.

HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN KHU VỰC: Mở ra thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài

Cập nhật: 21:06, 15/11/2021 (GMT+7)

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực từ 1/1/2022. Hiệp định giúp tạo lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

Hiệp định RCEP có hiệu lực sẽ mang lại lợi ích cho nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là dệt may và nông - thủy sản nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.  Trong ảnh: Gia công hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH LT Garments (TP.Bà Rịa).
Hiệp định RCEP có hiệu lực sẽ mang lại lợi ích cho nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là dệt may và nông - thủy sản nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng. Trong ảnh: Gia công hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH LT Garments (TP.Bà Rịa).

Dệt may, thủy sản hưởng lợi 

Một trong những ngành sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định trên là dệt may. Các quy định về xuất xứ hàng hóa sẽ giúp ngành dệt may giải được bài toán về nguyên liệu. Theo nhận định của các DN dệt may, so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, RCEP sẽ có lợi cho Việt Nam trong sân chơi lớn ở ASEAN hơn, bởi đây là thị trường tiềm năng, sức tiêu thụ lớn và thuận lợi về quy tắc xuất xứ.

Ông Tôn Chấn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH LT Garments (TP.Bà Rịa) cho biết, trước đây, các sản phẩm may mặc xuất khẩu đi châu Âu phải bảo đảm quy tắc xuất xứ 3 công đoạn từ sợi, dệt, nhuộm và sản xuất tại Việt Nam. Trong khi đó, 70% nguyên liệu nhập phục vụ cho may mặc đều phải nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, do Trung Quốc không là thành viên của khối EU nên sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này không được hưởng thuế quan do không bảo đảm quy tắc xuất xứ. Hay trước đây, hàng dệt may khi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản phải tuân thủ quy tắc xuất xứ 2 công đoạn theo các FTA giữa Việt Nam-Nhật Bản (VJFTA), ASEAN-Nhật Bản (AJCEP). Đó là vải phải được sản xuất trong khu vực ASEAN hoặc Nhật Bản mới được ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, với RCEP, Việt Nam có thể nhập vải bất cứ đâu, chỉ cần cắt may tại Việt Nam (chuyển đổi chương sản phẩm) là có thể được hưởng ưu đãi thuế khi xuất vào Nhật Bản.

Tương tự, hàng thủy sản cũng là có lợi thế lớn vì yêu cầu về xuất xứ hàng hóa được đánh bắt tại Việt Nam. Tuy nhiên, hàng rào phi thuế quan rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Do đó, DN phải tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của từng nước mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Theo bà Đồng Thị Huệ, Giám đốc Công ty CP Sản xuất, dịch vụ và thương mại Thuận Huệ, sau gần 2 năm xảy ra dịch COVID-19, đa phần DN đã khá mệt mỏi để bám trụ, duy trì sản xuất an toàn. Hiện tại, nhiều DN rơi vào tình trạng có đơn hàng nhưng không dám nhận do thiếu nguyên liệu, chi phí vận chuyển cao nên chủ yếu bám giữ thị trường cũ, ít DN có đủ sức và sự quan tâm dành cho việc nghiên cứu để tận dụng ưu đãi từ RECP.

“Dù vậy, tôi cho rằng với RCEP, DN sẽ có thêm cơ hội tốt cho tiến trình hồi phục. Hy vọng năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, các DN sẽ có thời gian tính toán và cơ cấu lại thị trường, không bỏ lỡ cơ hội tốt để mở rộng thị trường, tăng trưởng xuất khẩu. Tất nhiên, để khai thác hiệp định có hiệu quả, các bộ - ngành, hiệp hội… cần tăng cường tập huấn, khuyến khích DN chủ động tận dụng ưu đãi”, bà Huệ nói.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch.

Khai thác hiệu quả lợi ích

Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, RCEP sẽ tạo thành thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và GDP khoảng 26,2 ngàn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.

Có thể thấy, khi RCEP có hiệu lực, thương mại và đầu tư cũng như mức độ hội nhập kinh tế giữa các thành viên sẽ tăng lên, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng cũng sẽ được củng cố. Các DN trong nước và khu vực sẽ được hưởng một môi trường kinh doanh khu vực với ít rào cản đầu tư hơn và thuế quan thấp.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, RCEP gần như quy tụ tất cả các nguồn cung nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, chiếm 70% tổng kim ngạch nhập khẩu; quy tụ tất cả các đối tác FDI hàng đầu của Việt Nam. RCEP được kỳ vọng mang lại cú hích lớn gia tăng chuỗi sản xuất, cung ứng trong nội khối; là khu vực hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu năng động, khu vực này hiện chiếm tỷ trọng 50-55% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. “Để khai thác tốt các cơ hội từ RCEP, cơ quan nhà nước, DN, các tổ chức có liên quan cần nắm rõ tinh thần và các nội dung cam kết mới có thể khai thác hiệu quả được các cơ hội từ RCEP mang lại”, bà Nga nói.

Theo Sở Công thương, để hạn chế rủi ro khi RCEP thực thi, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ DN, phối hợp với Bộ Công thương và các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền tới cộng đồng DN về các quy định trong RCEP, nhất là các quy định về quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại. Qua đó nhằm giúp DN nâng cao năng lực sản xuất, minh bạch hóa quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới. Đồng thời, Sở sẽ tiếp tục cung cấp thông tin về thị trường, các quy định xuất khẩu của các nước để cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội DN.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

.
.
.