Nỗ lực nâng hạng sản phẩm OCOP
Việc gắn sao OCOP cho sản phẩm nông nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP vẫn chưa mạnh dạn, chủ động trong việc nâng sao OCOP.
Việc nâng sao cho các sản phẩm OCOP đang gặp khó khăn do nhiều cơ sở thiếu vốn, thiết bị máy móc. Trong ảnh: Kiểm tra quy trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo tại Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long. |
KHÓ KHĂN TRONG NÂNG HẠNG SẢN PHẨM
Hơn 3 năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trên địa bàn tỉnh có 5 chủ thể với 21 sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021. Trong đó, 5 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đề nghị Bộ NN-PTNT đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia và 16 sản phẩm đạt hạng 4 sao.
Ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc Công ty CP NN-TM-DV Bầu Mây, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc cho biết, Công ty có 6 sản phẩm được phân hạng OCOP, trong đó có 5 sản phẩm về hồ tiêu được xếp hạng 5 sao, riêng sản phẩm củ hoài sơn mới đạt 4 sao. Theo ông Nhâm, sản phẩm OCOP khi đạt 5 sao sẽ có sức cạnh tranh lớn. Vì vậy, để sản phẩm củ hoài sơn được nâng hạng đánh giá lên 5 sao, Công ty đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp như: thay thế, cải thiện mẫu bao bì của sản phẩm để bảo đảm tiêu chí thân thiện với môi trường, đẹp mắt hơn, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng, phong phú sản phẩm.
Theo đó, ngoài các sản phẩm là củ hoài sơn tươi và hoài sơn thái lát, bột hoài sơn đến nay, Công ty đã nghiên cứu thành công và cho ra các sản phẩm như cà phê, sữa thực vật, sữa trẻ em ăn dặm, sữa dinh dưỡng cao cấp… đều được chiết xuất từ sản phẩm củ hoài sơn. “Một trong những tiêu chí để nâng hạng sản phẩm OCOP lên 5 sao là sản phẩm phải được xuất khẩu. Công ty đang tích cực cải thiện về mẫu mã sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã liên hệ với các đối tác từ Nhật Bản để xúc tiến các hợp đồng xuất khẩu. Nếu thuận lợi, cuối năm nay hoặc đầu năm sau, lô hàng từ sản phẩm củ hoài sơn sẽ được xuất đi. Từ đó, đủ tiêu chuẩn để nâng hạng sản phẩm OCOP này lên 5 sao”, ông Nhâm chia sẻ.
Năm 2020, Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long (TP. Bà Rịa) có 4 sản phẩm gồm Cohoney, Đông trùng hạ thảo Hòa Long Cordy’s, Rượu Dragon và Rượu Club đã được đánh giá 4 sao OCOP. Nguyên nhân khiến các sản phẩm này của Công ty TNHH vẫn chưa được nâng hạng lên 5 sao là do chưa đáp ứng được nhu cầu về xuất khẩu.
Bà Cao Thị Hồng Vân, Giám đốc công ty cho biết, mặc dù đã có nhiều nỗ lực song sản phẩm của Công ty vẫn chưa thể vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy nhanh quy trình gặp nhiều khó khăn hơn. Theo bà Vân, thời gian qua, đơn vị cũng chủ động phối hợp, thương thảo với các đối tác như Alibaba để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, song do chi phí cao, trong khi mức lợi nhuận hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ.
Các DN cho rằng, để nâng hạng sao, các cơ sở cần cải tiến quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm cũng như hoàn thiện mẫu mã bao bì theo tiêu chuẩn cao. Trong đó, cần nâng cấp dây chuyền, máy móc sản xuất với số vốn tương đối lớn nên DN chưa mạnh dạn đầu tư. Cùng các khó khăn trên, hầu hết các cơ sở OCOP hiện nay thiếu các tiêu chí về liên kết vùng nguyên liệu và các tiêu chí liên quan đến thương mại điện tử.
NÂNG CẤP CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, điều khó khăn khi nâng hạng sản phẩm OCOP là các cơ sở có quy mô sản xuất và thị trường nhỏ, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để nâng cao giá trị chưa đáng kể, nên chưa mạnh dạn đầu tư vốn và chưa thể đáp ứng các tiêu chí nâng sao. Ngoài ra, nhiều cơ sở cần vốn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, cải tiến quy trình sản xuất, cải thiện mẫu mã, bao bì theo tiêu chuẩn cao. Mặt khác, trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, giá cước vận chuyển cao nên chủ thể còn e ngại, sợ đầu tư không thu hồi được vốn. Bên cạnh đó, các sản phẩm này vẫn thiếu sự liên kết vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử còn ít.
Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) cho biết, Sở đang phối hợp cùng các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê các cơ sở có đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP với các sản phẩm tiềm năng đạt từ 3 sao trở lên. Những sản phẩm đã được cơ quan chuyên môn của các sở, ngành hướng dẫn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, yêu cầu về chứng nhận đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Đây là cơ sở để tiếp tục hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
“Đối với các sản phẩm đã được gắn sao, Sở sẽ lồng ghép vào các chuyên mục phát thanh nội dung về quy trình sản xuất an toàn, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, chủ thể sản xuất về vệ sinh môi trường trong sản xuất và kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tuyên truyền về sự cần thiết, các nguyên tắc thực hiện Chương trình OCOP, Bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP, các cơ chế chính sách của Nhà nước về chương trình, đặc biệt là hướng dẫn cách thức phát triển, đề xuất ý tưởng sản phẩm đến người dân và các chủ thể” ông Đăng khẳng định.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU
Ứng dụng chuyển đổi số quảng bá sản phẩm OCOP Trong 6 ngày (từ ngày 27/10 - 2/11), Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương chủ trì tổ chức chuỗi tập huấn về “Ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP”. Chương trình có sự tham gia của 63 tỉnh, thành với hơn 2.000 chủ thể là DN, HTX tại thôn, bản. Lớp tập huấn nhằm hỗ trợ kỹ năng và cách làm cụ thể với 9 chuyên đề, tập trung vào 3 nhóm nội dung chính. Cụ thể là hướng dẫn kỹ năng về thiết kế, sáng tạo trong phát triển sản phẩm OCOP; Hướng dẫn về quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP trong môi trường số; Đẩy mạnh và bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử. Thời gian tới, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương sẽ tập trung và kêu gọi sự hợp tác, đồng hành của đối tác về chuyển đổi số, trong đó tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, gắn với vùng nguyên liệu và mã số vùng trồng, đặc biệt với các sản phẩm OCOP có tiềm năng về xuất khẩu và tiếp cận thị trường quốc tế. Ngoài ra, mục tiêu trong năm 2021 sẽ đưa các chủ thể OCOP tham gia vào nền tảng sàn thương mại điện tử. Bộ TTTT cam kết sẽ đồng hành cùng bà nông dân, HTX và DN mở rộng kênh bán hàng trên các nền tảng số, giúp cho sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng và góp phần gia tăng thu nhập cho người bán, ổn định đầu ra cho sản phẩm. |