.

Rà soát quy hoạch lại mạng lưới xử lý chất thải rắn

Cập nhật: 19:16, 29/06/2021 (GMT+7)

Gần 10 năm qua, hoạt động xử lý chất thải rắn (CTR) trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đúng lộ trình, khiến công tác quản lý và xử lý CTR gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã yêu cầu rà soát để quy hoạch lại hoạt động xử lý CTR cho phù hợp với thực tế.

CTR sinh hoạt đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh tại Công ty TNHH Kbec Vina.
CTR sinh hoạt đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh tại Công ty TNHH Kbec Vina.

ÁP LỰC XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN

Quy hoạch CTR tỉnh BR-VT đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1880/QĐ-UBND ngày 20/8/2013. Theo đó, CTR được quy hoạch tại 4 khu xử lý: khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ), khu xử chất thải tập trung Láng Dài (huyện Đất Đỏ); dự án nhà máy xử lý CTR sinh hoạt tại huyện Côn Đảo, dự án nhà máy xử lý và tái chế bụi lò thép của Công ty TNHH Zinc Oxide tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (TX. Phú Mỹ). Ngoài ra, tại KCN Phú Mỹ 1 còn có 2 nhà máy tái chế xỉ thép đã được cấp phép hoạt động.

Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 27/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác bảo vệ môi trường tỉnh đến năm 2020 xác định lộ trình chuyển đổi mô hình xử lý CTR là trong năm 2017, hoàn thành việc đầu tư nhà máy xử lý CTR sinh hoạt thành phân bón compost (Công ty CP môi trường xanh Bảo Ngọc); năm 2017-2018 đầu tư nhà máy xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ đốt thu hồi năng lượng tại xã Láng Dài (Công ty TNHH Green HC); năm 2020 đầu tư và xử lý dứt điểm lượng rác tồn đọng hơn 70 ngàn tấn tại huyện Côn Đảo. Mục tiêu đến năm 2021, BR-VT sẽ chấm dứt việc chôn lấp CTR sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh sang xử lý bằng công nghệ tái chế thành phân compost, công nghệ đốt kết hợp xử lý khí thải, phát điện, bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường…

Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án chậm tiến độ hoặc không đáp ứng yêu cầu. Nhà máy của Công ty CP môi trường xanh Bảo Ngọc chưa thực hiện xong việc di dời vào khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. Trong khi đó, khu xử chất thải tập trung Láng Dài do Công ty TNHH Green HC làm chủ đầu tư sử dụng công nghệ đốt nhằm giảm áp lực việc chôn lấp rác sinh hoạt cho Công ty TNHH Kbec Vina. Hiện nay công ty đã đầu tư giai đoạn 1 khoảng 90% với công suất xử lý CTR sinh hoạt 149 tấn/ngày và chất thải công nghiệp thông thường 49 tấn/ngày, nhưng vẫn bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, dự án này chậm tiến độ nên đến nay không phù hợp quy hoạch xử lý CTR (quy hoạch công nghệ đốt và thu hồi năng lượng), cũng như quy hoạch sử dụng đất của tỉnh. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu không tiếp tục triển khai dự án khu xử chất thải tập trung Láng Dài, chỉ tập trung các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ tái chế, đốt, phát điện tại khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên.

Do vậy, hiện nay trên địa bàn tỉnh mỗi ngày phát sinh khoảng 900 tấn rác thải sinh hoạt nhưng chỉ có một hình thức xử lý duy nhất là chôn lấp hợp vệ sinh tại Công ty TNHH Kbec Vina (khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên). Còn hơn 70 ngàn tấn rác thải tồn đọng ở Côn Đảo đến nay vẫn chưa được xử lý.

RÀ SOÁT, ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH

Theo ông Tạ Quốc Trung, Giám đốc Sở Xây dựng, việc quy hoạch các khu xử lý CTR cơ bản đáp ứng nhu cầu của địa phương, giải quyết được phần lớn các vấn đề về môi trường phát sinh trong quản lý, xử lý CTR trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công nghệ xử lý chất thải chôn lấp hợp vệ sinh không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay, công suất hoạt động của nhiều dự án thấp hơn công suất theo giấy chứng nhận đầu tư… Về lâu dài, để phát triển bền vững, BR-VT cần tính đến những giải pháp căn cơ: phân loại rác tại nguồn, tái chế chất thải… để biến rác thải thành tài nguyên.

Hiện nay, hoạt động xử lý CTR trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều vướng mắc. Một số dự án xử lý CTR trên địa bàn tỉnh triển khai chậm. Ngoài ra, công nghệ đốt có chi phí đầu tư lớn nên chưa thu hút được các nhà đầu tư. Trong khi đó, khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên với nhiệm vụ là xử lý các loại chất thải phát sinh trong quá trình sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn tỉnh nhưng vẫn có những loại chất thải chưa được quy hoạch để xử lý (như CTR phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên phát sinh từ quá trình hoạt động tại nhà máy sản xuất Zirconium Việt Nam của Công ty CP Hóa chất hiếm Việt Nam, với khối lượng khoảng 3.000 tấn/năm). Còn các chất thải khác như: dầu thải, dung môi, bao bì... đã thừa dự án, dẫn đến thiếu nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động.

Sở Xây dựng đang đề xuất UBND tỉnh quy hoạch lại mạng lưới các khu xử lý CTR toàn tỉnh đến năm 2025 theo hướng ưu tiên phát triển bền vững; giảm thiểu phát sinh và phân loại chất thải tại nguồn; tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải xử lý. Đồng thời, BR-VT đang khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình phân loại rác tại nguồn; có cơ chế hình thành và phát triển các DN thực hiện dịch vụ thu gom, tái chế, đốt và chôn lấp, sản xuất phân compost từ chất thải rắn… nhằm hướng đến một môi trường xanh, trong lành hơn và giảm bớt những nỗi lo từ rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt.

Tại cuộc họp của UBND tỉnh với các sở, ngành, địa phương về việc rà soát, đánh giá các dự án xử lý CTR trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở TN-MT phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá toàn diện, cụ thể từng loại hình xử lý, khả năng xử lý của các dự án đã đầu tư để điều chỉnh quy hoạch và thu hút dự án hoặc mở rộng dự án một cách phù hợp. Những DN đã được giao đất mà không triển khai dự án trong khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên sẽ bị thu hồi, đồng thời vận động những DN đang sử dụng công nghệ lạc hậu chuyển sang công nghệ hiện đại.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.