Phải bảo đảm hàng hóa đến tận tay người dân
Đó là chỉ đạo của ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp trực tuyến với các sở, ngành, địa phương và các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh bàn về giải pháp tăng cường quản lý hoạt động giao nhận hàng hóa trên địa bàn tỉnh sáng 1/8.
Đơn hàng online tăng cao, Lotte Mart Vũng Tàu phải huy động tất cả nhân viên nhận đơn, đi chợ và giao hàng cho người dân. Trong ảnh: Nhân viên Lotte Mart Vũng Tàu kiểm đơn hàng online của khách. |
GIAO HÀNG ONLINE CÒN CHẬM
Báo cáo của các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tại cuộc họp cho thấy, những ngày đầu do việc vận chuyển hàng hóa từ kho về các cửa hàng còn gặp khó khăn do phải qua các trạm kiểm soát, cộng với việc người dân đổ xô đi mua hàng nên xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ. Tuy nhiên, chỉ sau 1 tuần, được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng của tỉnh các chuyến xe vận chuyển hàng hóa đã thuận tiện hơn, nên trong 14 ngày qua hàng hóa bảo đảm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Thừa nhận trong thời gian qua việc giao các đơn hàng online của người dân còn chậm, các DN bán lẻ cho biết, nguyên nhân là do đơn hàng tăng quá nhanh, trong khi đó lực lượng soạn hàng, ship hàng của DN có hạn, chưa kể một số nhân viên buộc phải cách ly do ở trong khu vực bị phong tỏa do có ca nhiễm. Ông Ngô Thanh Hưởng, Giám đốc MM Mega Martket Vũng Tàu cho biết, nếu bình thường, siêu thị “chạy” khoảng 40-50 đơn/ngày thì nay đã tăng lên đến hơn 300 đơn. Nhân viên soạn hàng cũng được tăng lên 4-5 lần, tuy nhiên, hiện siêu thị cũng đang gặp khó khăn thiếu nhân lực để soạn hàng, đã có khoảng 20% nhân viên phải nghỉ do ở trong khu vực bị phong tỏa.
Thông từ bà Ngô Minh Tuyến, Giám đốc Lotte Mart Vũng Tàu cho biết, lượng đơn hàng online của Lotte tăng lên 450-500 đơn hàng/ngày, trong khi lực lượng giao hàng của siêu thị chỉ có 6 người. Trong 6 người này có 2 người đang phải cách ly do ở trong khu vực phong tỏa, vì vậy, các đơn hàng giao cho khách bị chậm. Đơn hàng online tăng cao nên siêu thị cũng buộc phải huy động tất cả lực lượng để nhận đơn, soạn hàng và giao hàng cho khách nhưng cũng không lưu thoát hàng hết trong 1 ngày. Có những đơn hàng phải 2-3 ngày sau mới giao được cho khách hàng.
Còn ông Lê Đình Vũ, Giám đốc bán hàng Bách Hóa Xanh cũng cho biết, hiện nay hệ thống Bách Hóa Xanh tại BR-VT vẫn bảo đảm giao hàng cho người dân đặt online trong các nhóm zalo kết nối trong khu dân cư và giao cho khách hàng sau 1 ngày. Tuy nhiên, so với trước thời điểm giãn cách, các đơn hàng online tăng mạnh nên việc đi chợ theo đúng các đơn hàng của khách cũng khó khăn, do có một số mặt hàng khách yêu cầu hết cục bộ.
TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI
Để việc vận chuyển, giao hàng hóa cho người dân nhanh hơn cần sự kết nối, hỗ trợ của các đơn vị vận chuyển khác. Bà Hồ Thị Ánh Tuyết, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, đội hình shipper cấp tỉnh và các đội hình thanh niên giao hàng miễn phí tại các huyện, thị xã, thành phố đã hỗ trợ nhận đơn, đi chợ hộ và giao hàng miễn phí cho người dân. Tuy nhiên, để làm tốt hơn việc này trong 14 ngày tiếp theo cần có sự kết nối với người dân thông qua các tổ, thôn, ấp, khu dân cư qua một đầu mối hoặc kênh zalo của khu phố thôn ấp, tổ COVID cộng đồng để khuyến khích người dân đặt mua hàng online. Các đơn hàng đặt qua các tổ, thôn, ấp này cần ghi rõ khối lượng hàng, địa chỉ người nhận, thời gian nhận đơn, thời gian giao hàng.
Ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Bưu chính Viettel BR-VT cũng thông tin thêm, hiện Bưu chính Viettel có 320 shipper chuyên nghiệp, trong đó tại TP. Vũng Tàu có 150 người. Trong thời gian thực hiện giãn cách trong 14 ngày tới, dự báo các đơn hàng online sẽ tăng mạnh, Viettel sẽ tăng cường hỗ trợ nếu các siêu thị, cửa hàng bán lẻ có nhu cầu hỗ trợ.
Còn bà Vũ Thị Thanh Vân, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, hiện đội ngũ shipper của đơn vị là hơn 300 người, chiếm 50% tổng số nhân viên của Bưu điện. Nếu nhu cầu tăng cao, Bưu điện có thể huy động hết lực lượng đi giao hàng trong tỉnh. Bưu điện đã triển khai nhiều chương trình như xây dựng bản đồ các điểm bán hàng để người dân có thể tra cứu và đặt hàng; xây dựng kế hoạch bán hàng lưu động, đưa xe tới nơi ít cửa hàng tạp hóa để bán hàng lưu động cho người dân khu vực đó. Bưu điện đang phối hợp Hội Nông dân triển khai chương trình hướng dẫn các HTX đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử postmart.vn để bán online.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương, từ ngày 2/8, các địa phương sẽ siết chặt hơn việc thực hiện các quy định theo Chỉ thị 16 nên việc hỗ trợ người dân mua sắm hàng hóa thiết yếu chủ yếu qua lực lượng shipper, các hội, đoàn thể. Vì vậy, các huyện, thị, thành phố cần phân công từng lực lượng phụ trách từng địa bàn giúp người dân đi chợ, đặc biệt các địa phương có ít điểm bán lẻ, tăng bán lưu động, nhất là người dân vùng có dịch. Đồng thời phối hợp với các đội quản lý thị trường tăng cường giám sát chất lượng, giá cả hàng hóa. Nếu đơn vị nào không bảo đảm chất lượng, tăng giá bất hợp lý đề nghị đóng cửa.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU