Tìm phương án phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp vừa sản xuất vừa chống dịch

Thứ Ba, 17/08/2021, 23:23 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 17/8, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt (Bộ Công thương) đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 6 địa phương trọng điểm công nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang và BR-VT để nghe báo cáo về hoạt động của DN tại các KCN, CCN.

DN mong muốn sớm mở rộng, thiết lập vùng xanh để tận dụng cơ hội, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất khung tivi cho Tập đoàn Samsung tại Công ty TNHH Pavonine Vina.
DN mong muốn sớm mở rộng, thiết lập vùng xanh để tận dụng cơ hội, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất khung tivi cho Tập đoàn Samsung tại Công ty TNHH Pavonine Vina.

Phản ánh của các địa phương tại cuộc họp cho biết, quá trình thực hiện “3 tại chỗ” đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho DN. Chi phí thực hiện phương án “3 tại chỗ” quá cao, nhiều DN dần đuối sức. Ngoài ra, các địa phương còn có một số quy định khác nhau. Nếu có trường hợp ca mắc COVID-19 trong bất kỳ KCN nào đó thì mỗi nơi lại quy định khác nhau. Có nơi đóng cửa ngay cơ sở sản xuất đó trong khi họ đã chuẩn bị rất tốn kém để thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Do vậy, nhiều DN không đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất.

Ông Trần Hữu Thông, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, BR-VT có 305 DN tại các KCN đã bố trí cho khoảng 27.288 lao động tạm lưu trú tại công ty. 100 DN đưa đón tập trung với 9.217 người. Tính đến ngày 16/8, tại các KCN trên địa bàn tỉnh có 7 trường hợp F0, 138 F1 đang cách ly tập trung; 406 F2 đang cách ly tại nhà hoặc tại nơi làm việc do DN thực hiện “3 tại chỗ”. Đến nay đã có 86 DN tạm ngừng sản xuất. Nguyên nhân chủ yếu là do không thể sắp xếp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, không bố trí được nơi ở tập trung để thực hiện “một cung đường - hai điểm đến”, số lượng đơn hàng giảm…  

Ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, cần xem xét để DN ở vùng xanh trở lại hoạt động bình thường. Đối với DN “3 tại chỗ” thời gian đã lâu và test nhanh COVID-19 theo quy định trong thời gian dài, bảo đảm không có ca F0, F1 thì nên tăng thời gian lấy mẫu test từ 7-10 ngày/lần hoặc dài hơn.

Đại diện Sở Công thương các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương cũng đề xuất các cấp, ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để mở rộng, thiết lập các vùng xanh nhằm giúp DN tận dụng cơ hội, duy trì và phát triển được các hoạt động sản xuất kinh doanh. Với những DN có nguồn lực tốt, có thể phối hợp với chính quyền để hình thành bệnh viện dã chiến ngay tại vùng sản xuất.

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thành Nam cho biết, ngày 6/8, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề xuất một số biện pháp phù hợp hơn so với phương án “3 tại chỗ” hiện nay, thích nghi hơn trong điều kiện mới. Ông Nam đề nghị sở công thương, ban quản lý các KCN các địa phương làm việc với DN nhằm tìm hiểu cụ thể để có giải pháp hỗ trợ sâu sát, kịp thời, giúp DN trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới trong thời gian sớm nhất. Về ý kiến của Sở Công thương tỉnh BR-VT đề xuất giãn số ngày lấy mẫu test COVID-19 lên từ 7-10 ngày/lần, ông Nam đề nghị UBND tỉnh giao Sở Y tế tham mưu, có giải pháp phù hợp. Nếu khó khăn thì báo cáo để Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương tiếp tục kiến nghị lên Bộ Y tế.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

Chi phí test COVID-19 cho người lao động 3 ngày/lần gây nhiều áp lực cho DN. Trong ảnh: Nhân viên y tế lấy mẫu test nhanh COVID-19 cho người lao động tại Công ty CP KCN Tín Nghĩa - Phương Đông.
Chi phí test COVID-19 cho người lao động 3 ngày/lần gây nhiều áp lực cho DN. Trong ảnh: Nhân viên y tế lấy mẫu test nhanh COVID-19 cho người lao động tại Công ty CP KCN Tín Nghĩa - Phương Đông.

 

;
.