Nhanh chóng ngăn chặn bệnh viên da nổi cục trên trâu bò
Các hộ chăn nuôi cần chủ động tiêm vacxin, phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng trại thường xuyên để ngăn ngừa bệnh. Trong ảnh: Đàn bò của gia đình ông Nguyễn Văn Sen, ấp Ông Tô, xã Phuoc Thuận, huyện Xuyên Mộc. |
Hơn 20 năm chăn nuôi bò, song đây là lần đầu tiên gia đình ông Nguyễn Văn Sen, ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc chứng kiến loại bệnh có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm tới vậy. Con bò 7 tháng tuổi, nặng hơn 120kg của gia đình ông đã chết chỉ sau 1 tuần bị bệnh VDNC, ước thiệt hại khoảng 15 triệu đồng. Ông Sen cho biết, bệnh có chuyển biến rất nhanh, các cục u, nhọt nổi dày đặc và lây lan rất nhanh khắp người khiến bò bị sốt, không ăn uống được và chết rất nhanh nếu không được điều trị kịp thời. Ngay khi bò chết, ông đã báo chính quyền địa phương để tiến hành tiêu hủy theo quy định, đồng thời tiêm phòng vacxin cho những con bò con lại. Ông cũng chủ động phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng trại thường xuyên để ngăn ngừa bệnh tái phát.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, thôn 4, xã Bình Trung, huyện Châu Đức đang nuôi 13 con bò thương phẩm, thu nhập từ 170-200 triệu đồng/năm. Mặc dù đã biết về thông tin bệnh VDNC xuất hiện nhiều tỉnh thành, song do chủ quan, ông vẫn không tiêm vacxin cho đàn bò của gia đình. Tháng 7/2021, 1 trong số 13 con bò của gia đình ông bắt đầu có dấu hiệu của bệnh VDNC. Ngay khi phát hiện, ông đã báo cho thú y địa phương để được hỗ trợ. Nhờ được tiêm vắc xin và can thiệp kịp thời, rất bò đã khỏi bệnh.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng can thiệp kịp thời như gia đình ông Hùng. Riêng tại xã Bình Trung, đến nay có 37 ổ bệnh với 68 con bị bệnh, trong đó có 9 con đã bị chết phải tiêu hủy.
Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, từ khi phát hiện ổ dịch đấu tiên, đến nay toàn huyện xuất hiện 604 ổ bệnh, xảy ra tại 16/16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện với 1.340 con bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh, đã có 149 con bị chết phải tiêu hủy.
Thống kê của Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh (Sở NN-PTNT), toàn tỉnh ghi nhận 866 ổ bệnh VDNC trên đàn bò tại 45/65 địa bàn cấp xã của 6/8 huyện, thị, thành phố, với 1.887 con bò mắc bệnh; 162 bị chết. Các ổ dịch mới phát sinh chủ yếu trên địa bàn huyện Châu Đức, tại huyện Xuyên Mộc và TX. Phú Mỹ. Nhận định của ngành nông nghiệp cho thấy, nguy cơ bệnh VDNC trên bò tiếp tục phát sinh lây lan ra trên diện rộng vẫn còn tiếp diễn. Nguyên nhân là do đang mùa mưa, rất thuận lợi cho bệnh phát sinh, phát triển. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin trên bò còn thấp, chưa đạt yêu cầu theo kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Chi cục Phó Chi cục Thú y cho biết, nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, một số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã mua vắc xin VDNC để tiêm phòng cho đàn trâu, bò. Đa số các trường hợp tiêm phòng đều được lực lượng thú y phường, xã hướng dẫn, hỗ trợ, theo dõi. Còn đối đàn trâu, bò mắc bệnh VDNC tiếp tục được lực lượng thú y hướng dẫn, hỗ trợ điều trị, theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh, đến nay hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có tiến triển tốt. Tỷ lệ trâu, bò chết do nhiễm bệnh VDNC thấp, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.
Nhằm khống chế tình hình dịch bệnh VDNC lây lan, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chăn nuôi, tình hình dịch bệnh trên động vật; kiểm soát buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò và sản phẩm từ trâu, bò. Đồng thời cấp vôi bột, thuốc sát trùng và tổ chức thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng đối với các ổ dịch, vùng dịch. Chi Cục Chăn nuôi và Thú y cũng cử nhân viên theo dõi, hỗ trợ điều trị triệu chứng, hướng dẫn phác đồ điều trị và tiêu hủy khi có trâu, bò chết do bệnh VDNC…
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU