.

Đẩy mạnh giao thương, phát triển thị trường

Cập nhật: 19:57, 11/04/2022 (GMT+7)

Tăng kết nối giao thương, tìm kiếm khách hàng và chủ động tiết giảm chi phí là giải pháp mà các DN lĩnh vực thương mại đang thực hiện nhằm mở rộng thị trường, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Các DN tìm hiểu các sản phẩm tại Hội nghị kết nối giao thương do BNI Unity Bà Rịa tổ chức  cuối tháng 3 vừa qua.
Các DN tìm hiểu các sản phẩm tại Hội nghị kết nối giao thương do BNI Unity Bà Rịa tổ chức cuối tháng 3 vừa qua.

Tăng kết nối giao thương

Với các sản phẩm từ tinh dầu và trầm, Công ty TNHH Giang Long (TP. Bà Rịa) cũng đã thu hút sự quan tâm của các DN có mặt tại buổi kết nối giao thương do BNI Unity Bà Rịa tổ chức cuối tháng 3/2022. Theo ông Đinh Quỳnh Giang, Giám đốc Công ty trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, việc tham gia các chương trình kết nối giao thương giúp DN học hỏi được kiến thức kinh doanh, quảng bá DN và tìm kiếm được các đối tác mới để mở rộng thị trường. Qua đó giúp DN duy trì và phát triển sản xuất.

Bà Vũ Thị Xuyến, Chủ tịch BNI Unity Bà Rịa cho biết, trong thời điểm giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào đều tăng, kéo theo giá cả hàng hóa tăng theo thì việc kết nối DN càng có ý nghĩa để kích cầu tiêu dùng. Hiểu được mong muốn của DN, BNI Unity Bà Rịa đã tổ chức chương trình kết nối giao thương với quy mô hơn 200 DN. Đây là buổi kết nối giao thương trực tiếp của cộng đồng BNI Unity Bà Rịa từ sau đại dịch đến nay. Trong hội nghị kết nối giao thương trực tiếp, phạm vi tìm kiếm đối tác, nhà phân phối rộng hơn, đơn vị sản xuất có cơ hội lớn hơn tiếp cận, giới thiệu và giải đáp các thắc mắc đến các khách hàng. “Chúng tôi kỳ vọng những chương trình này sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp DN tìm kiếm thêm đối tác, ổn định lại và mở rộng sản xuất kinh doanh”, bà Xuyến cho hay.

Theo Sở Công thương, năm 2022 đơn vị này sẽ tăng cường nắm bắt các nhu cầu thị trường của các DN để có chương trình hỗ trợ các DN một cách tốt nhất. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại giúp DN quảng bá, mở rộng thị trường, phục hồi sau đại dịch.

Tiết giảm chi phí

Trong bối cảnh giá nguyên, nhiên liệu, vận chuyển và cả nhân công tăng, thị trường không thuận lợi thì tiết giảm chi phí không cần thiết được coi là một trong giải pháp hiệu quả nhằm giúp DN duy trì sản xuất, giữ và tăng doanh thu.

Bà Vũ Thị Xuyến, Giám đốc Công ty TNHH Relax Kids, TP.Bà Rịa cho biết, DN chuyên kinh doanh các mặt hàng pha lê nhập khẩu từ Tiệp Khắc. So với nhiều loại hàng hóa khác, các sản phẩm từ pha lê rất kén khách. Trong khi kinh doanh sản phẩm này đòi hỏi vốn lớn, chi phí vận chuyển cao do phải nhập từ nước ngoài nên DN tăng cường bán hàng online để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tiết giảm các chi phí mặt bằng, nhân công. “Chi phí mặt bằng luôn là nỗi lo đối với DN bởi dù có bán được hàng hay không hàng tháng vẫn phải trả phí thuê. Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, thực tế nhiều DN đã buộc phải giảm diện tích mặt bằng để giảm chi phí. Tuy nhiên, giảm diện tích mặt bằng không có nghĩa là giảm sự tiếp xúc của DN đối với khách hàng mà DN đã chuyển sang hình thức kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số, thương mại điện tử để bán hàng. Nhờ đó, doanh thu và lợi nhuận của công ty vẫn được duy trì ổn định, đồng thời có thêm khách hàng mới”, bà Xuyến cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Tăng Quốc Thắng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ipro Media lại chia sẻ cách làm để DN tiết kiệm chi phí trong bối cảnh bão giá. Đó là sử dụng các sản phẩm thay thế có tuổi thọ cao hơn, chi phí ít hơn. Một trong những sản phẩm được nhiều DN sử dụng là Card visit điện tử thay cho card visit giấy. Sản phẩm này tích hợp web bán hàng, các cửa hàng điện tử thương mại thay cho mặt bằng kinh doanh thực tế, các clip quảng cáo hướng dẫn sử dụng sản phẩm thay cho việc hướng dẫn sử dụng tận tay khách hàng… “Việc sử dụng Card visit điện tử tiết kiệm được chi phí in card visit giấy, đồng thời tích hợp các tính năng giúp người quản lý giới thiệu được sản phẩm và tiết kiệm được chi phí maketting”, ông Thắng cho hay.

Còn ông Trần Minh Cảnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện máy 121 cho biết, ngoài giảm chi phí mặt bằng, tăng bán hàng online, công ty còn giảm chi phí thông qua việc quản trị DN. Cụ thể, trước đây mỗi nhân sự chỉ phụ trách một công việc, còn hiện tại, DN đã đào tạo để một nhân viên có thể làm được nhiều việc và biết sắp xếp công việc một cách khoa học để đạt hiệu suất lao động cao nhất, tránh lãng phí sức lao động.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.