Dựng phòng tuyến ngăn dịch
Cảng biển là khu vực trọng yếu của nền kinh tế. Do đó, việc ngăn chặn dịch COVID-19 xâm nhập hệ thống cụm cảng là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng được DN cảng và lãnh đạo tỉnh ưu tiên đặt lên hàng đầu.
Nhà ăn của Cảng CMIT bố trí giãn cách giữa các vị trí. |
Siết chặt công tác phòng dịch
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Trưởng phòng Quan hệ chính quyền và công vụ, Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cho biết, 14 ngày qua, CMIT đã nâng mức phòng chống dịch ở cấp độ cao nhất và thực hiện nghiêm “3 tại chỗ”. Người lao động được kiểm tra COVID-19 với tần suất 3 ngày/lần. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục cho tàu vào, rời cảng và các thủ tục liên quan bằng phương thức điện tử. Công tác xếp dỡ hàng hóa chủ yếu bằng máy móc. Công nhân từ bờ muốn lên tàu làm nhiệm vụ phải được sự cho phép của Bộ đội Biên phòng, phải mặc đồ bảo hộ phòng dịch và không được phép tiếp xúc với thuyền viên.
Cảng Gemalink cũng triển khai phương án “3 tại chỗ” cho gần 500 người lao động. Đại diện cảng cho biết, xác định việc bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch ở mức cao nhất, ngoài thực hiện nghiêm yêu cầu “3 tại chỗ”, cảng còn kiểm soát chặt người/phương tiện ra-vào cảng, phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) tổ chức xét nghiệm PCR 3 ngày/lần cho toàn bộ người lao động.
Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn có 3 cảng trực thuộc ở khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải gồm: Cảng Quốc tế Tân cảng - Cái Mép, cảng Tân Cảng-Cái Mép và cảng Tân cảng Cái Mép-Thị Vải. Để duy trì hoạt động an toàn, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn chỉ đạo các cảng thường xuyên phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng kiểm soát người và phương tiện, giúp truy vết sớm nguồn lây nhiễm; bổ sung phương án xử lý tình huống phòng, chống dịch phù hợp; phát huy tính năng của hệ thống camera an ninh cảng, thời gian lưu trữ dữ liệu tối thiểu 45 ngày. Trung tâm Y tế Tân Cảng phối hợp với các cảng định kỳ phun thuốc khử trùng và phối hợp các cơ quan chức năng của Tổng công ty và chính quyền địa phương để có phương án phòng, chống dịch hiệu quả.
Không để dịch xâm nhập cảng
Nhằm siết chặt hơn nữa công tác phòng dịch, không để dịch lây nhiễm vào cảng biển, các DN cảng đã có kế hoạch tăng cường xét nghiệm cho tất cả khách hàng ra-vào cảng, thay vì chỉ cần giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 có giá trị trong vòng 3 ngày.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã xây dựng phương án cho tàu, thuyền đến 19 tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19. Theo đó, tàu, thuyền trước khi vào khu vực cảng biển, thuyền trưởng tàu biển nhập cảnh phải khai báo tình hình sức khỏe thuyền viên trên tàu trong thời gian tối thiểu 14 ngày để cung cấp cho CDC địa phương. Trước khi nhập cảnh, tàu phải vào vị trí neo đậu được chỉ định bởi cảng vụ và chỉ được vào làm hàng sau khi các thủ tục kiểm dịch hoàn thành. Thủ tục ra-vào cảng cho tàu được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Trong thời gian tàu làm hàng, thuyền viên, hành khách không được lên bờ (trừ trường hợp thay thuyền viên hoặc trường hợp khẩn cấp). Chỉ những người có nhiệm vụ mới được lên, xuống tàu và tuân thủ tuyệt đối sự giám sát, cấp phép của Biên phòng cảng. Tàu biển phải thiết lập lối đi riêng, thiết lập khu vực làm việc ngoài cabin cho tổ chức, cá nhân lên tàu làm việc.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản hỏa tốc yêu cầu các DN khai thác cảng biển, cảng thủy nội đại khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Tổ An toàn COVID-19. Đồng thời xây dựng phương án phòng chống dịch khi có trường hợp nghi mắc COVID-19; kịp thời cách ly các trường hợp có biểu hiện ho, sốt… Tại khu vực sản xuất, công nhân làm việc trong điều kiện giãn cách tối đa; phòng ăn bố trí hợp lý (không ngồi đối diện); lắp đặt camera giám sát, sắp xếp phân luồng, lối vào nơi làm việc, không để tình trạng đông người lao động chen lấn.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, cảng nước sâu là cơ sở hạ tầng thiết yếu của một nền kinh tế hướng về xuất khẩu như Việt Nam. Nếu cảng biển bị đóng cửa do dịch, tàu không thể cập cảng, hoạt động xuất nhập khẩu bị đình trệ kéo theo nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, việc ngăn chặn dịch COVID-19 xâm nhập hệ thống cụm cảng là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng và được tỉnh ưu tiên đặt lên hàng đầu. Do đó, tỉnh đã bổ sung danh sách ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động tại cảng biển.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN