực được phân bổ, dồn nguồn lực để phát huy các thế mạnh tốt nhất của từng địa phương trong vùng để tạo lợi thế cạnh tranh tầm quốc gia. Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về phát triển về kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nhằm tạo động lực mới, không gian kinh tế mới để vùng phát triển vượt bậc (xem toàn văn tham luận của ông Phạm Viết Thanh trên trang 4-5 số báo này).

Quốc lộ 51 đã quá chật hẹp. Trong ảnh: QL51 đoạn qua địa bàn phường Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ luôn đông đúc.
Quốc lộ 51 đã quá chật hẹp. Trong ảnh: QL51 đoạn qua địa bàn phường Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ luôn đông đúc.

 

Dự án cầu Phước An nối liền TX. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cần sớm được tháo gỡ khó khăn để triển khai xây dựng.
Dự án cầu Phước An nối liền TX. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cần sớm được tháo gỡ khó khăn để triển khai xây dựng.

Còn Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi nêu quan điểm tạo tứ giác phát triển của vùng gồm 4 tỉnh, thành Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh xuất phát từ địa lợi và dư địa phát triển, đồng thời đề xuất cần có một “nhạc trưởng vùng” là phó thủ tướng làm chỉ huy vùng, vì “nếu chỉ huy tốt thì chưa cần đến nguồn lực của trung ương mà tự thân nguồn lực của địa phương cũng sẽ bố trí cùng nhau được”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nói.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Nghị quyết 53 và Kết luận 27 đúng hướng, thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, củng cố niềm tin với Đảng và Nhà nước.

Đông Nam Bộ đứng đầu cả nước về GRDP với 35% và đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách nhà nước. Trong ảnh: May dụng cụ thể thao xuất khẩu tại Công ty TNHH Đông Phương Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên, phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu).
Đông Nam Bộ đứng đầu cả nước về GRDP với 35% và đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách nhà nước. Trong ảnh: May dụng cụ thể thao xuất khẩu tại Công ty TNHH Đông Phương Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên, phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu).

Để đạt được các mục tiêu đề ra trong phát triển vùng, Thủ tướng Chính phủ cho rằng trong tình hình, bối cảnh mới, căn cứ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn cần xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành nghị quyết mới xứng tầm, phù hợp thực tế hơn về phát triển vùng Đông Nam Bộ. Trong đó lưu ý tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược gồm: xây dựng và hoàn thiện thể chế; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số. Cách thức tổ chức thực hiện liên kết vùng cần chặt chẽ, hiệu quả hơn, cần một cơ chế điều phối, “nhạc trưởng” cho liên kết vùng phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, nâng cao tính tự lực, tự cường của mỗi địa phương. Các bộ ngành tích cực, chủ động phối hợp, xử lý các vấn đề đặt ra với các địa phương trong vùng, không để các địa phương phải “chạy lên chạy xuống” nhiều lần mà không giải quyết được vấn đề.

Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trước mắt như: ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; tập trung hoàn thành mục tiêu tiêm vắc xin COVID-19 cho các đối tượng chỉ định và đánh giá miễn dịch cộng đồng; thúc đẩy các dự án trọng điểm của vùng như đường vành đai 2, 3, chuẩn bị khởi động đường vành đai 4; hoàn thành dứt điểm công tác quy hoạch...

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của cả nước và khu vực. GRDP vùng chiếm 35% của cả nước, đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người gấp 1,58 lần so với cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa gấp 1,8 lần cả nước. Vùng đã hình thành trung tâm công nghiệp hàng đầu của cả nước, đóng góp tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, tạo việc làm, thu ngân sách lớn; số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Trong đó, công nghiệp phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững, đồng bộ; hệ thống giao thông quá tải, tắc nghẽn, xuống cấp, thiếu kết nối đồng bộ…

 

 

;
.