NGHỀ "VANG BÓNG" TRƯỚC NGUY CƠ MAI MỘT - Kỳ 1: Tiếc về một thời vàng son
Từ cuối thế kỷ XVIII, trong quá trình khai phá vùng đất phương Nam, đã có nhiều luồng dân cư chọn BR-VT làm nơi “an cư lạc nghiệp”. Sự quy tụ dân cư nhiều nơi về sinh sống, kéo theo sự phát triển mạnh của các nghề nông, diêm, ngư nghiệp và thương nghiệp, tiếp đó là hàng loạt các nghề tiểu thủ công nghiệp phục vụ những lĩnh vực này ra đời như đúc đồng, mỹ nghệ, muối, bún…
Để có thêm thu nhập, nhiều hộ làm nghề dệt lưới ở thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức phải nhận gia công thêm các loại lưới công nghiệp. |
TỪ LÚC CẢ LÀNG LÀM NGHỀ...
Ông Dương Văn Lai, ấp An Trung, xã An Nhứt, huyện Long Điền - cơ sở làm nghề đúc đồng duy nhất còn lại ở BR-VT - nhắc đến nghề với nỗi tiếc nuối khôn nguôi. Theo lời kể của ông Lai cũng như các cụ cao niên ở ấp An Trung, nghề đúc đồng ở Long Điền có từ những năm 90 của thế kỷ XVII. Cũng không ai có thể nhớ nổi ông tổ của làng nghề, nhưng thời thịnh vượng, ở làng có hơn 20 hộ làm nghề. “Tiếng chuông, tiếng gõ luôn ngân vang, rộn rã ở làng. Đặc biệt là vào dịp cận Tết, các thương lái tấp nập tìm về để đặt hàng”, ông Lai kể.
Thế nhưng đó là câu chuyện của hơn chục năm về trước. Theo thời gian, những nghệ nhân làm nghề đúc đồng dần bỏ nghề. Sức ép cạnh tranh từ các vật dụng được làm bằng vật liệu hiện đại đã đẩy nghề đúc đồng dần chìm vào quên lãng.
Không chỉ nghề đúc đồng, nhiều nghề truyền thống “vang bóng” cũng đang đứng trước nguy cơ mai một. Nghề sò ốc mỹ nghệ là một ví dụ. Nếu như hơn 30 năm về trước, đây là một nghề mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều gia đình ở TP. Vũng Tàu thì hiện nay, số người còn theo nghề không nhiều. Thống kê cho thấy, từ hơn 20 cơ sở sản xuất thì nay chỉ còn 2. Các nghệ nhân cũng đã lớn tuổi và hầu như rất ít có truyền nhân trong gia đình nối nghiệp. “Thời hoàng kim nhất của nghề sò ốc mỹ nghệ là vào những năm 1985-2000. Lúc đó, du khách đến Vũng Tàu ai ai cũng mua quà lưu niệm là những vỏ ốc, vỏ sò, đồi mồi, tranh sơn mài… Các gian hàng ở Bãi Trước lúc nào cũng tấp nập khách mua”, ông Đặng Tấn Lộc, một chủ cơ sở sò ốc mỹ nghệ tại TP. Vũng Tàu nhớ lại.
Với gần 200 năm tuổi, nghề sản xuất muối An Ngãi được xem là một trong những nghề truyền thống lâu đời nhất trên địa bàn tỉnh. Qua nhiều thế hệ, nghề được lưu truyền “cha truyền con nối”. Theo những người lớn tuổi tại địa phương, nghề muối ở An Ngãi hình thành từ thời Pháp thuộc, phát triển mạnh mẽ và dần nổi tiếng từ đầu thế kỷ XX. Lúc đó, vùng sản xuất muối tại xã An Ngãi thuộc TX. Bà Rịa, tỉnh Phước Tuy cũ. Hiện nay, đây cũng là cánh đồng sản xuất muối lớn nhất của tỉnh.
Ông Huỳnh Văn Thuyết (xã An Ngãi, huyện Long Điền) là truyền nhân đời thứ ba trong gia đình có truyền thống làm muối nổi tiếng ở xã An Ngãi. Theo lời kể của ông Thuyết, ông nội là người đầu tiên trong gia đình làm muối. Sau đó truyền lại cho cha ông và ông là thế hệ thứ 3 tiếp nối nghề làm muối của gia đình hơn 30 năm nay. Ngày trước, công việc làm muối cực nhọc, nhưng bù lại là nguồn thu nhập cao. Thời kỳ hoàng kim của nghề muối, địa phương có hàng trăm hộ làm muối trên 400-500ha, nghề làm muối mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ cho nhiều diêm dân. Thế nhưng đến nay, số diện tích này đã giảm hơn 100ha do nhiều diêm dân đã bỏ nghề muối, chuyển sang nuôi trồng thủy sản hoặc đi làm công việc khác.
Nghề làm bún mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nơi đây. |
... ĐẾN NGÀY ĐỎ MẮT TÌM TRUYỀN NHÂN
Có một thực tế cho thấy, tại các vùng có nghề truyền thống hầu như rất hiếm có người trẻ theo nghề, bám nghề mà chủ yếu là lao động trung niên và cao tuổi. Bà Trương Thị Mỹ Hạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền làm nghề bánh tráng chia sẻ, mỗi ngày để tráng hết 10kg gạo xay bột ra, bà cũng phải dậy từ 3 giờ sáng và ngồi tráng bánh liên tục đến 2 giờ chiều mới nghỉ. Vừa tráng bánh, vừa phơi để đến khoảng giờ chiều có thể kịp đem giao bánh cho các mối đã đặt trước. Công việc “thức khuya dậy sớm”, song thu nhập mỗi ngày của bà chỉ được 170 ngàn đồng. Với số tiền này bà vừa đủ chi phí ăn uống cho gia đình, còn các khoản khác phải trông chờ vào chồng bà kiếm thêm.
Tương tự, với nghề muối, ông Huỳnh Văn Thuyết cho hay, khi giá muối đang ở mức cao, mỗi vụ thu hoạch ông có thể thuê đến hàng chục nhân công, việc thu hoạch muối chỉ kéo dài từ 1-2 tiếng. Song vài năm trở lại đây, mỗi vụ muối ông chỉ thuê được khoảng 10 nhân công, khiến việc thu hoạch kéo dài, chi phí tăng lên cao, lợi nhuận không còn được bao nhiêu. Bản thân gia đình ông 3 đời làm muối, song đến thế hệ sau có nguy cơ thất truyền vì các con ông đều đi làm thành phố, không ai còn theo nghề. “Nghề muối vất vả, đòi hỏi phải có sức khỏe, song hiện lao động chủ yếu là trung niên, hầu như không có người trẻ. Công việc vất vả, trong khi thu nhập thấp là nguyên nhân chủ yếu khiến người trẻ không còn mặn mà với nghề làm muối truyền thống”, ông Thuyết cho hay.
Còn theo anh Trần Quốc Long, thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, gia đình anh có truyền thống dệt lưới gần 30 năm. Nhà có 5 anh em, nhưng anh là người duy nhất nối nghiệp từ ba mẹ. Bản thân dù rất muốn gìn giữ và theo nghề truyền thống của gia đình, nhưng nghề dệt lưới không còn thuận lợi như trước kia. Việc dệt lưới vẫn chủ yếu theo phương pháp thủ công truyền thống, không được đầu tư máy móc, sản phẩm khó cạnh tranh với các sản phẩm dệt công nghiệp trên thị trường, dẫn tới thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Trong khi nghề dệt lưới lại mất khá nhiều thời gian, gò bó. Do đó, dù đã gắn bó được vài năm, nhưng hiện anh Long đang có ý định bỏ nghề để đi làm công nhân trong KCN, thu nhập cao và ổn định hơn.
Bà Lê Thị Hoàng Oanh, Chủ tịch UBND xã An Ngãi, huyện Long Điền cho biết: Trên địa bàn xã có 2 làng nghề truyền thống là nghề làm bánh tráng và sản xuất muối lâu đời, đã được UBND tỉnh công nhận. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan về thị trường, giá cả và quá trình đô thị hóa khiến 2 làng nghề hiện nay đang có nguy cơ mai một. “Ngoài diện tích bị thu hẹp, khó khăn nhất của các làng nghề tại địa phương hiện nay vẫn là đầu ra sản phẩm, sức cạnh tranh thấp, khiến việc tiếp nối nghề giữa các thế hệ ngày càng ít dần”, bà Oanh khẳng định.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU
-----
Nghề truyền thống là bằng chứng sinh động về đời sống kinh tế, văn hóa từ ngày mở đất, lập làng
Nghề truyền thống vừa là di sản văn hóa vật thể, vừa là giá trị văn hóa phi vật thể, cần được bảo tồn những giá trị quý giá của cha ông ta để lại. Đồng thời từ đó đề ra một số biện pháp khôi phục, bảo tồn, tạo ra những sản phẩm mới phục vụ cho du lịch, xuất khẩu… Qua điều tra khảo sát trên địa bàn tỉnh, các nhà nghiên cứu Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã thu được một khối lượng tài liệu, hiện vật phong phú bao gồm các loại hình, chất liệu: đồ đá, đồ gốm, đồ gỗ, kim loại từ các nghề truyền thống. Những tư liệu vật chất thu được từ những đợt sưu tầm này đã khai mở và làm phong phú thêm nhận thức của chúng ta về một loại hình di sản văn hóa phi vật thể, cùng những bằng chứng về sinh hoạt đời sống, kinh tế, văn hoá vật chất, tinh thần của những lớp cư dân người Việt đầu tiên trên vùng đất BR-VT, thời kỳ khai phá mở đất (từ thế kỷ XVII đến nay). Cùng với những phát hiện về khảo cổ học tiền sơ sử, lịch sử ở BR-VT, kết quả thu được từ khảo sát, sưu tầm hiện vật đã góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu văn hoá phi vật thể BR-VT và Đông Nam Bộ.
Vất vả, trong khi thu nhập thấp khiến nghề bánh tráng An Ngãi đang đứng trước nguy cơ mai một vì không có người kế tục. Trong ảnh Bà Trương Thị Mỹ Hạnh, ấp An Hòa, xã An Ngãi, huyện Long Điền đang phơi bánh. |
Các nghề truyền thống tiêu biểu của người Việt ở BR-VT, bao gồm: nông nghiệp (nghề nông); ngư nghiệp (nghề cá); diêm nghiệp (nghề muối); nghề chế biến; nghề thủ công mỹ nghệ. Để nghiên cứu nghề truyền thống có thể dựa trên tiêu chí phân loại theo đặc điểm kinh tế – xã hội. Trong khoảng thời gian nhiều thế hệ đời người tiếp nối nhau làm một nghề cố định và nguồn sống chính của họ là do nguồn lợi kinh tế của nghề nghiệp đó mang lại, thì có thể gọi đó là nghề truyền thống. Trên cơ sở xác định nghề thủ công truyền thống là một bộ phận cấu thành nên làng xã cổ truyền của người Việt, cho nên cần đặt các nghề truyền thống trong môi trường nông thôn thời trung đại (thời khai phá mở đất thế kỷ XVII- giữa thế kỷ XIX), nhưng không tách rời một cách cô lập, mà luôn có mối tương quan với nghề nông (nghề truyền thống cơ bản) và hoạt động thương mại ở nông thôn.
Các nghề truyền thống ở BR-VT có những giá trị lịch sử - văn hoá quan trọng. Thực tiễn tình hình hiện nay hoạt động bảo tồn và phát huy tác dụng các giá trị di sản văn hoá phi vật thể đó đang có những thuận lợi, và khó khăn nhất định. Do vậy, ngoài việc đề cập đến thực trạng các nghề truyền thống hiện nay cần xây dựng đề án định hướng bảo tồn, phát huy các nghề truyền thống ở BR-VT trong thời gian tới.
(Nguồn: Bảo tàng Tổng hợp tỉnh)