ƯU TIÊN NGÂN SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP

Bài 1: Chính sách an sinh phủ rộng nhiều đối tượng

Thứ Hai, 13/09/2021, 23:22 [GMT+7]
In bài này
.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất- kinh doanh và đời sống người dân, DN. Tỉnh BR-VT phải dùng nhiều nguồn lực tài chính để hỗ trợ, trong đó đã quyết định dành khoản tiết kiệm chi ngân sách để phục vụ công tác phòng chống dịch. Quyết định thể hiện sự đồng hành, sẻ chia và luôn sát của chính quyền đối với nguời dân và DN.

Lực lượng trực chốt, làm nhiệm vụ tuyến đầu được tỉnh chăm lo chu đáo.
Lực lượng trực chốt, làm nhiệm vụ tuyến đầu được tỉnh chăm lo chu đáo.

Hỗ trợ đến mọi đối tượng

Ông Hoàng Anh Tuấn (ở tổ 8, thôn Láng Cát, xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ) bán căn tin Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ). Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, HS phải nghỉ học để phòng dịch, ông cũng phải nghỉ bán. Nguồn thu nhập chính của gia đình không còn, ông và vợ rất lo lắng vì với tình hình dịch bệnh hiện tại không biết khi nào mới được trở lại công việc cũ. Khoản tiền dành dụm cũng cạn từ từ. Tháng 8 vừa qua, ông được hỗ trợ 1,25 triệu đồng (theo Nghị định 68 của Chính phủ) dành cho đối tượng mất việc tạm thời. “Số tiền dù không lớn nhưng tôi vẫn cảm thấy ấm lòng vì trong hoạn nạn được động viên, an ủi kịp thời”, ông Tuấn chia sẻ.

Niềm xúc động của ông Tuấn cũng giống như những chia sẻ của hàng trăm ngàn hộ dân, hộ kinh doanh khác khi được nhận sự hỗ trợ từ tỉnh mà chúng tôi ghi nhận được. Và họ lại cảm thấy gần gũi, ấm lòng và yên tâm hơn khi được trực tiếp nhận món quà hỗ trợ những người đứng đầu chính quyền địa phương tận tay trao tặng.

Theo thống kê từ ngành chức năng, tính đến ngày 8/9, tỉnh đã chi hỗ trợ cho 216.238 cá nhân, hộ kinh doanh với tổng số tiền 352,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Hiện nay, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, vì thế các địa phương vẫn tiếp tục rà soát bổ sung thêm danh sách những trường hợp khó khăn do giãn cách xã hội kéo dài. Chỉ trong 4 tháng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, chính sách hỗ trợ đã phủ kín từ thành thị đến nông thôn và mở rộng nhiều nhóm đối tượng để tất cả đều được ấm lòng vượt đại dịch.

Tính đến ngày 7/9/2021, tổng số đối tượng được phê duyệt theo Nghị quyết 68/NQ-CP từ ngân sách địa phương (thuộc đối tượng lao động có HĐLĐ, lao động tự do, hộ kinh doanh, đối tượng đặc thù, hướng dẫn viên du lịch, đạo diễn, F1, F0) là 216.238 đối tượng với số tiền 352,3 tỷ đồng. Hiện đã chi cho 161.077 đối tượng với số tiền 246,8 tỷ đồng. Trong đó, các đối tượng do UBND huyện, thị xã, thành phố đề xuất và phê duyệt là 215.811 đối tượng với số tiền hơn 351,5 tỷ đồng. Cụ thể, đối tượng lao động tự do, đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ là 207.795 lượt người với số tiền 332,7 tỷ đồng. Hiện các địa phương đang thực hiện chi trả cho 153.175 lượt người lao động với số tiền hỗ trợ là 228,7 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ mức 3,5 triệu đồng cho 511 người, hỗ trợ mức 2,5 - dưới 3,5 triệu đồng cho 36.120 người; hỗ trợ mức 1,5 - dưới 2,5 triệu đồng cho 138.553 người. Hỗ trợ mức dưới 1,5 triệu đồng: 32.611 người.
(Nguồn: Sở LĐTB&XH)

Đã giải ngân hơn 1.300 tỷ đồng

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tổng chi cho công tác phòng chống dịch, chi trả cho các nhóm đối tượng đến nay đã đạt mức hơn 1.300 tỷ đồng. Để đảm bảo đủ nguồn chi, tỉnh đã phải sử dụng nhiều nguồn lực tài chính khác nhau, bao gồm nguồn quỹ dự phòng, quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn từ tiết kiệm chi ngân sách và một phần nguồn quỹ của Trung ương. Bên cạnh việc chi hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ, người yếu thế, tỉnh cũng đã quan tâm hỗ trợ đến những lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Tỉnh tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên đội ngũ những người làm trong ngành y, nhà báo và những người trực tại các chốt kiểm soát trên các tuyến đường, kiểm tra phương tiện qua lại. Mới đây, tỉnh đã quyết định hỗ trợ thêm tiền ăn cho những nguời làm công tác phòng dịch, những bệnh nhân F0 đang điều trị; tăng thêm tiền hỗ trợ cho những người làm nhiệm vụ kiểm soát tại các tổ/chốt, bao gồm cả đường bộ, đường thủy tại các cửa ngõ ra vào tỉnh; người làm nhiệm vụ tại tổ COVID cộng đồng; hỗ trợ cho người dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang ở tại các địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 mà không trở về địa phương được hỗ trợ 1 triệu đồng/người.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, đến thời điểm này, có thể khẳng định các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh đã bao phủ gần hết và đúng các đối tượng. UBND tỉnh đã giao Sở LĐTB&XH tiếp tục rà soát những đối tượng còn sót để kịp thời chăm lo, hỗ trợ đảm bảo không có một người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc. “Đối với các địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 9/9 sẽ khó khăn trong việc thống kê, chi trả do hạn chế đi lại. Do đó, UBND tỉnh đã có chỉ đạo giao cho Tổ COVID cộng đồng có trách nhiệm đi từng ngõ, gõ từng nhà rà soát từng đối tượng trực tiếp thay vì đến tập trung tại một địa điểm”, ông Lê Ngọc  Khánh, nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MỸ LƯƠNG - THU THẢO

 
;
.