Doanh nghiệp chủ động, linh hoạt giữ nhịp sản xuất
Để giữ vững nhịp sản xuất, kinh doanh, tiếp nối đà hồi phục từ cuối năm 2021, cùng với sự vào cuộc, hỗ trợ của Chính phủ và địa phương, những tháng đầu năm, cộng đồng DN đã linh hoạt, nâng cao năng lực thích nghi với điều kiện thực tế. Qua đó, tạo được nền tảng vững chắc để triển khai kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Công ty CP Xây lắp Dầu khí miền Nam - Alpha ECC làm việc tại xưởng. |
Đơn hàng dồi dào
Đến nay, nhiều DN đã chủ động được nguyên vật liệu, có đơn hàng dài hạn, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động... Ông Mr.Park Sung Gon, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi CJ Việt Nam, KCN Mỹ Xuân B1- Tiến Hùng, TX. Phú Mỹ cho biết, công ty đã có đơn hàng đặt đến giữa hoặc cuối năm 2022. Để đảm bảo việc phục hồi sản xuất, các kịch bản ứng phó với dịch COVID-19 được công ty chuẩn bị chi tiết, cùng với sự chủ động trong nguồn nguyên liệu, máy móc thiết bị công nghệ, dự kiến năng suất năm 2022 sẽ tăng lên từ 10-20%
Năm 2022, Công ty CP Xây lắp Dầu khí miền Nam-Alpha ECC, KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu phấn đấu thực hiện doanh thu tăng 20% so với 2021 với nhiều đơn hàng là các thiết bị tách dầu, giàn khoan, bình bồn áp lực, hệ thống súc rửa, cơ khí thủy lực… Đây là sản phẩm được xuất khẩu sang châu Âu, chủ yếu là Na Uy. Để thực hiện mục tiêu này, DN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thích ứng an toàn trong tình hình mới. Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc điều hành công ty cho hay, đến nay DN có rất nhiều đơn hàng hợp đồng với các đối tác nước ngoài đến hết năm 2022, với khối lượng công việc rất lớn. Do đó, công ty linh hoạt, chủ động trong phòng dịch, đồng thời tăng tốc triển khai các biện pháp để đáp ứng đơn hàng theo yêu cầu của đối tác.
Cũng theo các DN, hiện nay đơn hàng không thiếu nhưng khó khăn mà công ty đang gặp phải là ở nguồn lao động do nhiều công nhân bị nhiễm SARS-CoV-2. Theo ông Cheng De Liang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam, CCN Ngãi Giao, huyện Châu Đức, nhiều lao động hiện phải nghỉ việc trong thời gian ngắn hạn vì nhiễm F0. Trước tình trạng thiếu hụt lao động mang tình tạm thời này, DN phải chủ động xây dựng lại phương án sản xuất kinh doanh như: khuyến khích lao động tăng ca, làm bù cho người lao động nghỉ việc.
Có chính sách "giữ chân" lao động
Theo đánh giá của Sở Công thương, hầu hết các DN đã khôi phục sản xuất từ cuối năm 2021 và đà phục hồi tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm 2022. Với việc kiên định chính sách phục hồi kinh tế - xã hội, từng bước "mở cửa" an toàn đã giúp DN không bị lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới. Đây cũng là cơ sở để năm 2022, tỉnh BR-VT phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí tăng 9,82% so với năm 2021.
Tuy nhiên, để hỗ trợ các DN giữ được đà hồi phục, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các cơ quan ban ngành cần triển khai hiệu quả những giải pháp hỗ trợ phục hồi DN đề ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình; thực hiện tốt các chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế; giảm thuế, phí, các khoản phải nộp; cắt giảm chi phí, hỗ trợ DN...
Từ góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương cũng đề nghị, các DN cần tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động, đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh; chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực; nhất là phải nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số để tối đa hóa những ưu thế của công nghệ vào tất cả các khâu của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cần có kế hoạch và chiến lược ứng biến với dịch COVID-19; lựa chọn nguồn cung đa dạng nhằm tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, cũng như tận dụng tối đa nguồn hỗ trợ của Nhà nước, tối đa việc tiết giảm chi phí, có chính sách "giữ chân" lao động và tăng năng suất...
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN