Sớm kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống thú y

Chủ Nhật, 17/04/2022, 17:24 [GMT+7]
In bài này
.

Các địa phương có ưu đãi để thu hút DN đầu tư cơ sở giết mổ tập trung; kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống thú y cơ sở. Đây là vấn đề được đặt ra tại hội nghị “Kiểm soát giết mổ động vật và quản lý buôn bán thuốc thú y” do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức vào sáng 16/4.

Trong những năm qua, các địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các chuỗi chăn nuôi, cơ sở giết mổ chế biến sản phẩm động vật.  Trong ảnh: Người chăn nuôi huyện Xuyên Mộc sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi.
Trong những năm qua, các địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các chuỗi chăn nuôi, cơ sở giết mổ chế biến sản phẩm động vật. Trong ảnh: Người chăn nuôi huyện Xuyên Mộc sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi.

Chỉ 30-40% động vật được kiểm soát giết mổ

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, cả nước có 456 cơ sở giết mổ heo, bò, gia cầm tập trung. Đối với các cơ sở này, đa phần đều bảo đảm các yêu cầu an toàn đặt ra. Tuy nhiên, lượng lớn số thịt gia súc, gia cầm trên cả nước lại được giết mổ từ gần 23.000 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, nhưng chỉ 15% số này có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. 23% cơ sở có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ. Điều này dẫn đến nguy cơ, các sản phẩm thịt chưa kiểm soát được hết chất lượng trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Thực tế hiện nay, thú y chỉ kiếm soát được khoảng 30-40% số gia súc, gia cầm giết mổ trên địa bàn, thậm chí có một số địa phương không thực hiện việc kiếm soát giết mổ.

Đối với việc quản lý buôn bán thuốc thú y, cả nước hiện có hơn 17.700 cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc thú y. Trong đó có 93,6% cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán. Việc quản lý buôn bán thuốc thú y vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập và hạn chế, mà nguyên nhân chủ yếu vẫn do thiếu nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở, công tác thanh kiểm tra cơ sở buôn bán thuốc thú y còn thiếu đồng bộ...

Tại BR-VT, có 38 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Tỉnh đã quy hoạch hệ thống các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đến năm 2025 tầm nhìn 2030 với 28 cơ sở, hiện đã triển khai xây dựng được 16 cơ sở. Toàn tỉnh có 141 cửa hàng, cơ sở buôn bán thuốc thú y, vắc xin thú y, thuốc thú y thủy sản, cơ sở điều trị chó, mèo. Thời gian qua, ngành chức năng vẫn phát hiện và xử phạt trường hợp vi phạm mua bán thuốc thú y có hàm lượng vượt mức cho phép ghi trên nhãn sản phẩm…

ÔNG NGUYỄN CÔNG VINH, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH 
Không để tình trạng giết mổ động vật trái phép
Hội nghị là cơ hội để BR-VT đánh giá sát thực, nhận diện đầy đủ những mặt còn hạn chế, nguyên nhân và đưa ra được các giải pháp khắc phục hiệu quả trong công tác kiểm soát giết mổ và quản lý buôn bán thuốc thú y, phục vụ công tác phòng, chống bệnh động vật trên cạn và thủy sản. Trong thời gian tới, tỉnh BR-VT sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng, các địa phương tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, quản lý buôn bán thuốc thú y, không để tình trạng giết mổ động vật trái phép. Đồng thời, tăng cường quản lý việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập vào tỉnh.

Thu hút DN đầu tư cơ sở giết mổ

Tại hội nghị, đại diện cơ quan chức năng cũng đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục hạn chế tình trạng này như: có ưu đãi để thu hút DN đầu tư cơ sở giết mổ tập trung; kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống thú y cơ sở. Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, việc tìm kiếm, kêu gọi tổ chức, cá nhân đầu tư vào dự án xây dựng cơ sở giết mổ tập trung theo đúng quy hoạch trên địa bàn tỉnh hiện gặp nhiều khó khăn. Các tổ chức, cá nhân chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia cầm tập trung tại các huyện. Do đó, cần có chính sách để tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích, thu hút các tập thể và cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch.

Còn theo Cục Thú y, Chính phủ cần có các cơ chế khuyến khích đầu tư hạ tầng về cơ sở giết mổ tập trung; ban hành chính sách ưu đãi về thuế, vốn, đất đai… Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có cơ chế đặc thù cho ngành thú y trong việc thực hiện hợp đồng lao động phục vụ cho công tác kiểm soát giết mổ và chi trả tiền công, tiền lương từ nguồn thu phí, lệ phí… Đồng thời, kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống thú y cơ sở. Có như vậy, công tác kiểm soát quản lý hoạt động giết mổ ở các địa phương mới hiệu quả và chất lượng.

Công tác kiểm soát giết mổ động vật và quản lý buôn bán thuốc thú y đóng vai trò rất quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Do đó, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương cần tổ chức triển khai mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch; xây dựng các chương trình giám sát ATTP trong chuỗi sản xuất thực phẩm có nguồn gốc động vật và bố trí nguồn ngân sách thực hiện. Đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, cần quản lý chặt số lượng, nguồn gốc của động vật khi vào cơ sở giết mổ.

“Để làm tốt điều đó cần tổ chức rà soát quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ tập trung để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung phù hợp với từng địa phương; bố trí nguồn nhân lực và chế độ đãi ngộ phù hợp cho lực lượng cán bộ thú y; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hành tốt các biện pháp bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, tuân thủ quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến lưu ý.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.