.

Xuất khẩu thủy sản giữ đà tăng trưởng

Cập nhật: 21:54, 28/07/2021 (GMT+7)

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến nay vẫn tăng trưởng dù đối mặt với muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đáng chú ý, hầu hết các thị trường xuất khẩu chính như: Nga, Mỹ, châu Âu đều có mức tăng mạnh...

Công nhân Công ty CP Sản xuất dịch vụ và Thương mại Thuận Huệ sản xuất cá chai khô xuất khẩu tại xưởng (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ).
Công nhân Công ty CP Sản xuất dịch vụ và Thương mại Thuận Huệ sản xuất cá chai khô xuất khẩu tại xưởng (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ).

Hiện nay tình hình COVID-19 đang diễn ra phức tạp, các DN chế biến xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng đang nỗ lực huy động tối đa nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch, đồng thời, duy trì sản xuất để kịp hoàn thành các đơn hàng đã ký kết.

Bà Đồng Thị Huệ, Giám đốc Công ty CP Sản xuất dịch vụ và Thương mại Thuận Huệ (TP. Vũng Tàu) cho biết, tính đến nay, công ty đã hoàn thành 50% kế hoạch năm. Các đơn hàng sang thị trường Hàn Quốc cũng được ký kết hết năm 2021. “Do thực hiện giãn cách xã hội nên việc sản xuất gặp khó khăn. Hiện nay, chỉ có nhà máy sản xuất hàng khô của công ty tại xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) còn hoạt động với 30% công nhân làm việc. Công nhân tại nhà máy ở Lộc An đều thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”. Các biện pháp phòng dịch cũng được tăng cường, không để dịch xâm nhập vào nhà máy, ảnh hưởng đến các đơn hàng đã được ký kết”, bà Huệ chia sẻ.

Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) cũng đã áp dụng sản xuất theo quy định phòng dịch trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16. Qua đó, vừa bảo đảm các đơn hàng được xuất đi theo hợp đồng đã ký kết vừa không để dịch xâm nhập vào các nhà máy. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, may mắn là DN đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu từ trước. “Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hầu như các nhà máy của công ty đang tạm dừng, chỉ còn khoảng 10-20% số công nhân ở lại nhà máy làm việc. Nguyên nhân là do người lao động của công ty chủ yếu là người địa phương đi về trong ngày, chỉ khoảng 20% công nhân là người từ nơi khác đến và ở trọ lại. Đến nay công ty đã hoàn thành được 50% kế hoạch năm”, ông Dũng nói.

Công nhân Công ty Baseafood đóng gói hàng xuất khẩu tại xưởng  chế biến ở Lộc An.
Công nhân Công ty Baseafood đóng gói hàng xuất khẩu tại xưởng chế biến ở Lộc An.

Theo đánh giá của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản từ đầu năm đến nay tăng 16,64% (tương đương 121,76 triệu USD). Đà tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản nhờ vào việc một số thị trường đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Các DN thủy sản cũng tận dụng rất tốt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có nhiều tiềm năng, thông qua các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực.

Theo phân tích từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VSEP), xuất khẩu tôm tiếp tục thuận lợi do nhiều nước sản xuất tôm vẫn đang còn gặp khó khăn vì dịch COVID-19 như: Ấn Độ, Thái Lan… Bên cạnh đó, những lợi thế từ hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết như FTA Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA)... tiếp tục tạo nhiều thuận lợi cho lĩnh vực xuất khẩu này. Cùng với đó, các bộ, ngành chức năng cũng tăng cường công tác xúc tiến thương mại mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu đối với sản phẩm thủy sản; tiếp tục tận dụng cơ hội từ các FTA, nhất là EVFTA, CTPPP để tháo gỡ rào cản và thâm nhập thị trường mới; kịp thời giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistics, không để ứ đọng hàng hóa tại các cửa khẩu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, VSEP cũng khuyến cáo, “thẻ vàng” IUU vẫn đang tồn tại với thủy sản Việt Nam. Nếu không quyết liệt tháo gỡ, nguy cơ Ủy ban châu Âu (EC) sẽ có những biện pháp mạnh hơn với thủy sản Việt Nam XK sang thị trường này. Vì vậy, địa phương cần quan tâm thực hiện các giải pháp tháo gỡ “nút thắt” này, để xuất khẩu thủy sản đạt mục tiêu đề ra trong năm 2021.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
.
.
.