"Luồng gió mới" trong sản xuất nông nghiệp
Mô hình HTX kiểu mới đang dần được nông dân tin tưởng. Bởi ở đó, họ không quá lo về đầu ra cho sản phẩm, mà lại còn được hỗ trợ tối đa về mọi mặt.
Sản phẩm bưởi da xanh của HTX Bưởi da xanh Sông Xoài, TX. Phú Mỹ được khách hàng ưa chuộng. Trong ảnh: Vườn bưởi của gia đình ông Hồ Hoàng Kha, thành viên HTX. |
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM
Đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh khó kiểm soát, năm 2019, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (phường Long Hương, TP. Bà Rịa đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để triển khai mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho các thành viên. HTX đã sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín trong nhà màng. Công nghệ này lần đầu tiên được áp dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT. Sau hơn 1 năm nuôi thử nghiệm, mô hình đã có những thành công bước đầu, mở ra hướng đi mới cho ngành nuôi tôm của địa phương, đặc biệt là xuất khẩu. Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, phường Long Hương, TP. Bà Rịa cho biết: Được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển Liên minh HTX, HTX Quyết Thắng đã quy hoạch và tận dụng khoảng 2ha nuôi tôm công nghệ cao, với 2 khu nuôi, mỗi khu 4 hồ nuôi (500m2), 2 ao thải và 3 ao lắng. Với công nghệ RAS, nước được đưa vào các ao xả, xử lý hóa chất, chảy qua các hàng lưới, lắng từ từ để loại các chất hữu cơ lơ lửng và kim loại nặng, sau đó được xử lý diệt khuẩn hoàn toàn trước khi cấp vào các ao nuôi. Nguồn nước thải ra từ các ao nuôi được tuần hoàn qua hệ thống ao lắng, hồ lọc. Sau khi đạt đủ điều kiện, nguồn nước này được đưa trở lại ao nuôi tái sử dụng.Vì chất lượng nguồn nước, các thông số kỹ thuật như độ mặn, tỷ lệ oxy trong nước được kiểm soát nên công nghệ nuôi này giúp tôm có tỷ lệ hao hụt thấp, năng suất gấp nhiều lần nuôi bình thường, chất lượng bảo đảm và không gây ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải.
Hiện HTX đang nuôi 3 vụ/năm, năng suất đạt 20-25 tấn/vụ/khu, doanh thu hàng năm khoảng 8 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về từ 2-3 tỷ đồng. Mô hình nuôi tôm theo công nghệ tuần hoàn nước RAS của HTX Nông nghiệp Quyết Thắng đang mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng, giúp người nuôi phần nào yên tâm trước sự biến đổi khó lường của thời tiết, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một diện tích đất...
Trong khi đó, năm 2013, HTX Bưởi da xanh Sông Xoài TX. Phú Mỹ được thành lập, đến nay đã thu hút 120 thành viên là nhà vườn trồng bưởi da xanh với diện tích gần 150ha. Để các hội viên yên tâm sản xuất HTX vừa cung cấp giống, vừa tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho nhà vườn để trồng bưởi và thu mua sản phẩm khi thu hoạch. Về phía nhà vườn, phải tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng, an toàn, không có dư lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Ngoài ra, HTX cũng thường xuyên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm theo hình thức nhỏ giọt. Nhờ cách làm này, năng suất bưởi đạt từ 20 tấn/ha/năm.
Theo tính toán của các hộ dân, bình quân 1ha bưởi da xanh sau khi trừ các chi phí, chủ vườn thu trên dưới 600 triệu đồng. Nhờ có chứng nhận VietGAP, bưởi da xanh Sông Xoài hiện đã có thương hiệu nên giá bán được niêm yết ổn định và tạo dựng được thị trường riêng. Hiện nay, bưởi của HTX không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước thông qua các đại lý siêu thị như Co.op Mart BR-VT, mà HTX còn nhận được nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu đi nước ngoài.
MỞ RỘNG LIÊN KẾT SẢN XUẤT THEO CHUỖI GIÁ TRỊ
Theo Liên minh HTX tỉnh, trong những năm qua, nhiều mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa đã mang đến nhiều cách làm hay, sáng tạo. Các HTX đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô hoạt động, xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh tốt như HTX Nông nghiệp Công nghệ cao BR – VT; HTX Nông nghiệp dịch vụ - Du lịch Bàu Mây; HTX Nông nghiệp Thái Dương… Các HTX tham gia mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị đã giúp cho HTX tiết kiệm được chi phí sản xuất, kiểm soát được hàng hóa của đơn vị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc tổ chức sản xuất cho các thành viên, đã tranh thủ được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để nâng cao chất lượng sản phẩm đưa sản phẩm của HTX ngày càng đến gần với người tiêu dùng hơn.
Trên thực tế, thời gian qua Liên minh HTX tỉnh đã đứng ra làm cầu nối, định hướng hỗ trợ các HTX trên địa bàn tỉnh xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh nhiều loại nông sản chưa tìm được đầu ra ổn định thì các thành viên HTX nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt (huyện Long Điền) đã phần nào yên tâm vì HTX đã đảm nhận khá tốt vai trò là cầu nối giữa nông dân và DN. Theo đó, trong năm 2020, HTX đã ký hợp đồng liên kết với DN Tập đoàn Lộc Trời để cung ứng giống mới, vật tư phục vụ sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật thâm canh và bao tiêu sản phẩm lúa cho 41ha diện tích của HTX trong vụ Đông Xuân 2020-2021. Ngoài hỗ trợ về kỹ thuật, giống, cán bộ hướng dẫn..., DN cam kết, giá lúa thu mua sẽ luôn cao hơn giá thị trường. Việc liên kết đã giúp các thành viên trong HTX yên tâm sản xuất, không còn nối lo về “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, phụ thuộc vào thương lái như trước đây.
Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như nhà kho, máy cày, máy gặt đập liên hiệp, máy sấy để phục vụ sản xuất lúa của các thành viên. Trong năm 2021, HTX cùng Tập đoàn Lộc Trời đã đưa vào sử dụng thiết bị máy bay không người lái để phun thuốc BVTV, giúp giảm chi phí, thời gian và bảo vệ sức khỏe cho người nông dân. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, phương thức sản xuất mới đang làm thay đổi tư duy sản xuất của thành viên HTX và người nông dân, các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường được người dân chú trọng hơn; đồng thời, giúp DN chủ động nguồn hàng, kiểm soát được chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng.
Cuối tháng 3 vừa qua, Liên minh HTX tỉnh cùng Liên minh HTX tỉnh Bình Phước đã ký kết chương trình phối hợp về phát triển HTX kiểu mới gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn giữa 2 địa phương. Theo đó, chương trình phối hợp sẽ tập trung vào việc xây dựng các mô hình HTX phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị phù hợp với thế mạnh đặc thù của hai tỉnh; hỗ trợ, tư vấn các HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực của hai tỉnh, kết hợp với việc xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ, tạo điều kiện để các HTX tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại; giới thiệu để các HTX đã ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và kinh nghiệm vào hoạt động sản xuất, chế biến của HTX của hai tỉnh chuyển giao cho nhau.
Ngoài đẩy mạnh liên kết sản xuất, Liên minh HTX còn tích cực chuyển giao khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào trong quá trình sản xuất. Tháng 4/2020, Liên minh HTX tỉnh phối hợp cùng Viện Phát triển kinh tế hợp tác của Liên minh HTX Việt Nam, thực hiện dự án sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị. Trong quá trình triển khai, Viện phát triển kinh tế hợp tác đã tư vấn nâng cao năng lực quản trị, hoàn thiện bộ máy, liên kết HTX với các tổ chức kinh tế để đẩy mạnh hợp tác, kết nối thị trường, công nghệ… theo chuỗi giá trị. Chương trình cũng đã hỗ trợ cho HTX nông nghiệp Thái Dương buồng sấy bơm nhiệt trị giá 320 triệu đồng. Nhờ vậy, sản phẩm của HTX Nông nghiệp Thái Dương được cải tiến, phong phú và đa dạng hơn.
|
Ông Nguyễn Ngọc Thương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Ngoài mở rộng về quy mô HTX, thực hiện Quyết định số 284/QĐ-LMHTXVN về việc ban hành Quy chế hỗ trợ HTX và xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị Liên minh HTX đã tuyên truyền vận động các HTX trên địa bàn xây dựng, hoàn thiện các chuỗi giá trị trong sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mình, mang lại hiệu quả cao nhất cho thành viên. Bên cạnh đó, phát triển các HTX gắn với chuỗi giá trị trong nông nghiệp, bảo đảm lợi ích của chủ thể tham gia; các HTX nông nghiệp chuyên sâu gắn với các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn; các HTX ứng dụng khoa học công nghệ cao gắn với sản phẩm OCOP của tỉnh. “Để thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh, các cơ quan quản lý, tư vấn, hỗ trợ HTX cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các HTX về trình độ quản lý, kỹ năng phối hợp tiêu thụ sản phẩm, quản trị kinh doanh. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản”, ông Thương nhấn mạnh.
Bài, ảnh: KIM HỒNG
100 % HTX chuyển đổi, tổ chức theo Luật HTX 2012
Đội tàu của HTX Dịch vụ khai thác thủy sản Quyết Thắng, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền không ngừng phát triển. Trong ảnh: Ông Nguyễn Trính, Giám đốc HTX cùng các thành viên kiểm tra tàu. |