Đi chợ trong mùa dịch
Đi chợ chuyện tưởng chừng như là chuyện nhỏ hàng ngày của những bà nội trợ. Thế nhưng, gặp lúc thu nhập bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thì chuyện đi chợ sao cho khôn cho khéo tưởng nhỏ mà hóa ra không còn nhỏ nữa.
Chợ Bến Đình một trong những khu chợ "quê" được nhiều bà nội trợ lựa chọn vì đồ ăn tươi sống, giá cả phải chăng. |
Hơn 1 năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên những người làm nghề đi tàu biển viễn dương như chồng của chị Lê Huế Hảo (hẻm 888/9/5/20, đường 30/4, phường 11, TP.Vũng Tàu) luôn trong cảnh “nằm bờ”. Mặc dù chủ tàu vẫn cố gắng trả mức lương cơ bản cho các thủy thủ nhưng thu nhập bị giảm 70% so với trước. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào thu nhập của chồng nên buộc chị Hảo phải tính toán kỹ hơn trước mỗi buổi chợ. Chị Hảo cho biết, giá cả vẫn tiếp tục leo thang, nhất là thịt heo một trong những nguồn thực phẩm chính trong mỗi bữa cơm vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Vì thế, thay vì đi chợ như trước đây, hàng ngày chị vào các trang bán hàng online của các siêu thị như: Bách Hóa xanh, Lotte Mart, Vinmart, Mega Market, Co.op Mart… Các siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng bán thực phẩm tươi sống thường xuyên có các chương trình giảm giá để kích cầu người mua. “Tại Lotte Mart, nhiều sản phẩm có giá bán khá rẻ như cà chua chỉ 6.000 đồng/kg, cá chẽm tươi chỉ 75.000 đồng/kg, bông cải xanh giảm còn 15.500 đồng/kg, bí đỏ giảm còn 9.500 đồng/kg, bao tử cá ba sa còn 39.900 đồng/kg. Còn tại Bách Hóa xanh, Vinmart có những ngày các loại như dầu gội, nước giặt quần áo, sữa tắm có chương trình mua 1 tặng 1 nên giá giảm một nửa, hạn sử dụng tới 3 năm”, chị Hảo chia sẻ kinh nghiệm đi chợ của mình.
Khách hàng chọn mua chọn mua thực phẩm tại Bách Hóa Xanh (TP. Vũng Tàu) |
Theo chị Lê Hải Yến (chung cư 217, Nguyễn Hữu Cảnh, TP.Vũng Tàu), mỗi siêu thị đều áp dụng giảm giá với những mặt hàng khác nhau nên người mua có rất nhiều lựa chọn để đổi món hàng ngày cho bữa cơm gia đình với chi phí tiết kiệm đáng kể. Chị Yến cho hay, các loại thịt heo, bò, gà ở Mega Market luôn có giá “dễ chịu”. Đơn cử như thịt ba rọi heo 118 ngàn đồng/kg, sườn heo 95 ngàn đồng/kg; chân giò heo 119 ngàn đồng/kg, ba chỉ bò mỹ 248 ngàn đồng/kg; gà thả vườn nguyên con lạnh 72 ngàn đồng/kg, đùi tỏi gà 54,900 đồng/kg, xương bò 75,900 đồng/kg, ếch làm sạch 101 ngàn đồng/kg… “Giá này so với ở chợ rẻ hơn từ 50-70%, mà các loại thịt heo, bò nhập khẩu dù hàng đông lạnh nhưng rất ngon. Ngoài ra, ở đây các loại rau xanh khá phong phú, tươi ngon mà giá cũng ngang ngang giá ở chợ”, chị Yến thông tin.
Tính toán từ các bà nội trợ cho thấy, nếu biết cách chi tiêu thì với 200 ngàn đồng/ngày sẽ vừa đủ để mua nửa kg thịt heo ba rọi, nửa ký ếch đồng làm sạch, 3 lạng bao tử cá ba sa và 10 ngàn dưa cải chua về xào, nửa ký mực ống, nửa ký rau các loại như: mồng tơi, muống, bắp cải, cà chua, dưa leo...(tùy theo nhu cầu hàng ngày của mỗi gia đình). Ngoài ra, họ còn tìm mua được nhiều mặt hàng khác cũng thuộc loại nhu yếu phẩm như bột giặt, bột ngọt, dầu ăn, bột nêm, mì tôm với giá rẻ.
Tuy nhiên, theo những người đang tìm và áp dụng những giải pháp chi tiêu để không bị “thiếu trước hụt sau” thì với những mặt hàng được siêu thị giảm giá mạnh, khi mua cần xem kỹ hạn sử dụng vì rất nhiều sản phẩm có hạn dùng ngắn các siêu thị lập lờ áp dụng chiêu giảm giá “sốc” để đẩy hàng tồn kho.
Khảo sát cho thấy, việc vào mạng tìm hàng giảm giá thuận tiện với giới làm việc văn phòng vì chọn được hàng giá rẻ và chỉ mất thêm từ 10-30 ngàn đồng là hàng được giao tận nhà. Còn những người làm việc công nhân hoặc buôn bán họ lại chọn phương án đi chợ đầu mối như: chợ Vũng Tàu, chợ Bà Rịa hay tới các khu chợ “quê” như chợ Rạch Dừa, Bến Đình, chợ Lưu Chí Hiếu….Vì giá các loại rau củ quả, thịt, tôm cá ở chợ bán sỉ rẻ hơn đến 30%-40% so với chợ bán lẻ. Chị Nguyễn Thị Lan, một tiểu thương kinh doanh hải sản ở chợ Vũng Tàu cho hay, thời gian gần đây lượng khách mua lẻ đến chợ ngày càng nhiều. Các nhà hàng, quán ăn đang tạm đóng cửa nên các loại hàng thực phẩm cũng giảm mạnh lại khá ế ẩm nên hầu hết các tiểu thương bán ngang với giá sỉ nên càng thu hút khách.
“Khéo ăn thì no, khéo nằm co thì ấm” - đi chợ xa hơn xíu nhưng bù lại mua được nguyên liệu giá rẻ cũng đáng. Tính ra mỗi tháng tiết kiệm được từ 1-2 triệu đồng. Từ khi áp dụng hình thức tiêu dùng tiết kiệm này gia đình tôi đã có thể sống ổn trên mặt bằng giá mới dù thu nhập bị giảm”, chị Ngọc Huyền người thường xuyên đi chợ “quê” cho hay.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN