.

Kinh tế phát triển bền vững

Cập nhật: 16:06, 05/12/2021 (GMT+7)

30 năm qua, BR-VT đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế bền vững, giữ vị trí quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Kinh tế cảng biển ngày càng phát triển. Trong ảnh: Toàn cảnh cảng TCTT. Ảnh: CTV
Kinh tế cảng biển ngày càng phát triển. Trong ảnh: Toàn cảnh cảng TCTT. Ảnh: CTV

Nhiều đột phá trong phát triển kinh tế

Ngày từ những năm đầu thành lập tỉnh, BR-VT luôn chủ động tìm hướng để phát triển các lĩnh vực trụ cột, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương và định hướng phát triển của cả nước.

Ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, chủ trương đúng đắn về cơ cấu kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh, khai thác được tiềm năng, phát huy đúng thế mạnh. Đặc biệt, việc lựa chọn và đưa công nghiệp là ngành then chốt, đứng đầu trong cơ cấu kinh tế cho thấy tầm nhìn của Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, trên cơ sở nhận thức sâu sắc tiềm năng, thế mạnh và triển vọng hướng tới tương lai của BR-VT. Đến nay, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 58% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Việc thực hiện nhất quán quan điểm phát triển công nghiệp theo chiều sâu, có chọn lọc đã từng bước đưa BR-VT đạt mục tiêu trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Toàn tỉnh hiện có 429 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 29,4 tỷ USD, đưa BR-VT luôn ở tốp đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài của cả nước.

Các dự án này thường có quy mô và suất đầu tư lớn, ít thâm dụng lao động, tập trung chính vào các lĩnh vực du lịch, cảng biển, sản xuất công nghiệp chất lượng cao. Nhiều tập đoàn kinh tế, công nghiệp lớn trên thế giới đã có mặt tại BR-VT như: Kyoei, Nippon, Sumitomo, Itochu, Mitsubishi, Posco, ACDL, CJ, Lotte, BP, SCG, Hyosung... Một số DN đầu tư hiệu quả, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Các DN ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm công nghiệp chất lượng cao, có giá trị gia tăng đạt 70% tổng giá trị sản phẩm. 

Bên cạnh công nghiệp, một trong những trụ cột kinh tế tác động rất lớn đến tăng trưởng bền vững của BR-VT là cảng biển. Năm 1993, cảng Baria Serece - cảng nước sâu đầu tiên tại Việt Nam và cũng là cảng đầu tiên được xây dựng tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Tiếp đó, nhận thấy rõ những ưu điểm vượt trội nêu trên, các tập đoàn hàng hải, hãng tàu lớn của thế giới và nhà đầu tư trong nước lần lượt đầu tư các cảng container dọc tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải như SP-PSA, SITV, TCCT, TCIT, CMIT, SSIT, TCTT, với tổng công suất gần 7 triệu TEU/năm.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tuấn Minh cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (nhiệm kỳ 2005 - 2010) nêu rõ: “Xây dựng, phát triển tỉnh trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp, mạnh về kinh tế biển, với hệ thống thương cảng quốc gia và quốc tế vào đầu thời kỳ 2015 - 2020; là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hải sản của khu vực và cả nước”. Qua thời gian, kinh tế cảng biển đã được hoàn thiện thể chế phát triển, từng bước trở thành trụ cột kinh tế của địa phương.

Cùng với công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao đang ngày càng khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, tăng trưởng du lịch đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội và nhiều ngành khác.

Từ khoảng năm 2000 đến nay, BR-VT luôn giữ vị trí là địa phương có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước (tính cả dầu khí và không tính dầu khí). Thậm chí, ngay cả trong thời điểm chịu tác động do dịch COVID-19, GRDP vẫn tăng 6,1%, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành. Năm 2020, GRDP của BR-VT đạt 11.375 USD/người (tính cả dầu khí), gấp 12 lần so với năm 1992 (968USD/người); đạt 6.903 USD/người (không tính dầu khí), gấp 28,6 lần so với năm 1992 (236 USD/người). Đặc biệt, liên tục trong 3 năm gần đây, BR-VT luôn nằm trong nhóm địa phương thu ngân sách đứng thứ 3 cả nước, đóng góp 5% trong tổng thu ngân sách quốc gia.

Tốp đầu về GRDP

Từ năm 1996 đến nay, BR-VT luôn tự cân đối được ngân sách để có thêm nguồn lực, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng. Hầu hết các vấn đề cơ bản của đời sống người dân như nước sạch, điện, trường học, y tế… đã được giải quyết. Công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng; công tác giảm nghèo luôn được các cấp chính quyền và xã hội quan tâm. Đến năm 2020, toàn tỉnh chỉ còn 0,8% hộ nghèo theo chuẩn tỉnh, không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.

Với sự phát triển toàn diện về kinh tế, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh BR-VT luôn ở mức cao, năm sau cao hơn năm trước, đã tạo điều kiện tăng chi ngân sách cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương.

Với đà tăng trưởng sẵn có và những thế mạnh của địa phương, tỉnh sẽ có những bứt phá trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trên cơ sở kế thừa thành tựu 30 năm qua, BR-VT tiếp tục xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững dựa vào công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân, HTX. Đồng thời, tỉnh cũng huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội phục vụ cho phát triển gắn với bảo vệ môi trường. Đặc biệt, BR-VT nhất quán chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có tính lan tỏa, có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động và không xâm hại môi trường...

NGÔ GIA

.
.
.