.

Hành động để môi trường luôn xanh

Cập nhật: 19:59, 06/06/2021 (GMT+7)

 

Thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng cuộc sống người dân theo Quyết định số 1806/QĐ-UBND, thời gian qua ngành TN-MT đã tập trung giải quyết các vấn đề về môi trường, góp phần tạo dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn; kiểm soát các tác động tiêu cực đối với người dân. Nhân Tháng hành động vì môi trường năm 2021, phóng viên Báo BR-VT đã có cuộc trai đổi với ông Đặng Sơn  Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT về vấn đề này.

•Phóng viên: Xây dựng môi trường sống trong lành cho người dân, việc đầu tiên thiết nghĩ phải ưu tiên di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Vậy thời gian qua, BR-VT đã làm gì cho kế hoạch lớn này, thưa ông?

- Ông Đặng Sơn Hải: Di dời các cơ sở gây ô nhiễm trong khu dân cư, đô thị vào các CCN, vùng tập trung là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà BR-VT đã đặt mục tiêu hoàn thành trong giai đoạn 2018-2025. BR-VT đã xây dựng, ban hành tiêu chí xác định các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thuộc đối tượng di dời vào các CCN, vùng tập trung; chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025...

Bên cạnh đó, tỉnh đã cơ bản đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho 2 CCN chế biến hải sản tại xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) và xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc); 1 CCN tại xã Hòa Long (TP. Bà Rịa); đang triển khai đầu tư hạ tầng CCN Phước Thắng (TP. Vũng Tàu) để phục vụ di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư.

Trong bối cảnh chờ các khu sản xuất tập trung đi vào hoạt động, BR-VT không cấp phép cho các DN, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong các đô thị, khu dân cư. Với các cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư phải áp dụng các phương pháp bảo vệ môi trường như đầu tư hầm biogas, chăn nuôi trên đệm lót sinh học… để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Các bạn trẻ tham gia thu gom rác trên bãi biển Vũng Tàu.
Các bạn trẻ tham gia thu gom rác trên bãi biển Vũng Tàu.

•Chủ trương xóa, giảm các điểm đen môi trường đã được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo, giao các địa phương chủ trì thực hiện đến nay đã thực hiện đến đâu, thưa ông?

- Thời gian qua, với mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, cải thiện, khắc phục ô nhiễm và tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường. Đến nay, một số điểm nóng cơ bản đã được cải thiện, kiểm soát chặt chẽ và có chuyển biến tích cực như: Khu xử lý chất thải Thiên Phước tại tỉnh Đồng Nai; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải vào các sông, suối chảy vào các hồ cấp nước sinh hoạt; bảo vệ nghiêm ngặt các hồ cấp nước sinh hoạt (Đá Đen, Sông Ray); hoạt động chế biến tinh bột mỳ, cao su… Bên cạnh đó, các địa phương đã rà soát các điểm đen trên địa bàn và xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó tổng cộng có 66 điểm đen (gồm 36 điểm đen là hoạt động của các DN, hộ chăn nuôi và 30 điểm đen công cộng). Đến nay, 7/7 địa phương đã có báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch xử lý điểm đen, trong đó huyện Châu Đức, huyện Đất Đỏ và TP. Vũng Tàu cơ bản hoàn thành xử lý điểm đen.

•Thưa ông, giai đoạn 2021-2025, tỉnh cần có các giải pháp gì để bảo vệ môi trường, thực hiện kế hoạch nâng cao đời sống cho người dân?

- Tỉnh vẫn kiên trì thu hút đầu tư chọn lọc các dự án quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; thu hút đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ tái chế, đốt trong tỉnh và huyện Côn Đảo một cách đồng bộ. Song song đó, tỉnh cũng tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại các KCN-CCN; kiểm soát, quản lý tốt các nguồn thải nước thải, khí thải công nghiệp. Đồng thời, xây dựng và triển khai quy hoạch mạng lưới quan trắc tự động. Tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các CCN để phục vụ di dời các cơ sở sản xuất, chế biến hải sản trong khu dân cư, không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường.

•Hành động để BVMT thì người dân cũng không đứng ngoài cuộc, vậy chúng ta phải làm gì để kích hoạt các chương trình hành động vì môi trường có sự tham gia của người dân, thưa ông?

- Chúng ta đã có “gói” giải pháp về công tác quy hoạch và quản lý. “Gói” giải pháp quan trọng nữa là tăng cường công tác truyền thông; xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; vận động, hướng dẫn, yêu cầu người dân thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Tôi nghĩ, những nỗ lực quy hoạch, quản lý là ở tầm vĩ mô nằm trong kế hoạch lâu dài đã được tỉnh kiên trì thực hiện. Nhưng mỗi cá nhân đều có thể hành động ngay để cùng bảo vệ môi trường bằng những việc cụ thể và đơn giản. Mỗi người dân cam kết thực hiện một hành động, dù là nhỏ, trong một thời gian xác định (một ngày, một tuần hoặc có thể lâu hơn) để giảm thiểu ô nhiễm - như sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường (có thể tự tiêu hủy hoặc tái chế), tiết kiệm điện, tiết kiệm tiêu dùng (để giảm phát thải), di chuyển bằng phương tiện công cộng… Nhiều nỗ lực cá nhân cộng lại sẽ làm nên thành quả chung của xã hội. Cùng với những nỗ lực từ phía chính quyền, mỗi cá nhân bằng “ý thức xanh” của mình đều có thể góp những “hành động xanh” để không khí trong lành hơn, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên để BR-VT luôn là nơi đáng sống.

•Xin cảm ơn ông!

QUANG VŨ 

(Thực hiện)

 
.
.
.