Doanh nghiệp lên phương án hoạt động trở lại

Chủ Nhật, 26/09/2021, 20:07 [GMT+7]
In bài này
.

Sau hơn 2 tháng tạm ngừng hoạt động hoặc phải thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, từ 24/9, nhiều DN trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã lên phương án mở cửa trở lại.

Nhiều DN đã lên phương án chuẩn bị hoạt động trở lại. Trong ảnh: Đóng gói cà phê tại Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu Nón Lá.
Nhiều DN đã lên phương án chuẩn bị hoạt động trở lại. Trong ảnh: Đóng gói cà phê tại Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu Nón Lá. Ảnh: TRÀ NGÂN

Chuẩn bị phương án quay trở lại

Sáng 24/9, Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Trường Tín (891 đường 30/4, TP. Vũng Tàu) - DN chuyên sản phẩm nhôm kính đã cho nhân viên dọn dẹp văn phòng, nhà xưởng, phun khử trùng toàn bộ để tuần sau mở cửa hoạt động trở lại. Bà Trần Thị Hương, Giám đốc Điều hành công ty cho biết, từ ngày 14/7, khi TP. Vũng Tàu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, công ty đã phải đóng cửa. Giữa tháng 9, công ty ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm sắt, lan can kính, mái đón kính cho dự án Novaland Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc). Để đáp ứng yêu cầu công việc, công ty buộc phải sắp xếp cho 21 công nhân thực hiện “3 tại chỗ”. Ngay sau khi toàn tỉnh thực hiện Chỉ thị 15, công ty đã xây dựng kế hoạch để trở lại hoạt động. “Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay của công ty là tất cả nhân viên đều chưa được tiêm vắc xin nên vừa làm vừa lo”, bà Trần Thị Hương thông tin thêm.

Công ty CP Phát triển nhà BR-VT (HODECO) cũng đang chuẩn bị kế hoạch tiếp tục thi công các dự án dang dở như The Light City, Ngọc Tước 2 (TP. Vũng Tàu) và Ecotown Phú Mỹ. Lãnh đạo HODECO đã thông báo cho các nhà thầu thi công báo cáo danh sách công nhân, thực hiện các quy định phòng, chống dịch đối với các công trường xây dựng. Song song đó, DN đã xây dựng các phương án kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện công tác phòng chống dịch tại công trường. Ngoài ra, công ty cũng yêu cầu các bộ phận như Sàn giao dịch bất động sản, dịch vụ du lịch… chuẩn bị sẵn sàng khi được mở cửa hoạt động trở lại, vừa bảo đảm kinh doanh vừa tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Thông tin từ TX. Phú Mỹ cũng cho biết, đã có 125 DN gửi phương án hoạt động, kế hoạch phòng, chống dịch, trong đó có 90 DN duy trì sản xuất trong thời gian qua và 35 DN phải tạm ngừng, chuẩn bị hoạt động trở lại. Đây được xem là tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 còn chưa được dập tắt hoàn toàn.

Dịch COVID-19 đã khiến nhiều DN nhỏ và vừa gặp khó khăn. Trong ảnh: Công nhân Xí nghiệp 3, Công ty Baseafood thực hiện
Dịch COVID-19 đã khiến nhiều DN nhỏ và vừa gặp khó khăn. Trong ảnh: Công nhân Xí nghiệp 3, Công ty Baseafood thực hiện "3 tại chỗ" để bảo đảm an toàn cho sản xuất. Ảnh: TRÀ NGÂN

Doanh nghiệp cần được tiếp sức

Theo ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), dịch COVID-19 đã khiến nhiều DN khó khăn. Nếu không có chính sách hỗ trợ đồng bộ căn cơ của Chính phủ, của tỉnh thì các DN không chỉ ngừng hoạt động, thua lỗ kéo dài mà còn dẫn đến phá sản. Chi phí sản xuất tăng cao do thực hiện phòng chống dịch như xét nghiệm 3 ngày 1 lần, lo ăn ở cho người lao động khi thực hiện “3 tại chỗ” tại nhà máy… khiến DN không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Đã có 70% DNNVV thua lỗ hoặc phải tạm ngưng hoạt động. Ông Lê Văn Kháng đề nghị tỉnh cần ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động của các DN; tạo thuận lợi trong việc đi lại cho người lao động tại địa bàn vùng xanh. “Chính phủ cần xem xét có chính sách như miễn thuế VAT trong năm 2021; giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021… Đối với chính sách tài chính, ngân hàng, cần có hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất, giúp DN dễ dàng tiếp cận, phục hồi sản xuất kinh doanh”, ông Kháng đề xuất.

Bà Trần Thị Hương, Giám đốc Điều hành Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Trường Tín cho rằng, khó khăn hiện nay của DN là nguồn vốn. Chẳng hạn, công ty đang cần hỗ trợ vay vốn ưu đãi 2 tỷ đồng để mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu các đơn hàng nhưng chưa thể tiếp cận được.

Nhiều công ty đã chuẩn bị kế hoạch để hoạt động trở lại khi dịch được kiểm soát. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Dự án The Ligh City do Hodeco làm chủ đầu tư tháng 4/2021. Ảnh: ĐÔNG HIẾU
 Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu đã chuẩn bị phương án để hoạt động trở lại. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại dự án The Light City do công ty làm chủ đầu tư (ảnh chụp tháng 4/2021). Ảnh: ĐÔNG HIẾU

Trong khi đó, đại diện HODECO cho rằng với các công trình xây dựng, để triển khai thi công trở lại cũng phải đến đầu tháng 10. Tuy nhiên, công ty đang gặp trở ngại về chi phí xét nghiệm. Ngoài ra, lực lượng lao động tại các địa phương khác khi đến công trường làm việc cũng đang gặp khó khăn trong việc đi lại qua các chốt kiểm soát, chưa kể tình trạng thiếu hụt nhân công do nhiều người trở về quê để phòng, tránh dịch. Mặt khác, công tác vận chuyển vật tư phục vụ cho việc xây dựng công trình cũng gặp khó khăn, nhất là những loại vật tư phải vận chuyển từ các tỉnh, thành khác về BR-VT. Vì vậy, DN mong các cấp chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ tháo gỡ.

Ông Phạm Hữu Phúc, Chủ tịch Công ty phân phối hàng tiêu dùng Kim Ngân (TP. Vũng Tàu) cho hay, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các hoạt động dịch vụ đều bị ảnh hưởng khiến DN dần kiệt quệ. Khi hoạt động trở lại, DN sẽ phải bỏ ra chi phí lớn để đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất bảo đảm quy định phòng, chống dịch. Thêm vào đó, DN cũng phải rà soát nhân sự để có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo. “Để các DN hoạt động trở lại an toàn, điều trước mắt là cần tiêm vắc xin cho người lao động, hỗ trợ các chính sách về thuế”, ông Phúc nói.

ĐÔNG HIẾU - TRÀ NGÂN

;
.