.

Nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng

Cập nhật: 23:27, 01/12/2021 (GMT+7)

Đó là thông tin được ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu về việc triển khai có hiệu quả hơn nữa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương.
Ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương.

* Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020?

- Ông Trương Văn Thôi: 6 năm qua, Sở Công thương đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động để thực hiện hiệu quả Đề án này. Từ đó, thị phần tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ do người Việt Nam sản xuất được nâng lên, hỗ trợ tích cực phát triển thị trường nội địa theo hướng bền vững.

Chương trình “Hàng Việt về nông thôn”, các điểm cố định bán hàng Việt Nam được đánh giá cao và nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, DN, HTX và nhân dân, tác động tích cực trong đời sống xã hội của tỉnh, đặc biệt là bà con vùng nông thôn và công nhân các khu công nghiệp. Trong khi đó, tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm ưu thế.

Cụ thể, trong các cơ sở phân phối của DN trong nước, chợ truyền thống hàng Việt chiếm tỷ lệ hơn 90%. Tại các hệ thống siêu thị nước ngoài như MM Mega Market Vũng Tàu, Lotte Mart Vũng Tàu, tỷ lệ hàng Việt chiếm từ 60 - 96%. Điều này cho thấy, hàng Việt Nam đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt. Đồng thời tạo ra những mối kết nối chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu dùng, từ các DN đến cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, địa phương…

Theo ông, thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi như thế nào trong thời gian qua? Vai trò của DN trong việc hưởng ứng, chung tay cùng chính quyền thực hiện Đề án này ra sao?

- Người dân đã tích cực hưởng ứng tham gia, đón nhận hàng Việt, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành, trong đó có BR-VT. Sự đón nhận của người tiêu dùng đã đẩy sức tiêu thụ hàng Việt ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi tăng và tâm lý tiêu dùng hàng nội dần trở thành thói quen của người dân, trong đó ở vùng nông thôn, hàng Việt vẫn là sự lựa chọn phù hợp.

Đề án cũng đã góp phần nâng cao ý thức, vai trò, năng lực sản xuất, kinh doanh của các DN. Cụ thể, DN đã chuyển mạnh sang việc phải chinh phục được người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm, bằng ứng dụng khoa học - công nghệ, giải pháp quản lý tiên tiến để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, mẫu mã và dịch vụ hậu mãi để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn và tăng giá trị thương hiệu trên thị trường. Nhiều DN vốn hướng đến thị trường xuất khẩu nay đã quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước bằng những hàng hóa đạt chuẩn của những quốc gia khó tính.

 

Sau 6 năm triển khai thực hiện Đề án, hàng Việt đã trở thành lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Lotte Mart Vũng Tàu.
Sau 6 năm triển khai thực hiện Đề án, hàng Việt đã trở thành lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Lotte Mart Vũng Tàu.

 

* Thủ tướng Chính phủ đã phê quyệt kéo dài Đề án giai đoạn 2021 - 2025. Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Sở Công thương có giải pháp hỗ trợ gì cho DN, người tiêu dùng, nhất là trong điều kiện hoạt động thương mại điện tử phát triển như hiện nay?

- Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trong giai đoạn tới, Sở tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của DN, HTX Việt Nam, đặc biệt là DN, HTX, cơ sở sản xuất hàng hóa trong tỉnh; hỗ trợ hệ thống phân phối hàng hóa phát triển, ưu tiên đối với hàng Việt Nam, hàng đặc sản địa phương; nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, HTX và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, người dân đã thay đổi thói quen tiêu dùng, chuyển từ hình thức mua sắm trực tiếp sang hình thức mua sắm trực tuyến. Sở đã công bố địa chỉ, trang web, điện thoại, mặt hàng, giá cả, phương thức giao nhận giúp người dân dễ dàng tiếp cận và thuận tiện mua sắm. Tuy nhiên, sự phát triển của thương mại điện tử không chỉ giúp kết nối giao thương mà còn là thách thức lớn cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Do đó, để ổn định thị trường và tạo lòng tin cho người tiêu dùng, Sở sẽ tổ chức và phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai các giải pháp nhằm kiểm tra, kiểm soát và xử lý tình trạng kinh doanh hàng gian, hàng giả trên không gian mạng.

ĐÔNG HIẾU

(thực hiện)

 

.
.
.