.
HỆ THỐNG THÔNG TIN ĐỊA LÝ (GIS) QUẢN LÝ QUY HOẠCH VÀ HẠ TẦNG KỸ THUẬT

Bước tiến mới trong tiến trình chuyển đổi số

Cập nhật: 17:37, 10/03/2022 (GMT+7)

Sở Xây dựng và Sở TN-MT vừa đưa vào vận hành ứng dụng “Hệ thống thông tin địa lý (GIS) quản lý quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật” tại TP. Bà Rịa. Ứng dụng cho phép người dùng tra cứu thông tin quy hoạch đất đai và xây dựng, hạ tầng kỹ thuật trên thiết bị điện tử có kết nối internet. Đây được xem là bước tiến mới trong tiến trình chuyển đổi số của tỉnh.

Nhân viên Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh kiểm tra việc kết nối, chia sẻ dữ liệu của các sở, ngành.
Nhân viên Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh kiểm tra việc kết nối, chia sẻ dữ liệu của các sở, ngành.

Tra cứu thông tin đơn giản, dễ dàng

“Hệ thống thông tin địa lý (GIS) quản lý quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật” gồm 2 chức năng chính: cho phép người dân tra cứu thông tin quy hoạch và thông tin hạ tầng kỹ thuật của khu đất. Về thông tin quy hoạch, khi tra cứu người dân sẽ biết được khu đất được quy hoạch vào nhóm đất nào (đất ở đô thị, đất ở nông thôn, đất phi nông nghiệp hay đất thương mại dịch vụ…). Đối với những khu vực đất ở, người dân khi tra cứu sẽ biết được mật độ xây dựng, chiều cao tối đa, số tầng… Còn mục “tra cứu dữ liệu hạ tầng kỹ thuật”, ứng dụng này sẽ cung cấp cho người dân 10 nhóm nội dung chính về hạ tầng kỹ thuật của khu đất như: hiện trạng công trình xây dựng, hiện trạng giao thông, hiện trạng hệ thống điện trung hạ thế, hiện trạng hệ thống cây xanh, hiện trạng hệ thống cấp nước, hiện trạng hệ thống điện chiếu sáng công cộng, hiện trạng hệ thống thoát nước, hiện trạng hệ thống viễn thông, hiện trạng môi trường đô thị và hiện trạng nhà công sở.

Anh Phạm Chính Hoài (đường 27/4, phường Phước Hưng, TP. Bà Rịa) cho biết, anh vừa mua lô đất rộng gần 90m2 trên đường Lương Thế Vinh (phường Long Tâm, TP. Bà Rịa). Để chuẩn bị xây nhà trên khu đất này, anh vào ứng dụng “Hệ thống thông tin địa lý (GIS) quản lý quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật” để tra cứu thông tin. Các thao tác để tra cứu thông tin khá đơn giản, chỉ cần đăng nhập vào hệ thống, điền số tờ, số thửa đất thì tra được các thông tin quy hoạch đô thị và kỹ thuật có liên quan. Cụ thể, thửa đất của anh Hoài theo kết quả tra cứu là đất ở đô thị 100%, được quy hoạch 1 trệt, 2 lầu. Các hạ tầng kỹ thuật của khu đất này đầy đủ với đường hiện hữu trước đất 8m, có sẵn điện, nước, hệ thống thoát nước, cáp viễn thông, cây xanh… “Với các thông tin này, tôi yên tâm xin giấy phép xây dựng để xây nhà”, anh Hoài cho hay.

Theo ông Phạm Huỳnh Quang Hiếu, Giám đốc Trung tâm CNTT (Sở TN-MT), ứng dụng “Hệ thống thông tin địa lý (GIS) quản lý quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật” được xây dựng dựa trên nền tảng của ứng dụng tra cứu quy hoạch đất đai mà Sở TN-MT đã xây dựng trước đó để tra cứu thông tin quy hoạch đất đai từ số tờ, số thửa. Từ đó, Sở Xây dựng tích hợp, hoàn thiện các thông tin liên quan đến lĩnh vực xây dựng như quy hoạch, hạ tầng đô thị,… để giúp người dân tra cứu thông tin nhanh nhất. “Sản phẩm đầu ra của dự án là đưa tất cả các quy hoạch đô thị và xây dựng lên nền bản đồ địa chính do Sở TN-MT cung cấp bao gồm cả hệ thống kỹ thuật hiện hữu của TP. Bà Rịa. Ứng dụng nhằm cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng cho người dân (chức năng của khu đất là gì, mật độ xây dựng ra sao…); đồng thời phục vụ công tác quản lý Nhà nước; quá trình đầu tư hạ tầng ra sao… Hiện ứng dụng mới được thí điểm cho việc tra cứu thông tin quy hoạch tại TP. Bà Rịa”, ông Hiếu cho biết.

Người dân dễ dàng tra cứu thông tin quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật trên ứng dụng “Hệ thống thông tin địa lý (GIS) quản lý quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật”.
Người dân dễ dàng tra cứu thông tin quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật trên ứng dụng “Hệ thống thông tin địa lý (GIS) quản lý quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật”.

Sẽ triển khai mở rộng trên toàn tỉnh

Theo Phòng Quy hoạch kiến trúc Sở Xây dựng, tháng 6/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1606/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án ứng dụng “Hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị trên địa bàn tỉnh (xây dựng thí điểm cho TP. Bà Rịa)”. Thời gian thực hiện dự án 24 tháng. Đây là một dự án mới tại BR-VT nên trước khi thực hiện, Sở Xây dựng đã học tập một số địa phương khác như: Huế, Bình Dương,… Đến cuối năm 2020, dự án hoàn thành và Sở Xây dựng đã có báo cáo UBND tỉnh cho phép cung cấp thông tin rộng rãi cho người dân sử dụng để tra cứu thông tin quy hoạch xây dựng trên địa bàn TP. Bà Rịa.

Việc xây dựng dự án này khá công phu và vất vả, bởi phải số hóa toàn bộ dữ liệu về quy hoạch xây dựng trong khoảng thời gian dài gần 20-30 năm. Theo đó, những đồ án được vẽ trên giấy qua nhiều thời kỳ phải chuyển hóa thành bản đồ số để đưa lên hệ thống. Các bản vẽ quy hoạch đô thị qua nhiều thời kỳ không khớp nhau, nên trong quá trình vừa làm vừa phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Sau một thời gian triển khai ứng dụng vào thực tiễn, ngày 7/12/2021, UBND tỉnh có văn bản số 19809/UBND-VP về chủ trương triển khai mở rộng xây dựng hệ thống thông tin địa lý GIS cho các địa phương khác. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở TT-TT, Sở Tài chính và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện.

Để xem thông tin quy hoạch xây dựng, tra cứu dữ liệu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn TP. Bà Rịa, người dân có thể truy cập vào ứng dụng http://quyhoachxaydung.baria-vungtau.gov.vn/. Sau đó đăng nhập, đánh số tờ, số thửa và click vào những mục cần tra cứu.

Theo Sở Xây dựng, khi mở rộng dự án cho các địa phương khác thì các thông tin về quy hoạch hạ tầng thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm cập nhật bằng cách số hóa lên ứng dụng, chỉ cần có kết nối mạng là người dân có thể tra cứu thông tin quy hoạch xây dựng bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Còn phía cơ quan quản lý nhà nước thì có sẵn dữ liệu trên hệ thống để dễ dàng tra cứu thông tin, so sánh trước và sau khi cần thiết. Cơ quan đầu tư hạ tầng thì dễ dàng nắm thông tin để có kế hoạch sửa chữa, bảo trì điện, nước, chăm sóc cây xanh…

Ngoài ra, ứng dụng này nhằm hướng tới việc bãi bỏ TTHC về cung cấp thông tin quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch, từ đó làm lợi được 15 ngày cho người dân và giảm được 3 công chức làm nhiệm vụ này. Đặc biệt, ứng dụng này sẽ hạn chế việc làm giả văn bản thông tin quy hoạch của các đối tượng làm dịch vụ nhà đất.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.