Doanh nghiệp giày da, may mặc trước nguy cơ mất đơn hàng

Thứ Năm, 26/08/2021, 23:09 [GMT+7]
In bài này
.
Không chỉ chậm tiến độ, nhiều DN may mặc, giày da đang đối mặt vấn đề lớn hơn là nguy cơ mất đơn hàng mới bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.
 Người lao động Công ty TNHH Tiwnkle Việt Nam trong giờ làm việc. Do không bố trí đủ lao động “3 tại chỗ” nên công ty này đã giảm 90% công suất.
Người lao động Công ty TNHH Tiwnkle Việt Nam trong giờ làm việc. Do không bố trí đủ lao động “3 tại chỗ” nên công ty này đã giảm 90% công suất.
Giảm công suất 
Công ty TNHH Tiwnkle Việt Nam (KCN Mỹ Xuân B1 Conac, TX. Phú Mỹ) chuyên may vali, túi xách xuất khẩu. Từ khi thực hiện “3 tại chỗ” để phòng, chống dịch COVID-19, DN đã phải ngừng sản xuất 11/12 dây chuyền vì chỉ có thể bố trí cho 160 lao động ăn, ở tại nhà máy.
Bên cạnh việc giảm công suất, hoạt động vận chuyển nguyên liệu gia công từ TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác về DN cũng gặp nhiều khó khăn do các điều kiện chặt chẽ khi qua các chốt kiểm dịch, nên một số DN thiếu nguyên liệu sản xuất. Công ty TNHH Sản xuất giày Vĩnh Uy II (KCN Đất Đỏ 1) chỉ có 40% công nhân đồng ý thực hiện “3 tại chỗ”, công suất hoạt động giảm còn 40%. Thế nhưng nguồn nguyên liệu như keo, chỉ, da PU… cũng chỉ đáp ứng được 80% cho hoạt động sản xuất. Do đó, DN chỉ duy trì các đơn hàng quốc tế, còn các đơn hàng trong nước phải tạm ngừng vì thiếu cả nhân công lẫn nguyên liệu.
Nhiều DN khác như Công ty TNHH E-TOP Việt Nam, Công ty TNHH Prime Asia, Công ty TNHH Lock & Lock, Công ty TNHH Tong Hong Tanary… hiện chỉ duy trì sản xuất với khoảng 20-30% lao động. 
Lo đối tác chuyển đơn hàng
Những tháng gần đây, doanh thu của một số DN sụt giảm do không có lao động để duy trì hoạt động và việc làm trong tương lai vì khách hàng đã tìm được đối tác thay thế do nhà máy chậm giao hàng quá lâu. Ông Sầm Công Nam, đại diện Công ty TNHH Tiwnkle Việt Nam cho biết, đặc thù của ngành giày là sản xuất theo dây chuyền. Do đó, với số lao động còn lại, công ty chỉ hoạt động được 1 dây chuyền sản xuất, công suất giảm đến 90%. Vì không thể giao hàng kịp tiến độ, DN đã bị đối tác hủy 50% đơn hàng do sắp đến Tết, họ cần hàng để bán. Với tình hình này, sau khi hết dịch, DN cũng rất khó tìm được khách hàng mới. “Việc áp dụng phương án “3 tại chỗ” là cần thiết để thiết lập các “vùng xanh”, duy trì hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, do thời gian giãn cách kéo dài nên DN không có lao động để sản xuất và chuỗi cung ứng đang có nguy cơ bị đứt gãy”, ông Nam cho biết thêm.
Ông Phan Tấn Anh, Phó Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Sản xuất giày Vĩnh Uy II thông tin, sau 5 tuần thực hiện giãn cách, DN đang đối mặt với nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng. Công ty đang sản xuất đệm lót giày và một số sản phẩm khác cho các thương hiệu giày như: Rockport, CK, Clarks, Kicker… tại thị trường Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Bangladesh… và một số DN trong nước. Tuy nhiên, do chỉ bố trí sản xuất được 40% công suất, DN khó bảo đảm tiến độ giao hàng và đối mặt nguy cơ mất đối tác làm ăn lâu dài.  
Do không thể huy động đủ công nhân thực hiện “3 tại chỗ” nên Công ty TNHH Sản xuất giày Vĩnh Uy II (KCN Đất Đỏ 1) chỉ sản xuất cầm chừng với 40% công suất.
Do không thể huy động đủ công nhân thực hiện “3 tại chỗ” nên Công ty TNHH Sản xuất giày Vĩnh Uy II (KCN Đất Đỏ 1) chỉ sản xuất cầm chừng với 40% công suất.
Để khắc phục, các DN cho rằng, nhà nước cần có biện pháp phòng ngừa và các chính sách hỗ trợ DN ổn định sản xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào những tháng cuối năm. Trước mắt, cần có giải pháp hỗ trợ DN để bảo đảm “mục tiêu kép” vừa chống dịch an toàn vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Về lâu dài, phải xây dựng chiến lược mới cho ngành công nghiệp hỗ trợ, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu để tránh rủi ro trước mọi biến động của tình hình thế giới. “Thuế, phí đang là gánh nặng cho DN trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Chúng tôi mong Chính phủ giảm tối đa thuế, phí và cho phép DN hoạt động dựa trên kịch bản theo từng cấp độ an toàn dịch bệnh thay vì phải áp dụng một mô hình chung cho tất cả như hiện nay”, đại diện một DN đề xuất.
Ông Lê Xá, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, trước những khó khăn của DN, Ban đã kiến nghị Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tỉnh chỉ đạo các địa phương sớm bố trí tiêm vắc xin cho toàn thể người lao động tại DN ngay khi được phân bổ về địa phương. Ban cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ các chi phí cho DN thực hiện “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” được khấu trừ thuế thu nhập DN và chi phí của người lao động thu nhập không chịu thuế; xem xét miễn, giảm các khoản thuế xuất khẩu để DN có giá cạnh tranh hơn sau khi phục hồi sản xuất nhằm giành lại thị trường. 
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN
;
.