.

Kiểm soát chặt "3 tại chỗ"

Cập nhật: 22:18, 31/08/2021 (GMT+7)

Ngày 31/8, Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế do Tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn (Bộ Y tế) làm Trưởng Đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại 2 DN trên địa bàn TX. Phú Mỹ đang thực hiện “3 tại chỗ” là Công ty TNHH Kết cấu thép QH Plus (KCN B1 Conac) và Công ty TNHH San Fang (KCN Mỹ Xuân A2).

Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế trao đổi với đại diện Công ty TNHH San Fang về công tác phòng, chống dịch.
Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế trao đổi với đại diện Công ty TNHH San Fang về công tác phòng, chống dịch.

Doanh nghiệp gặp khó

Báo cáo với Đoàn, lãnh đạo 2 DN cho biết, thời gian qua, DN đã nỗ lực để vừa phòng, chống dịch vừa duy trì hoạt động để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất. Ông Đinh Văn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Kết cấu thép QH Plus cho biết, từ giữa tháng 7 đến nay, DN đã bố trí cho 440/640 lao động lưu trú tại công ty. Tuy nhiên, việc thực hiện “3 tại chỗ” kéo dài đã gây nhiều khó khăn cho DN bởi chi phí cao, trong khi đó nguồn cung cấp thực phẩm cho công nhân gặp khó khăn. Chi phí xét nghiệm cũng là bài toán khiến DN đau đầu. 100% người lao động của công ty đã được tiêm vắc xin mũi 1 và dự kiến sẽ tiêm mũi 2 vào ngày 10/9 tới. Do đó, DN mong muốn sau khi hoàn thành việc tiêm vắc xin, các cơ quan chức năng cho phép DN chuyển từ “3 tại chỗ” thành “2 tại chỗ” là công nhân sản xuất, ăn uống tại nhà máy nhưng trở về nghỉ ngơi ở vùng an toàn (nằm trong vùng xanh) ngoài nhà máy. “Việc áp dụng mô hình “2 tại chỗ” sẽ giúp DN giảm chi phí và phục hồi sản xuất khi có thể đưa 100% lao động trở lại làm việc”, ông Vinh phân tích.

Ông Chien Chung Chih, Giám đốc Hành chính, Công ty TNHH San Fang cũng cho biết, Công ty đã thực hiện “3 tại chỗ” cho 750 lao động, chiếm 60% số lao động toàn DN. Người lao động được bố trí ở ký túc xá với 71 phòng. Điều lo lắng nhất của DN là mới chỉ có 27 người là chuyên gia nước ngoài được tiêm vắc xin mũi 1, còn hơn 1.200 lao động chưa được tiêm. DN kiến nghị cơ quan chức năng sớm có kế hoạch tiêm vắc xin cho người lao động để duy trì sản xuất. “DN chúng tôi chuyên sản xuất nguyên liệu ngành giày da, cung cấp cho thị trường trong nước và nhiều nước trên thế giới. Nếu xảy ra dịch bệnh thì nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất khó tránh khỏi. Do đó, chúng tôi mong những người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao như tài xế, nhân viên nhà bếp, nhân viên giao dịch được ưu tiên tiêm vắc xin trong thời gian sớm nhất”, ông Chien Chung Chih bày tỏ.

 Trước đó, cuối tuần qua, Đoàn công tác cũng đã kiểm tra một số DN đang thực hiện “3 tại chỗ”. Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Đạm Phú Mỹ cho biết, theo quy định, xe bus chở công nhân đi làm không được chở quá 50% số chỗ. Nhà máy áp dụng chế độ “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 điểm đến” (nhà máy - chung cư Đạm Phú Mỹ); công nhân viên của nhà máy được xét nghiệm 2 lần/tuần, nên khả năng có F0 và lây nhiễm giữa người lao động với nhau, giữa người của nhà máy với người bên ngoài hầu như không có. Do đó, Nhà máy mong muốn cơ quan chức năng xem xét cấp “luồng xanh” cho xe bus của nhà máy lưu thông như với xe bus thông thường. Việc này sẽ giúp giảm bớt chi phí vận chuyển để dành cho các hoạt động khác thiết thực hơn.

Cần duy trì xét nghiệm sàng lọc định kỳ

Tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang đánh giá cao công tác phòng dịch tại các DN. Các DN đã có các phương án tỉ mỉ trong phòng, chống dịch. Do vậy, khi không may có ca mắc COVID-19, DN chỉ cần phong tỏa tạm thời phân xưởng hoặc dây chuyền có F0 làm việc mà không ảnh hưởng đến dây chuyền, bộ phận khác hay phải phong tỏa toàn bộ nhà máy. Những giải pháp trên đã giúp các DN trong KCN vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, để duy trì các kết quả trên, DN cần tiếp tục kiểm soát chặt hoạt động của người lao động khi tham gia “3 tại chỗ”; phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và xem đây là điều kiện tiên quyết. Theo đó, DN cần duy trì xét nghiệm sàng lọc hàng tuần để kiểm tra, tầm soát. Đồng thời, kiểm soát chặt việc cung ứng thực phẩm cho nhà máy.

Tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang cũng đề nghị DN khắc phục một số mặt hạn chế, đó là vẫn còn một vài phân xưởng và nơi ngủ của người lao động chưa bảo đảm giãn cách, một số còn thiếu đồ bảo hộ lao động. BCĐ Quốc gia Phòng, chống dịch, Bộ Y tế chưa có chủ trương cho phép chuyển đổi sang mô hình “2 tại chỗ”, vì hiện nay dịch bệnh tại BR-VT nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang phức tạp với nhiều diễn biến mới khó lường.  

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.