.

Giá trái cây lao dốc, nông dân lao đao

Cập nhật: 19:32, 31/05/2021 (GMT+7)

Hiện đang là thời điểm vào vụ thu hoạch các loại trái cây hè, song do dịch COVID-19 bùng phát mạnh, khiến cho nhiều loại trái khó tiêu thụ, thậm chí phải đổ bỏ vì không bán được.

Vườn xoài của gia đình ông Lê Thanh Đán (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) chín rụng đầy gốc  vì không bán được.
Vườn xoài của gia đình ông Lê Thanh Đán (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) chín rụng đầy gốc vì không bán được.

TRÁI CÂY RỤNG ĐẦY VƯỜN

Gần 1 tháng nay, bà con nông dân xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) bất lực nhìn xoài chín rụng đầy gốc. Không tiêu thụ được, giá ở mức chạm đáy, thu hoạch không đủ bù chi phí đầu tư, công thu hái khiến nông dân phải đổ bỏ hàng trăm tấn xoài. Gia đình ông Lê Thanh Đán (ấp Bình Thắng, xã Bình Châu) cho biết, hơn 13 năm trồng xoài, chưa năm nào buồn như vậy. Vụ xoài năm nay năng suất cao, nhưng dịch bệnh diễn biến phức tạp, khiến ông trở tay không kịp, ước tính thiệt hại khoảng 85%. Với 2ha trồng các loại xoài Thái, cát Hòa Lộc và Đài Loan, sản lượng ước đạt khoảng 25 tấn, đầu vụ đã tiêu thụ được 5 tấn, số còn lại đến nay không ai mua, nên xoài rụng đầy vườn. Hiện tại vườn, giá xoài Đài loan, xoài ghép chỉ 1.500 đồng/kg, cát Hòa Lộc đang có giá chỉ 12.000 đồng/kg, giảm gần 10.000 đồng/kg so với năm ngoái. “Giá rẻ chạm đáy nhưng thương lái cũng không  mua. Nếu thuê nhân công thu hoạch mất 250 ngàn đồng/người/ngày, tiền bán xoài không đủ bù chi phí bỏ ra. Hiện chúng tôi chỉ có thể hái để bán lẻ ngoài chợ, những với hàng chục tấn như vậy thì cũng không thấm vào đâu. Nhìn xoài rụng chín đầy gốc mà bất lực…”, ông Đán than thở.

Châu Đức là địa phương có diện tích trồng trái cây lớn của tỉnh với hơn 3.800ha, với các loại trái cây chủ lực như bơ, chôm chôm, sầu riêng, mít thái, măng cụt… Thời điểm này đang bước vào vụ thu hoạch nhưng cũng đang diễn ra tình trạng trái cây chín rộ đầy vườn mà không có người mua. Ông Hoàng Long Vỹ, ấp 3, xã Kim Long, huyện Châu Đức cho biết, gia đình ông hiện đang trồng hơn 1ha bơ, sản lượng ước tính khoảng 16 tấn. Nếu như mọi năm với mức giá từ 28-30.000 đồng/kg, ông thu lãi khoảng 50 triệu đồng/vụ. Năm nay giá lại quá thấp, giá rớt xuống 10-12.000 đồng/kg nhưng thương lái cũng không thu mua.

Nhiều loại trái cây hiện đang có mức giá chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Phước (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) đang thu hoạch sầu riêng.
Nhiều loại trái cây hiện đang có mức giá chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Phước (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) đang thu hoạch sầu riêng.

NHIỀU NGUYÊN NHÂN ĐẨY GIÁ TRÁI CÂY LAO DỐC

Theo các nhà vườn, sức tiêu thụ các mặt hàng trái cây tươi gặp khó khăn ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là khi các loại trái cây trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch, là nguyên nhân chính khiến giá nhiều mặt hàng trái cây giảm mạnh so với mọi năm. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài khiến trái cây nhỏ, chất lượng kém hơn nên tỷ lệ trái loại 1 rất thấp, đa số là hàng loại 2, loại 3 thường có giá thấp hơn so với hàng tuyển.

Khảo sát tại các nhà vườn, khoảng nửa tháng trở lại đây, giá trái cây liên tục giảm mạnh. Cụ thể, sầu riêng thường bán tại vườn chỉ còn 27-29.000 đồng/kg; sầu riêng hạt lép Ri6 còn 50.000 đồng/kg; chôm chôm thái, chôm chôm nhãn còn từ 8-12.000 đồng/kg, chôm chôm thường dưới 5.000 đồng/kg; bơ 15.000 đồng/kg; mít thái từ 5-10.000 đồng/kg...

Nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản trước diễn biến phức tạp của dịch COVID0-19; Sở NN-PTNT cũng tăng cường tổ chức các phiên chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ nông dân bán hàng qua các kênh thương mại điện tử trong thời kỳ dịch bệnh xảy ra phức tạp. Về lâu dài, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục thực hiện Quy hoạch ngành NN-PNTN đến năm 2030 theo hướng an toàn, đạt các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế, đây là điều kiện để loại đặc sản của tỉnh có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch và mở rộng sang các thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Đặc biệt tiếp tục khuyến khích bà con nông dân áp dụng khoa học công nghệ; tiêu chuẩn, quy chuẩn vào trong quá trình trồng để có nguồn nông sản chất lượng, đáp ứng yêu cầu các thị trường. Đồng thời, kêu gọi, khuyến khích các DN trong và ngoài nước đầu tư các nhà sơ chế, chế biến sâu sản phẩm nông sản sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng, tránh phải giải cứu nguyên liệu một cách bền vững.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, toàn tỉnh hiện có diện tích trồng trái cây trên 12 ngàn ha với nhiều loại trái cây, trong đó có trái cây hè cho sản lượng trung bình 80 ngàn tấn mỗi năm, chủ yếu được tiêu thụ nội địa và thị trường Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch. Dịch bệnh COVID-19 khiến trái cây khó xuất khẩu nên chủ yếu phải tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, người dân thắt chặt chi tiêu, nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn đóng cửa cũng khiến nguồn cầu giảm. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành ngành nông nghiệp, bên cạnh yếu tố ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì một nguyên nhân khác đó là diện tích trồng trái cây trên địa bàn tỉnh 3 năm trở lại đây liên tục tăng nhưng chưa tính đến bài toán liên kết bền vững với đầu ra. Điều này cũng lý giải cho tình trạng cung vượt cầu như vụ trái cây hè năm nay.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

 
.
.
.