.

Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ làm tất cả để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Cập nhật: 20:11, 12/10/2021 (GMT+7)

 

Dịch bệnh COVID-19 đã tác động lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và các DN cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, nhìn chung bức tranh kinh tế của tỉnh vẫn có nhiều điểm sáng. Kết quả này khẳng định, bên cạnh việc phát huy mạnh mẽ nội lực của DN, không thể không kể đến những chính sách hỗ trợ tích cực, kịp thời từ chính quyền địa phương.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục làm tất cả để hỗ trợ DN phát triển.

Phóng viên: Thưa ông, dịch bệnh COVID-19 đã làm cho nền kinh tế cả nước nói chung, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng tăng trưởng chậm lại. Ông đánh giá như thế nào về “sức khỏe” hiện nay của các DN?

- Ông Nguyễn Văn Thọ: Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Nhiều DN đã giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động. Chỉ tính riêng 9 tháng vừa qua, toàn tỉnh đã có hơn 400 DN giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động. Nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Tôi xin được chia sẻ với những khó khăn, tổn thất của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin trên, điều đáng mừng là đã có 476 DN hoạt động trở lại, nâng tổng số DN thực tế đang hoạt động là 11.444 DN.

Một tín hiệu tích cực là, trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều DN đã tìm ra những cơ hội mới trong hoạt động, mạnh dạn tăng vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài đã điều chỉnh tăng vốn 14 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 116,6 triệu USD. Ở lĩnh vực đầu tư trong nước, đã điều chỉnh tăng vốn cho 10 dự án với vốn tăng gần 5.469 tỷ đồng.

 Theo ông, trong giai đoạn hiện nay, các DN cần làm gì để vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động?

- Để tạo điều kiện cho các DN duy trì hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tỉnh đã có 4 mô hình hướng dẫn các DN thực hiện trong thời gian tới. Tùy vào tình hình thực tế, các DN có thể áp dụng theo mô hình để sản xuất cho phù hợp. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, nên dù chọn mô hình nào thì DN cũng phải bảo đảm điều kiện “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”; phải bảo đảm hài hòa lợi ích tăng trưởng kinh tế với công tác phòng, chống dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống phát sinh theo phương châm “4 tại chỗ”; “5K + vắc xin và công nghệ”.

Công nhân Công ty Alpha - ECC (KCN Đông Xuyên) trong giờ sản xuất.
Công nhân Công ty Alpha - ECC (KCN Đông Xuyên) trong giờ sản xuất.

 Ông đánh giá thế nào về những đóng góp của đội ngũ doanh nhân trong việc phát triển kinh tế của địa phương, nhất là trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh như hiện nay? 

- Dù rất khó khăn nhưng các DN đã có những đóng góp quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. 9 tháng qua, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng 6,69% so với cùng kỳ năm ngoái, với số thu khoảng 62.700 tỷ đồng. Trong 11 chỉ tiêu về phát triển kinh tế, có 4 chỉ tiêu tăng trưởng so với kế hoạch đề ra. Đó là doanh thu vận tải-kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải, doanh thu dịch vụ cảng, kim ngạch xuất khẩu không tính dầu khí, giá trị sản xuất lâm nghiệp.

Đặc biệt, khi dịch COVID-19 bùng phát, từ tập đoàn lớn đến DN nhỏ, cá nhân tùy theo khả năng đều góp công, góp của, chung sức đồng lòng cùng tỉnh chống dịch. Lãnh đạo tỉnh luôn ghi nhận và trân trọng những nỗ lực, đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

 Trong thời gian tới, tỉnh có chính sách như thế nào để hỗ trợ DN phát triển?

- Tôi khẳng định trong thời gian tới, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục làm tất cả để hỗ trợ DN phát triển. Hiện nay, vấn đề thuế, lãi suất ngân hàng và cải cách thủ tục hành chính đang là vấn đề DN quan tâm nhất. Vì thế, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan nắm tình hình thực tế và đề xuất các giải pháp phù hợp theo quy định để hỗ trợ DN khắc phục khó khăn.

Cụ thể, tập trung rà soát, tập hợp danh sách các DN bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh COVID-19 để kiến nghị ngân hàng, tổ chức tín dụng xem xét cho giãn nợ, giảm lãi suất… Đến nay, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 129 khách hàng với tổng giá trị nợ (gốc + lãi) là 2.434 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay đối với 1.747 khách hàng, số tiền lãi đã được miễn giảm là 21,28 tỷ đồng cho tổng giá trị nợ 11.736 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số cho vay đạt 34.362 tỷ đồng (1.094 khách hàng còn dư nợ).

UBND tỉnh cũng yêu cầu Cục Thuế tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai các chương trình miễn, giảm phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuế… đối với DN, hộ kinh doanh. Tính đến đầu tháng 10/2021, đã có 3.937 trường hợp đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ với tổng số tiền được gia hạn hơn 2.161 tỷ đồng; phê duyệt chi trả cho 5.486 hộ kinh doanh với số tiền 16,215 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã giải ngân cho vay 14 DN vay số tiền hơn 3,5 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 586 lao động. Ngoài ra, có 29 DN có nhu cầu đã được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hướng dẫn làm thủ tục vay vốn.

Cùng với đó, các cơ quan nhà nước cũng đã tăng cường cải cách hành chính, tiếp và xử lý khó khăn cho DN, nhà đầu tư; tăng cường đối thoại với DN để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà DN đang gặp phải.

 Xin cảm ơn ông!

THU THẢO (Thực hiện)

.
.
.