Doanh nghiệp lo không cõng nổi chi phí "3 tại chỗ"

Thứ Hai, 16/08/2021, 09:25 [GMT+7]
In bài này
.

Sau thời gian thực hiện “3 tại chỗ” nhiều DN cho biết họ “đuối sức” không chỉ vì  gồng gánh nhiều chi phí phát sinh, mà còn đối diện rủi ro bất ổn tâm lý người lao động khi sản xuất “3 tại chỗ” trong thời gian dài.

Công nhân Nhà máy Đạm Phú Mỹ sinh hoạt tại lều khi thực hiện
Công nhân Nhà máy Đạm Phú Mỹ sinh hoạt tại lều khi thực hiện "3 tại chỗ".

Khó thực hiện trong thời gian dài

Đánh giá từ Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, tại thời điểm này, người lao động (NLĐ) tại một số DN đang thực hiện “3 tại chỗ” không tiếp tục ở lại đồng hành với DN vì lý do gia đình hoặc con nhỏ. DN cũng gặp khó khăn khi thực hiện nghiêm phương châm “một cung đường - hai điểm đến” vì không có nơi ở tập trung cho NLĐ bên ngoài KCN, yêu cầu phải có giấy phép di chuyển của tỉnh tại một số chốt kiểm dịch khi chuyên chở công nhân hàng ngày. Nhiều DN gặp khó khăn trong việc cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu trong thời gian thực hiện “3 tại chỗ”.

Áp dụng “3 tại chỗ” từ ngày 19/7 đến nay, ông Hồ Nam, Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH Thép SMC (thuộc hệ thống Công ty CP Đầu tư Thương Mại SMC-KCN Phú Mỹ 1), cho biết, Công ty có 3 DN với 500 lao động phải bố trí “3 tại chỗ”. Khó khăn hiện nay của DN khi duy trì “3 tại chỗ” là nguồn cung cấp thực phẩm để lo 3 bữa ăn/ngày cho công nhân rất khó khăn. DN có ký hợp đồng với siêu thị Co.op Mart Phú Mỹ nhưng do ảnh hưởng của dịch nên nguồn cung không đủ. Do đó, DN phải tự xoay xở, tìm các nguồn bán lẻ, trong khi đó do quy định giãn cách nên phải mua hàng qua shiper nên giá cả bị đội lên nhiều. Để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ, DN đã tăng bữa ăn lên 30 ngàn đồng/bữa, tăng 5 ngàn đồng so với trước. Thiếu nguồn cung nên các chế ăn thêm vào buổi tối như bánh mì, bánh ngọt, mì ly, xúc xích cũng hạn chế.

Các DN như: Công ty Posco SS Vina, Công ty CP thép Pomina, Công ty TNHH MTV Tôn Hoa Sen Phú Mỹ... cũng cho biết việc tìm nguồn lương thực, thực phẩm rất khó khăn vì DN không được phép “đi chợ”, trong khi phương án sử dụng shiper để cung cấp không những chi phí bị tăng cao mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch cao. Ngoài ra, DN còn đối diện rủi ro bất ổn tâm lý người lao động khi sản xuất “3 tại chỗ” trong thời gian dài.

Không chỉ những DN tự tổ chức bếp ăn mà với những DN thuê đơn vị chuyên cung cấp các suất ăn công nghiệp cũng phải đau đầu vì chi phí cho bữa ăn cũng đội lên. Bà Lưu Thị Hòa, chủ hộ kinh doanh cá thể chuyên tổ chức nấu các suất ăn công nghiệp cho các DN trong KCN tại TX.Phú Mỹ cho biết, nguồn cung cấp rau xanh, thực phẩm tăng cao, kéo theo bữa ăn công nhân  tăng từ 5.000-12.000 người/bữa.

Cần phương án linh hoạt hơn

Trước những bất cập của phương án “3 tại chỗ”, nhiều DN cho rằng, mô hình sản xuất linh hoạt, phù hợp trong bối cảnh này là “2 tại chỗ” kết hợp với test nhanh cho người lao động. Tức là người lao động ăn uống và làm việc tại chỗ, và tạo một cung đường, cho phép họ được về nhà trên cơ sở bảo đảm tuyệt đối kiểm soát dịch bệnh. DN sàng lọc bằng cách tăng tần suất test nhanh cho NLĐ và cam kết với chính quyền.  Còn NLĐ cam kết với DN về di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Khắc Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Tín Nghĩa - Phương Đông (chủ đầu tư KCN Đất Đỏ I), cho biết: Chi phí thực hiện 3 tại chỗ quá cao, riêng việc test nhanh 3 ngày/lần cho NLĐ nếu DN có 1.000 công nhân tính ra đã cõng thêm 3 tỷ đồng/tháng. Để giảm chi phí cho DN, ông Thanh đề nghị nên giảm tần suất, chỉ cần 1 tuần/lần và làm mẫu gộp. Bộ phận nào hay tiếp xúc với đơn vị, dịch vụ bên ngoài thì cần kiểm tra thường xuyên hơn.

Trước những kiến nghị của DN, Bộ Công thương vừa có văn bản gửi với Bộ Y tế về việc đề xuất giải pháp hỗ trợ DN duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19. Theo đó, ngoài mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, Bộ Công thương đề xuất bổ sung các hình thức khác để DN lựa chọn. Trong đó, có quy định cụ thể với trường hợp người lao động được về nhà và cam kết với chính quyền địa phương. Để thực hiện hiệu quả các mô hình trên, bảo đảm sản xuất an toàn, Bộ Công thương đề xuất bên cạnh yêu cầu thực hiện 5K, cài đặt và sử dụng Bluezone, thì những người sử dụng xe cá nhân cần chạy theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường.

Song song đó, Bộ Y tế cũng cần có hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với những kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các DN có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp. Trong trường hợp có F0, F1, cơ quan y tế địa phương cần phối hợp với DN trong việc tách ca nhiễm ra khỏi môi trường làm việc, giúp sớm ổn định lại sản xuất và bảo đảm an toàn cho những người lao động khác.

Đối với phương án xét nghiệm, cần bổ sung quy định về tổ chức thực hiện xét nghiệm cộng gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại DN  nhằm cắt giảm chi phí, thời gian, cũng như tránh tập trung đông người gây mất an toàn phòng dịch. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề nghị cần có quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để cho phép DN được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau (hoạt động 30%, 50%, 70% cho tới 100% công suất) tùy điều kiện.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.