.

Ứng dụng công nghệ bảo trì hệ thống điện

Cập nhật: 16:52, 08/05/2022 (GMT+7)

Bằng công nghệ bảo trì, bảo dưỡng mới theo tình trạng thiết bị (CBM), ngành điện lực đã kịp thời phát hiện những bất thường của thiết bị đang vận hành và chủ động đưa ra kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng nhằm ngăn ngừa sự cố xảy ra.

Công nhân Điện lực Long Điền sửa chữa, bảo trì cấp độ 2 theo phương pháp CBM tại trạm biến áp 100kV An Ngãi.
Công nhân Điện lực Long Điền sửa chữa, bảo trì cấp độ 2 theo phương pháp CBM tại trạm biến áp 110kV An Ngãi.

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp theo chân những người “lính áo cam” Điện lực Long Điền đến bảo trì, bảo dưỡng thiết bị tại trạm biến áp 110kV An Ngãi. Trạm biến áp này trước đó đã được “khám sức khỏe” online mà không cần phải cắt điện và phát hiện một số bất thường cần thiết phải bảo trì.

Theo ông Nguyễn Huy Phong, Phó Giám đốc Điện lực Long Điền, trước đây phương pháp sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị điện truyền thống thực hiện theo định kỳ (1-3 năm) và theo yêu cầu của nhà sản xuất. Công nhân khi kiểm tra  xuống trực tiếp nơi đặt thiết bị và phải thực hiện cắt điện. Việc kiểm tra theo phương pháp truyền thống này không đánh giá và xử lý được tình trạng làm việc của thiết bị, dẫn tới lãng phí nhân công khi đến hạn bảo dưỡng mà thiết bị vẫn  trong trạng thái vận hành tốt.

Bảo trì theo điều kiện hay bảo trì dựa trên tình trạng vận hành thiết bị là một giải pháp bảo trì tiên tiến, dựa trên việc đánh giá tình trạng vật lý thực tế theo thời gian thực của thiết bị thông qua chỉ số “sức khỏe” của thiết bị. Để thực hiện các công tác bảo trì theo CBM, cần sử dụng một số thiết bị hiện đại phục vụ kiểm tra trong quá trình vận hành như: thiết bị kiểm tra phóng điện cục bộ online (PD), camera chụp ảnh nhiệt. Ngoài ra, phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá định lượng cho các chủng loại thiết bị như: máy biến áp, máy cắt, máy biến điện áp, máy biến dòng điện, tủ hợp bộ trung thế.

Cũng theo ông Phong, với phương pháp CBM, việc bảo trì chỉ tiến hành khi cần thiết nhằm không để xảy ra trường hợp suy giảm khả năng vận hành hoặc sự cố, loại bỏ phương án bảo trì định kỳ tốn kém và giảm đáng kể xác suất hư hỏng thiết bị. Phương pháp này còn có nhiều ưu điểm như: giảm tình trạng hư hỏng thiết bị; giảm chi phí sửa chữa và nhân công; giảm thời gian mất điện; linh hoạt và chủ động trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị; tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

“Sửa chữa, bảo dưỡng theo phương pháp CBM được thực hiện ở 3 cấp độ khác nhau, trong đó cấp độ 1 các thiết bị điện sẽ được “khám sức khỏe” online mà không cần phải cắt điện. Từ kết quả đó sẽ xác định được có cần thay thế, bảo trì, bổ sung không và khi thực hiện cấp độ 2 chúng tôi sẽ tạm ngưng cung cấp điện để thực hiện. Còn cấp độ 3 là các hạng mục phân tích và chẩn đoán chuyên sâu hơn khi cần thiết”, ông Phong nói.

Năm 2022, Công ty Điện lực BR-VT thực hiện bảo dưỡng bằng phương pháp CBM đối với 15 trạm biến áp 110kV. Trong đó, bảo dưỡng các thiết bị trong trạm như: máy biến áp 110/22kV, máy biến áp tự dùng, máy cắt, tủ hợp bộ, dao cách ly, biến dòng điện, biến điện áp, chống sét, tụ bù, hệ thống DC và cấp điện áp 22kV...

Theo lãnh đạo Công ty Điện lực BR-VT, một bộ chỉ số sức khỏe (CHI - Condition Health Index) của mỗi thiết bị sẽ được chấm điểm sau khi thực hiện 3 cấp độ trên. Sau khi có kết quả thì đưa ra phương pháp “điều trị” tương ứng, đồng thời có kế hoạch kiểm tra tiếp theo. Mục tiêu của việc sửa chữa, bảo dưỡng theo tình trạng vận hành CBM là phát hiện và ghi nhận những dữ liệu dựa trên điều kiện thực tế của thiết bị; từ đó làm tiền đề cho việc phân tích và ra các chiến lược bảo dưỡng/thay thế chủ động trước khi có sự cố xảy ra gây hư hỏng thiết bị.

“Đây là một phần không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số của Tổng Công ty Điện lực miền Nam nói chung và của Công ty Điện lực BR-VT nói riêng trong công tác quản trị lưới điện thông minh, góp phần cung cấp điện ổn định, liên tục và an toàn trên địa bàn”, ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực BR-VT nói.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.