HÀNH TRÌNH 60 NĂM TÌM "VÀNG ĐEN" CHO TỔ QUỐC - Kỳ 1: Từ những quyết sách đầu tiên
Bác Hồ thăm khu công nghiệp Dầu khí Bacu (Liên Xô) năm 1959. |
Có biển, nhất định sẽ có dầu
Ngày 23/7/1959, trong chuyến thăm Khu công nghiệp dầu khí ở Bacu (Azerbaijan thuộc Liên Xô), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các nhà lãnh đạo nước này rằng: “Tôi nghĩ Việt Nam có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu”…
Chính vì thế mà ngay sau chuyến thăm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhiều cán bộ đã được Đảng và Nhà nước cử sang Liên Xô cũng như các nước xã hội chủ nghĩa để học các chuyên ngành về dầu khí.
Ở thời điểm đó, Liên Xô cũng đã cử nhiều chuyên gia có kinh nghiệm giúp Việt Nam nghiên cứu khảo sát, đánh giá triển vọng dầu khí. Từ đó, xây dựng kế hoạch tổng thể về công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam mang tên “Báo cáo triển vọng dầu và khí ở miền Bắc Việt Nam”.
Ngày 27/11/1961, Đoàn Thăm dò dầu lửa số 36 được thành lập với nhiệm vụ tìm kiếm, thăm dò dầu hỏa và khí đốt trên phạm vi nước Việt Nam. Thế nhưng do chiến tranh với bao khó khăn thiếu thốn, phải gần 15 năm sau, Đoàn 36 mới phát hiện dòng khí thiên nhiên và condensate có giá trị thương mại tại giếng khoan 61 Tiền Hải (Thái Bình) với trữ lượng đến 1,3 tỷ m3; cung cấp nhiều thông tin quý giá về cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí ở miền võng Hà Nội và vùng trũng An Châu.
Khắc ghi và quyết tâm thực hiện nguyện vọng của Bác Hồ, chỉ chưa đầy 3 tháng sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nghĩ ngay tới việc phải xây dựng ngành Công nghiệp Dầu khí. Dựa trên đánh giá tiềm năng lớn ở thềm lục địa Việt Nam, ngày 9/8/1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước.
Một góc cảng dầu khí Vũng Tàu |
Khát vọng về ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh
Đến bây giờ, các thế hệ lão thành của ngành Dầu khí không thể quên được vào những ngày cuối năm 1975, hàng ngàn người lính đã rời tay súng để xắn tay áo xây dựng một nền công nghiệp mới mẻ, với những yêu cầu khắt khe về mặt kỹ thuật và có tính đặc thù cao.
Những người lính ấy hoàn toàn không có một chút vốn kiến thức nào về dầu khí, tay nghề cơ khí, kỹ thuật cũng hoàn toàn không. Ấy thế mà, chính tay họ đã xây dựng nên những khu căn cứ dịch vụ cho ngành Dầu khí, đã xông ra biển để tìm kiếm thăm dò. Họ đã tranh thủ từng ngày, từng giờ để học hỏi ở các chuyên gia nước ngoài. Và họ đã không quản ngại khó khăn. Tất cả chỉ hướng đến làm thế nào để nhanh nhất đuổi theo các cường quốc dầu khí, để học được cách chuyển tài nguyên dầu khí thành năng lượng phát triển kinh tế đất nước.
Trong Nghị quyết 244 nêu rõ: “Nhanh chóng hình thành một nền Công nghiệp Dầu khí hoàn chỉnh, bao gồm cả thăm dò, khai thác, vận chuyển, lọc dầu, hóa dầu, cơ khí phục vụ ngành dầu khí…”. Nghị quyết còn khẳng định: “Trong quá trình hợp tác, phải giữ vững chủ quyền quốc gia, giữ vững độc lập tự chủ, nhanh chóng tăng cường tiềm lực của mình, tiến tới tự lực ở mức cao nhất có thể”. Với quyết tâm, khát vọng về một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, những người đi tìm lửa thế hệ ấy đã cống hiến toàn bộ tuổi trẻ, sức lực, hoài bão của mình, tất cả để theo đuổi mục tiêu tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc.
Đến những năm cuối thập niên 70, với quyết tâm kiên trì xây dựng ngành Dầu khí làm động lực để công nghiệp hóa và phát triển nền kinh tế, Bộ Chính trị đã ký hiệp định hợp tác chiến lược với Liên Xô, trong đó có việc liên doanh hợp tác thăm dò và khai thác Dầu khí trên một số lô ở thềm lục địa phía nam Việt Nam.
Thành quả đầu tiên là sự ra đời của Vietsovpetro cùng các hoạt động thăm dò dầu khí ở bể Cửu Long, bể Nam Côn Sơn.
(Còn nữa)
PHAN HÀ và CTV