Chủ động các giải pháp phòng, chống thiên tai
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2022, diễn ra sáng 25/4.
Các địa phương chủ động tu bổ, nâng cấp các công trình thủy lợi nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra. |
Hội nghị được kết nối tới 63 điểm cầu UBND tỉnh, thành phố và 701 điểm cầu quận, huyện trên cả nước. Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu tại BR-VT.
Thời tiết diễn biến phức tạp, dị thường
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban thường trực Chỉ đạo về PCTT cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, DN, đặc biệt là chính quyền cơ sở, công tác phòng, chống thiên tai đã đạt được nhiều kết quả, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản trong năm 2021 (108 người chết, mất tích; thiệt hại vật chất 5.200 tỷ đồng), thiệt hại thấp nhất trong những năm gần đây.
Tuy không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2020, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, bất thường ngay trong những tháng đầu năm 2022 với mưa lũ lớn trái mùa kèm theo dông lốc trên diện rộng cuối tháng 3 đầu tháng 4 tại các tỉnh miền Trung; rét lịch sử cuối tháng 2 ở khu vực miền núi phía Bắc; động đất gia tăng cả về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum); bên cạnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến các hoạt động phòng, chống thiên tai.
Về xu thế thiên tai đến cuối năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TNMT) Trần Hồng Thái thông tin, có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và 4-6 cơn có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Mùa mưa bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong các tháng mùa mưa bão, tại khu vực Bắc Bộ lượng mưa có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, đề phòng các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra từ khoảng tháng 6 đến tháng 8/2022.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân về PCTT và TKCN khi mùa mưa bão đến. |
Chủ động phòng, chống
Tại BR-VT, trong năm 2021 đã có 9 cơn bão và 3 cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Tuy nhiên, các cơn bão này không ảnh hưởng nhiều tới tỉnh. Tổng lượng mưa trong mùa không đồng đều trên khu vực tỉnh. Một số các khu vực như: TP. Bà Rịa, xã Bình Ba (huyện Châu Đức), xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) và huyện Long Điền mưa ít hơn 30-45% so với trung bình nhiều năm. Trên địa bàn tỉnh cũng đã xẩy ra một số loại hình thiên tai như: dông lốc, mưa lớn gây thiệt hại về tài sản và cây trồng.
Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn tỉnh, trạng thái La Nina còn đến đầu năm 2022 và 60% khả năng chuyển sang trạng thái trung tính từ tháng 4-6/2022. Từ cuối tháng 5 đến tháng 6 có khả năng xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đối trên khu vực phía Bắc của Biển Đông. Triều cường sẽ xuất hiện các đợt cao vào các ngày 4/5 và ngày 18, 19/12/2022.
Đưa ra dự báo về hình thái thời tiết cực đoan trong 10 ngày tới, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TNMT) cho biết, từ ngày 26-27/4 có khả năng hình thành một dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực phía Nam của Biển Đông. Dự báo, khoảng từ ngày 29/4-1/5 trên dải hội tụ nhiệt đới này có khả năng hình thành các vùng xoáy thấp. Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, có khả năng xuất hiện nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm như: mưa lớn diện rộng ở Bắc bộ, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam bộ; trên biển có khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão với xác suất 70%. |
Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên địa bàn BR-VT, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương công tác chuẩn bị cho PCTT và TKCN từ sớm. Đồng thời, tăng cường hoạt động thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến, nhất là bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…
Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu nên tình hình thiên tai được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu nâng cao công tác PCTT và TKCN nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Trong đó, chú trọng xây dựng kế hoạch công tác cụ thể, kiểm tra, giám sát toàn bộ công trình PCTT xung yếu trước mùa mưa lũ, nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Công tác phòng ngừa cần chuyển dịch từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo cần đặc biệt ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai như: hệ thống giám sát, quan trắc, dự báo thiên tai, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu, trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai. Đồng thời, bố trí ngân sách tập trung xử lý dứt điểm các công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và chuyển đổi số trong PCTT để đạt hiệu quả cao nhất.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC