QUY HOẠCH ĐÔ THỊ - TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG BỀN VỮNG - Kỳ 1: Diện mạo đô thị ngày càng hiện đại

Thứ Năm, 02/12/2021, 20:00 [GMT+7]
In bài này
.

30 năm qua, BR-VT đã tập trung nguồn lực, đưa ra nhiều quyết sách hiệu quả trong việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Nhờ đó, diện mạo đô thị của tỉnh thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh. 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Văn phòng Chính phủ và Bộ Xây dựng trao quyết định phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Vũng Tàu đến năm 2035 cho UBND tỉnh, năm 2019.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Văn phòng Chính phủ và Bộ Xây dựng trao quyết định phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Vũng Tàu đến năm 2035 cho UBND tỉnh, năm 2019.

Định hình các đô thị đầy đủ tiện ích

Đến TP. Vũng Tàu - trung tâm tỉnh lỵ đầu tiên của tỉnh - điều dễ nhận thấy là một đô thị phố biển năng động, nhộn nhịp, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với đầy đủ tiện ích phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương và nhu cầu cuộc sống của người dân. Nơi đây có những khu dân cư mới khang trang, đầy đủ tiện ích, những khu thương mại cao tầng sầm uất, hiện đại. Dấu ấn tạo bước ngoặt trong phát triển đô thị TP. Vũng Tàu là năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung 1/10.000 TP. Vũng Tàu đến năm 2035. Đây là tiền đề quan trọng để TP. Vũng Tàu tiếp tục triển khai việc lập, xây dựng và điều chỉnh quy hoạch chung và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết một cách khoa học làm cơ sở tiến hành các hoạt động chỉnh trang, thiết kế đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Trong khi đó, TX. Phú Mỹ lại trở thành đô thị cảng với KCN xanh, những khu dân cư mới với đầy đủ các tiện ích được đầu tư. Sau khi được nâng cấp từ huyện lên thị xã, lãnh đạo địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp để đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, TX. Phú Mỹ đã đạt các tiêu chuẩn đô thị loại III theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Hiện nay, TX. Phú Mỹ đang nỗ lực để hướng đến mục tiêu năm 2025 cơ bản đạt các tiêu chí, chuẩn đô thị loại II với chức năng, vai trò là trung tâm công nghiệp, cảng biển quốc tế, dịch vụ, du lịch và là đầu mối giao thông cảng quan trọng của vùng và quốc gia; đồng thời đạt yêu cầu để nâng cấp hành chính đô thị từ thị xã lên thành phố.

Bên cạnh TP. Vũng Tàu, TX. Phú Mỹ, nhiều quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu như Long Hải (huyện Long Điền), Đất Đỏ, Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc), Côn Đảo… đã được xây dựng và phê duyệt. Qua đó góp phần định hình các vùng đô thị mới theo hướng tập trung, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Để có được “cơ ngơi” đô thị hiện đại, văn minh như hiện nay, 30 năm qua, trên cơ sở quy hoạch được duyệt, BR-VT đã tập trung nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian đô thị được mở rộng nhanh chóng. Các khu đô thị cũ như Khu Nam sân bay TP. Vũng Tàu, Khu đô thị trung tâm Bà Rịa, các khu trung tâm thị trấn, huyện... từng bước phát triển hoàn thiện tạo nên diện mạo mới cho tổng thể quy hoạch, đô thị của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đó cũng là tiền đề đưa tỉnh BR-VT là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 10 đô thị, trong đó có TP. vũng Tàu là đô thị loại I, TP. Bà Rịa là đô thị loại II, TX. Phú Mỹ là đô thị loại III và 7 đô thị loại V gồm: Kim Long, Ngãi Giao, Phước Bửu, Long Điền, Long Hải, Đất Đỏ, Phước Hải.

Hình thành khu đô thị chuyên ngành

BR-VT đã có nhiều quyết sách, chiến lược trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị theo hướng chuyên sâu. Năm 2008 quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2025 được phê duyệt đã định hướng hợp lý về hệ thống đô thị, mạng lưới các điểm dân cư nông thôn và các khu chức năng đặc thù, vai trò, vị trí phù hợp với tiềm năng, thế mạnh từng vùng. Sự hình thành các đô thị chuyên ngành tạo động lực để BR-VT phát triển trục hành lang kinh tế công nghiệp, cảng biển và hành lang kinh tế dịch vụ, du lịch nhằm khai thác thế mạnh tổng hợp kinh tế biển.

Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng định hướng phát triển các khu đô thị biển đa dạng.

Theo đó, TP. Vũng Tàu tiếp tục phát triển với chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ công cộng và đầu mối giao lưu của miền Đông Nam bộ và của tỉnh BR-VT; là trung tâm du lịch, dịch vụ hàng hải, phát triển cảng và khai thác dịch vụ dầu khí của cả nước. Với định hướng này, TP. Vũng Tàu sẽ phát triển theo mô hình tuyến dọc hướng Đông Bắc - Tây Nam và 2 trung tâm tại Gò Găng và Long Sơn, với các chức năng chính gồm: công nghiệp - đô thị - du lịch.

Hệ thống giao thông đô thị tại các huyện cũng được đầu tư khang trang. Trong ảnh: Tuyến đường Võ Thị Sáu, huyện Đất Đỏ được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Hệ thống giao thông đô thị tại các huyện cũng được đầu tư khang trang. Trong ảnh: Tuyến đường Võ Thị Sáu, huyện Đất Đỏ được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Còn với TX. Phú Mỹ, theo đồ án điều chỉnh chung quy hoạch đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2013, định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp, cảng biển quốc tế, dịch vụ, du lịch, là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Đến nay, cơ bản đô thị mới Phú Mỹ đã hình thành 3 vùng chức năng phát triển tuyến tính lần lượt từ Tây sang Đông, là cảng biển - công nghiệp - dân dụng theo đúng tính chất, chức năng đồ án quy hoạch chung đã phê duyệt. Với lợi thế này, tỉnh đang tập trung đầu tư hạ tầng đô thị và các tuyến giao thông quan trọng kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải vào hệ thống giao thông nội vùng và liên vùng như: Đường 991B, Long Sơn - Cái Mép, đường liên cảng, cầu Phước An và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu...

Trong khi đó, hệ thống đô thị trong hành lang xanh vùng phía Đông Nam của tỉnh được định hướng phát triển là chuỗi du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái rừng biển kết hợp vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, Long Hải được quy hoạch là đô thị loại III gắn với trung tâm du lịch, dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại cấp vùng; thị trấn Phước Bửu, thị trấn Ngãi Giao, thị trấn Đất Đỏ, Long Điền là đô thị loại IV là các trung tâm hành chính chính trị văn hóa cấp huyện; các đô thị như Phước Hải, Lộc An, Kim Long, Hồ Tràm, Hòa Bình, Bình Châu trong tương lai là đô thị loại V, là các chuỗi đô thị vệ tinh, hạt nhân phát triển của các vùng dịch vụ du lịch, vùng sản xuất nông nghiệp phía Đông Bắc của tỉnh. Riêng Côn Đảo được định hướng đô thị loại III, là khu du lịch quốc gia, tầm cỡ khu vực và quốc tế, là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, nơi bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển đảo có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Việc lập, điều chỉnh các đồ án quy hoạch theo hướng chuyên ngành là công cụ để cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở thực hiện công tác quản lý và thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Trong tương lai, BR-VT sẽ chú trọng đầu tư khung hạ tầng kết nối vùng kinh tế trọng điểm, không ngừng phát triển các đô thị như Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Long Điền - Long Hải và hình thành mới các đô thị chuyên ngành làm động lực phát triển trục hành lang kinh tế công nghiệp, cảng biển và hành lang kinh tế dịch vụ, du lịch.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.