Nguy cơ thiếu nguyên liệu cho thủy sản xuất khẩu

Thứ Ba, 17/08/2021, 22:32 [GMT+7]
In bài này
.

Theo các DN, nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu thủy sản chỉ đạt khoảng 40-50% do việc thực hiện giãn cách xã hội. Dự tính nguồn nguyên liệu cho sản xuất thủy sản xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ thiếu hụt 20-30%.

 Công nhân Công ty Baseafood chế biến thủy sản xuất khẩu tại xưởng.
Công nhân Công ty Baseafood chế biến thủy sản xuất khẩu tại xưởng.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, mặc dù thị trường xuất khẩu có nhiều khởi sắc, nhưng do tình hình dịch trong nước còn diễn biến phức tạp, nhất là nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên việc sản xuất thủy hải sản gặp khó. Các DN chỉ được duy trì hoạt động khi bảo đảm điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 điểm đến” để phòng, chống dịch bệnh lây lan vào các nhà máy, KCN. Khoảng 30% DN thủy sản tại các tỉnh, thành phía Nam, trong đó có BR-VT đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, các DN này cũng chỉ huy động được khoảng 30% số lượng lao động, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương.

Theo lý giải của các DN sản xuất thủy sản tại BR-VT, đặc thù công nhân làm việc tại các nhà máy đến 70% là người dân trong tỉnh, đi về trong ngày nên khó sắp xếp cho công nhân ở lại nhà máy. Vì vậy, công suất sản xuất chỉ duy trì được khoảng 30% so với trước đây. Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến, xuất khẩu chỉ đạt khoảng 40-50% do thực hiện giãn cách xã hội, nguyên liệu trong nước và nhập về bị hạn chế. Như vậy, dự báo nguy cơ nguồn nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ thiếu hụt 20-30%. Thực tế, tại các tỉnh ven biển như Bình Định, Kiên Giang, BR-VT… một số DN đã giảm 20-70% công suất do thiếu nguyên liệu.

Bà Đồng Thị Huệ, Giám đốc Công ty CP Sản xuất dịch vụ và thương mại Thuận Huệ cho biết, DN đã chủ động nguyên liệu để sản xuất từ 3-4 tháng. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu chính để sản xuất của công ty chủ yếu thu mua trong nước, trong khi việc đánh bắt đang gặp khó khăn do tàu, thuyền không ra khơi để phòng chống dịch nên cũng khan hiếm. Vì vậy, có thể nguồn nguyên liệu này sẽ thiếu hụt từ 20-30% vào cuối năm nếu tình hình dịch còn diễn biến phức tạp.

Còn tại Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Baseafood, nguyên liệu sản xuất nhập từ trong và ngoài nước còn đủ sản xuất trong 1 tháng. “Mặc dù DN đã chủ động làm việc với các đối tác cung cấp nguyên liệu nhưng với tình hình hiện nay, việc thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất vào cuối năm là khó tránh khỏi”, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Baseafood cho biết thêm.

Không chỉ lo thiếu nguyên liệu sản xuất, nhiều DN thủy sản đang chịu gánh nặng chi phí phát sinh do dịch COVID-19 như trang bị cho công nhân làm việc 3 tại chỗ, trả thêm lương, xét nghiệm định kỳ, đồng thời chi phí đầu vào và logistics tăng mạnh... Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, chi phí sản xuất tăng 1,5-2 lần so với trước. Với thực tế khó khăn hiện nay, xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm chắc chắn sẽ tuột dốc, nếu nhà nước không có giải pháp hỗ trợ. Trong đó, việc cần sớm triển khai là ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động trong nhà máy chế biến thủy sản, bảo đảm tiêu chí an toàn, tiếp đó là hỗ trợ cho DN và người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Trước những vướng mắc của ngành thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đã đề nghị các địa phương có những giải pháp hỗ trợ DN, không để tình trạng thiếu lao động trong các nhà máy kéo dài; tạo điều kiện cho thương lái, DN thu mua thủy hải sản hoạt động. Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách về vốn (giãn nợ, giảm lãi suất và cho vay ưu đãi…) đối với các hộ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ để đẩy nhanh tiến độ sản xuất trong năm nay.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

;
.