Băn khoăn về tiêu chí cửa hàng tiện lợi
Bộ Công thương đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại. Trong đó, tiêu chí cửa hàng tiện lợi chỉ chủ yếu phục vụ khách hàng trong bán kính 500m của dự thảo đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Những quy định liên quan đến việc cửa hàng tiện lợi chỉ phục vụ khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m trong Dự thảo Thông tư về hạ tầng thương mại, nhiều ý kiến của DN, người dân cho rằng là không hợp lý. Nhân viên một cửa hàng trên địa bàn TP. Vũng Tàu sắp xếp hàng hóa lên kệ. |
Gây khó cho doanh nghiệp
Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại chủ yếu đưa ra các quy định và tiêu chí để phân loại các loại hình địa điểm bán lẻ, gồm: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet.
Đáng chú ý, với quy định về tiêu chí để là cửa hàng tiện lợi, cơ quan soạn thảo yêu cầu địa điểm kinh doanh phải đặt tại khu dân cư tập trung, khu thương mại dịch vụ, khu du lịch... và có diện tích tối thiểu 30m2. Diện tích tối đa để điểm kinh doanh được phân loại là cửa hàng tiện lợi phải dưới 200m2. Hàng hóa chủ yếu của cửa hàng tiện lợi phải là thực phẩm ăn ngay và hàng bách hóa nhỏ lẻ; hàng tiêu dùng nhanh. Số lượng mặt hàng kinh doanh trong khoảng 3.000 tên hàng và có thể hoạt động tối đa 24 tiếng/ngày.
Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định đối tượng phục vụ chủ yếu của cửa hàng tiện lợi là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m và phải bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân.
Theo đại diện chuỗi cửa hàng tiện lợi tại BR-VT cho biết, quy định như thế này chẳng khác nào gây khó người dân, DN, kìm hãm sự phát triển với những quy định không thực tế. Trước đây chuỗi hệ thống cửa hàng tiện lợi của DN đã từng nghiên cứu để triển khai các cửa hàng với tiêu chí tiện lợi nhất cho người dân mua sắm, trong đó có tính đến khoảng cách các cửa hàng. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai không thể thực hiện được. Vì mở một cửa hàng phụ thuộc rất nhiều yếu tố như nhu cầu của khách hàng, mật độ dân cư của từng khu vực…, chưa kể các chi phí thuê mặt bằng, nhân viên. Nếu các cửa hàng buộc phải thực hiện quy định về khoảng cách chỉ được phục vụ khách hàng trong bán kính dưới 500m thì quá khó cho DN.
Đó cũng là quan điểm của đại diện các cửa hàng tiện lợi như: Circle K, GS25, Family Mart… đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đại diện các cửa hàng tiện lợi cho rằng, thay vì đưa ra quy định này, cơ quan chức năng cần quan tâm là làm sao làm tốt những vấn đề cốt lõi chuyên môn như kiểm tra bảo đảm nguồn gốc hàng hóa, chất lượng sản phẩm, giá cả niêm yết công khai, minh bạch, chống các hiện tượng đầu cơ ghim hàng tăng giá...
Trong khi đó, người tiêu dùng cũng cho rằng, đây là một đề xuất bất khả thi, không phù hợp với thực tế, bởi không lẽ, cứ mỗi lần đi mua hàng, người diêu dùng lại phải xuất trình giấy tờ cá nhân cho cửa hàng để biết mình có được mua hàng theo đúng quy định hay không.
Chị Thanh Thủy (TP. Vũng Tàu) cho biết, người tiêu dùng có thể mua hàng ở những nơi họ cảm thấy thoải mái, hoặc có thể vì nguồn hàng hóa đa dạng hay thái độ phục vụ tốt, chứ đâu thể buộc họ chỉ được vào cửa hàng trong bán kính 500m.
Riêng với Quy định “cửa hàng tiện lợi kinh doanh 3.000 tên mặt hàng”, người tiêu dùng lẫn DN kinh doanh đều cho rằng, việc quy định phải kinh doanh mặt hàng nào, số lượng bao nhiêu, nên để DN tự quyết định. Lý giải của các DN thì trước khi mở cửa hàng tiện lợi, họ đã phải nghiên cứu thị trường để nắm thông tin nhu cầu của người dân để biết khu vực này nhu cầu của người dân thiên về các nhóm hàng nào, quy mô cửa hàng ở diện tích bao nhiêu là vừa. Dựa trên những điều tra thị trường đó, tùy vào nhu cầu của người tiêu dùng mà cửa hàng tiện lợi sẽ quyết định nhập mặt hàng nào vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng vừa mang lại doanh số tốt có thể nhiều hơn có thể ít hơn con số này. |
Cần sửa đổi phù hợp
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, xây dựng Thông tư hướng dẫn phân loại và quản lý một số hạ tầng thương mại là rất cần thiết. Việc phân loại và quản lý phù hợp, hiệu quả sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong công tác quản lý, phát triển một số loại hình thương mại, góp phần tạo thuận lợi cho phát triển nền kinh tế và nâng cao hiệu quả cạnh tranh của hàng hóa trong nước.
Theo TS Lê Đăng Doanh, để Thông tư đem lại hiệu quả cao nhất và phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay, Bộ Công thương chỉ nên xây dựng theo hướng khung thay vì đặt ra tiêu chuẩn cứng nhắc. Điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng thương mại của các địa phương là không giống nhau. Vì vậy, các quy định nên có sự linh hoạt để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và hạ tầng của từng địa phương đó. Đây cũng là cách để Thông tư được ban hành sẽ thực sự đi vào cuộc sống và có tác động tích cực đối với sự phát triển của hoạt động thương mại nội địa.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, khi xây dựng Dự thảo, Bộ đã gửi đến các địa phương, DN lấy ý kiến. Đối với quy định về bán kính 500m, Bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến để sửa đổi theo hướng minh bạch, dễ hiểu nhất chứ không máy móc, bắt buộc hay gây khó khăn cho người dân, DN.
Bà Nga khẳng định, cơ quan Nhà nước mong muốn thể hiện tiêu chí mang tính có lợi cho người tiêu dùng về mặt dễ dàng, tiện lợi cho việc tiếp cận bán kính gần, chỉ cần đi bộ đã tới. Mặt khác, quy định này cũng mở cho các DN đầu tư loại hình này ở chỗ cho phép tiếp cận rất gần khu dân cư hoặc khu vực tập trung đông dân như: trường học, bệnh viện... để phục vụ người dân tiếp cận hàng hóa sử dụng ngay trong ngày.
“Các quy định hướng dẫn này cũng phù hợp với thông lệ thế giới, phù hợp với nhu cầu mua bán của cư dân ở các chung cư, khu đô thị, phù hợp với thực tế bố trí các chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam hiện nay và đa số các chuỗi cửa hàng do nhà đầu tư nước ngoài thì ở nước họ cũng có quy định tương tự. Song tinh thần Thông tư mở hơn, chỉ hướng dẫn chứ không bắt buộc”, bà Nga nói.
Bài, ảnh: SONG BÌNH