BÀ VŨ BÍCH HẢO, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG

UKVFTA tạo lập lợi thế cạnh tranh cho nhiều sản phẩm

Thứ Ba, 11/05/2021, 19:20 [GMT+7]
In bài này
.

Đây là khẳng định của bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương khi trao đổi với phóng viên Báo BR-VT xung quanh sự kiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021.

•Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về lợi ích trực tiếp mà UKVFTA mang lại?

- Bà Vũ Bích Hảo: Có thể khẳng định, lợi ích thương mại của UKVFTA đối với Việt Nam là rất lớn, nhanh và trực tiếp. Nhờ UKVFTA, hầu hết các sản phẩm Việt Nam được Anh cho miễn thuế nhập khẩu ngay lập tức hoặc theo lộ trình giảm thuế khá nhanh (1 năm, 3 năm, 5 năm, 7 năm hoặc 8 năm). Vương quốc Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu với thị trường có sức mua lớn 68 triệu dân. Trong bối cảnh nước Anh vừa rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định UKVFTA có vai trò bảo đảm thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh không bị gián đoạn sau khi giai đoạn chuyển tiếp của tiến trình Brexit kết thúc.

Đối với Việt Nam, những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, UKVFTA sẽ giúp các DN Việt Nam có thêm cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Vương quốc Anh. Đối với Anh, UKVFTA sẽ hỗ trợ nước này củng cố khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu khi rời Liên minh châu Âu. Không những thế, UKVFTA còn tạo lập lợi thế cạnh tranh cho nhiều sản phẩm nông sản, công nghiệp Việt Nam (cà phê, chôm chôm, xoài, vải nhãn, thanh long, dừa, dưa, tôm, cá ngừ, cá xay, gạo thơm, tinh bột sắn; túi xách, ví, cặp, vali, giày bảo hộ và giày thể thao, quần áo…) với các sản phẩm cùng loại đến từ các nước khác như: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Brazil, … Đây là các quốc gia có năng lực sản xuất và thương mại rất mạnh nhưng hiện chưa có Hiệp định thương mại tự do với Anh.

•Những ngành nào sẽ hưởng lợi từ Hiệp định này, thưa bà?

Vương quốc Anh là một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng các mặt hàng từ Việt Nam được hưởng ưu đãi về hạn ngạch thuế quan như: thủy sản, dệt may, giày dép, gạo, rau, quả, gỗ và sản phẩm gỗ… Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, nhu cầu nông sản, thực phẩm, sản phẩm điện tử, đồ vệ sinh, đồ bảo hộ cá nhân, thiết bị y tế, dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ bệnh viện (găng tay nitrate, khẩu trang, quần áo cho nhân viên y tế và bệnh nhân) của thị trường Anh có xu hướng gia tăng.

Đối với BR-VT, các mặt hàng thủy sản, nông sản, sản phẩm giày da, may mặc là những mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế quan rất lớn ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Hơn 1 năm qua, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và châu Âu (EVFTA) đã đem lại những hiệu quả trong hoạt động xuất khẩu. 4 tháng đầu năm 2021, lượng hàng hóa vào thị trường châu Âu tăng đáng kể và chiếm hơn 5,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đối với thị trường Anh kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đã tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tín hiệu đáng mừng cho các DN xuất khẩu BR-VT trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới.

Hiệp định UKVFTA có hiệu lực sẽ giúp các DN xuất khẩu của tỉnh có thêm cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào  vương quốc Anh. Trong ảnh: Công nhân Nhà máy chế biến thủy sản Lộc An, Công ty Baseafood sơ chế cá đục xuất khẩu.
Hiệp định UKVFTA có hiệu lực sẽ giúp các DN xuất khẩu của tỉnh có thêm cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào vương quốc Anh. Trong ảnh: Công nhân Nhà máy chế biến thủy sản Lộc An, Công ty Baseafood sơ chế cá đục xuất khẩu.

•Đâu là những điểm mà DN BR-VT cần cải thiện để tối ưu hóa các lợi thế này?

- Một trong những việc các DN phải làm ngay đó là cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực, sau đó đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường. Các DN cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất…

•Ngành công thương có giải pháp gì để hỗ trợ các DN tận dụng tối đa lợi ích của Hiệp định này?

- Dưới góc độ của ngành, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực thi nhằm bảo đảm tận dụng tối đa cơ hội mang lại từ Hiệp định này, đem lại lợi ích cho người dân và DN. Bên cạnh đó chúng tôi tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ DN thực hiện Hiệp định CPTPP và các Hiệp định thương mại tự do khác, trọng tâm là các giải pháp nhằm hỗ trợ DN thích ứng và ứng phó với những thuận lợi cũng như bất lợi mà các FTA thế hệ mới nói chung và hiệp định UKVFTA nói riêng mang lại. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành tích cực tháo gỡ khó khăn cho DN xuất nhập khẩu, tăng cường hỗ trợ cung cấp thông tin về Vương quốc Anh, tập quán kinh doanh, yêu cầu sản phẩm khi xuất khẩu vào thị trường Anh… Riêng trong năm 2021, Sở Công thương - Thường trực Ban chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh tổ chức nhiều lớp hội thảo, tập huấn về hội nhập kinh tế quốc tế nhằm giúp cho các DN nắm rõ các cam kết quan trọng của Hiệp định, nhận diện được những thách thức và cơ hội kinh doanh, các ưu đãi mà Hiệp định mang lại trong đó có UKVFTA.

•Xin cảm ơn bà!

ĐÔNG HIẾU 

(Thực hiện)

;
.