.

Tàu biển áp đặt chi phí, doanh nghiệp tìm cách xoay xở

Cập nhật: 20:41, 02/03/2021 (GMT+7)

Từ cuối năm 2020 đến nay, chi phí logistics liên tục tăng cao và chưa thấy có dấu hiệu chấm dứt, khiến cho các DN xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Thiếu container rỗng là một trong những lý do các hãng tàu tăng cước vận tải. Vì vậy, đã đến lúc nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để kích thích  các DN trong nước sản xuất và xuất khẩu container. Trong ảnh: Bãi chứa container của Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép.
Thiếu container rỗng là một trong những lý do các hãng tàu tăng cước vận tải. Vì vậy, đã đến lúc nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để kích thích các DN trong nước sản xuất và xuất khẩu container. Trong ảnh: Bãi chứa container của Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép.

PHÍ CHỒNG PHÍ

Nhiều DN xuất khẩu cho biết, từ tháng 1/2021, các hãng tàu CMC, Yang Ming, CMA, CGM, OOCL, Wan Hai, Mearsk Line, Cosco, ZIM đã đồng loạt tăng giá vận chuyển một container 40 feet đi châu Âu, Mỹ, Canada… thêm từ 4.000 đến 5.500 USD/container. Với mức tăng như trên, cước vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Mỹ và Canada tăng lên 6.000 USD/container. Các tuyến xuất khẩu sang thị trường châu Âu tăng lên 8.000 USD/container. Chưa dừng lại đó, mới đây, nhiều hãng tàu tiếp tục thông báo tăng giá cước vận chuyển container tăng thêm 1.000 USD/container. Giá cước vận tải tăng nhưng giá hàng hóa không tăng, khiến DN xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Trung, đại diện Công ty TNHH Hồng Nga Sài Gòn - một DN chuyên xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản qua cảng Cái Mép cho biết: “Bình quân một tháng, DN xuất khẩu khoảng 100 container. Với mức tăng phí như trên, bình quân mỗi tháng DN phải “gánh” chi phí phát sinh trên dưới 1 tỷ đồng.  Mức tăng quá lớn, nhưng DN vẫn phải chịu lỗ để xuất hàng đi vì đơn hàng đã ký với đối tác phải thực hiện đúng cam kết. Hiện DN vẫn chưa dám ký các đơn hàng mới vì cước vận tải biển vẫn đang trên đà tiếp tục tăng”.

Không chỉ giá cước, các hãng tàu còn các phụ phí như: phí vệ sinh container 800 ngàn đồng/container 40 feet; phí DO (phí lệnh giao hàng) 800 đồng/container 40 feet, phí khai trọng lượng 700 ngàn đồng/container 40 feet… Theo các DN xuất khẩu hàng đông lạnh, ngoài các phụ phí trên, có một số hãng tàu chỉ đóng phí cắm điện cho cảng  60.000 đồng/giờ/container. Nhưng một số hãng tàu áp dụng thu tiền điện của DN với mức thu tính theo ngày với giá 35 USD/ngày dù container chỉ cắm điện vài giờ ở cảng. 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết thêm, cuối tháng 10/2020, nhiều hãng tàu đồng loạt gửi thông báo yêu cầu tăng phụ phí Rate Retoration (phụ phí phục hồi mức cước) từ 50-200 USD/container đối với hàng container xuất khẩu từ Việt Nam đi các thị trường châu Á. Ngoài ra, hãng tàu Yaming Shipping Vietnam cũng ra thông báo tăng phí phụ phí mùa cao điểm từ 150-450 USD/container. Tình trạng “phí chồng phí” đã đẩy chi phí logistics tăng cao, tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của DN Việt trên thị trường thế giới.

Các hãng tàu ngoại liên tục tăng phí khiến DN vận tải lao đao.  Trong ảnh: Tàu CMA CGM cập Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) làm hàng.
Các hãng tàu ngoại liên tục tăng phí khiến DN vận tải lao đao.  Trong ảnh: Tàu CMA CGM cập Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) làm hàng.

PHẢI CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Liên quan đến việc tăng giá cước vận tải container, đại diện các hãng tàu lý giải do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến việc giải phóng hàng và quay vòng container rỗng bị kéo dài. Tình hình này còn kéo dài đến hết tháng 3, thậm chí có thể đến quý II năm nay do dịch bệnh vẫn phức tạp.

Theo Hiệp hội Logistics Việt Nam, hiện có khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, vận chuyển khoảng 88% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam đi quốc tế. Đáng chú ý, 100% lượng hàng đóng bằng container đều do tàu nước ngoài vận chuyển. Như vậy, việc quyết định giá cước nằm ở tay các hãng nước ngoài, DN xuất khẩu Việt Nam hoàn toàn bị động.  

Liên quan đến việc các DN xuất khẩu Việt Nam gặp nhiều khó khăn vì tình trạng thiếu hụt container rỗng, cộng thêm giá thuê container gấp 6-7 lần, thậm chí gấp chục lần so với trước đây, Cục Hàng hải Việt Nam vừa ban hành Quyết định về việc thành lập tổ công tác kiểm tra về giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển.

Tổ công tác sẽ có nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành quy định về niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển theo quy định tại Nghị định số 146/2017 của Chính phủ về niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển; xử lý hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 142/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

Hiện tại, để giải quyết tình trạng khó khăn trước mắt, các DN đã chủ động thực hiện cắt giảm chi phí sản xuất. Cùng đó, thay vì đẩy mạnh hàng vào thị trường Mỹ, Canada, họ tìm kiếm thêm thị trường gần hơn như: Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, để giảm chi phí vào logistics, dòng tiền quay vòng nhanh hơn. Ngoài ra, DN còn chủ động đàm phán với khách hàng để giãn tiến độ giao hàng hoặc sử dụng các phương tiện khác thay thế. Hiện đi EU không chỉ có đường biển mà có đường sắt liên vận qua Trung Quốc, Belarus, qua Nga để đến châu Âu. Trong một số trường hợp, DN cũng có thể sử dụng đường hàng không, hoặc hàng không kết hợp đường biển.

Bài, ảnh: THỤY NHIÊN

 
.
.
.