.

Giá thức ăn tăng, người chăn nuôi lo lắng

Cập nhật: 19:10, 17/03/2021 (GMT+7)

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng mạnh, kéo theo giá thành sản phẩm chăn nuôi tăng theo, khiến người chăn nuôi lo lắng.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi gà của hộ ông Đỗ Văn Tam, ở ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi gà của hộ ông Đỗ Văn Tam, ở ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức.

Ông Đoàn Thanh Thủy (ấp Đông Linh, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) cho biết, để nuôi một con heo đạt 100kg, trung bình phải tiêu thụ hơn 10 bao thức ăn loại 25kg/bao, trị giá khoảng 3 triệu đồng. Đó là chưa kể chi phí vaccine phòng bệnh, hóa chất vệ sinh khử trùng tiêu độc... Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến ông Thủy cũng như nhiều hộ chăn nuôi heo khác rơi vào khó khăn. 

Theo ông Thủy, mặc dù giá heo đang ở mức khá cao (74-76 ngàn đồng/kg heo hơi) nhưng nhiều hộ không dám mạo hiểm tái đàn, tăng đàn. Đa số các hộ chỉ chăn nuôi cầm chừng, bởi việc tái đàn, tăng đàn trong giai đoạn này gặp nhiều rủi ro khi heo giống đang khá đắt đỏ, khoảng 2,5-3 triệu đồng/con. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. “Do vậy, người chăn nuôi phải dè chừng, sợ đầu tư nhiều, giá heo giảm, dịch bệnh sẽ vướng nợ”, ông Thủy nói. 

Các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cho biết, giá thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm bắt đầu tăng mạnh từ những tháng cuối năm 2020 đến nay. Với nhiều đợt tăng liên tiếp, trung bình mỗi lần tăng từ 5-10 ngàn đồng/bao loại 25kg, đến thời điểm này, mức chênh lệch đã lên đến 40-45 ngàn đồng/bao so với trước đó. Hiện tại, giá cám gia cầm đang ở mức 265-280 ngàn đồng/bao; giá cám gia súc 290-300 ngàn đồng/bao. 

Trong đợt Tết Tân Sửu, ông Đỗ Văn Tam, ở ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức xuất bán khoảng 10 ngàn con gà thịt. Sau khi khấu trừ chi phí, ông thu về gần 200 triệu đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, từ những tháng cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến lợi nhuận từ việc nuôi gà của gia đình ông giảm mạnh. Hiện ông Tam đang nuôi khoảng 45 ngàn con. Theo tính toán của ông Tam, với mức giá thức ăn như hiện nay, trung bình 1.000 con tiêu tốn gần 100 triệu đồng chi phí (con giống, thức ăn, thuốc men…), trong khi giá gà chỉ ở mức 48-58 ngàn đồng/kg, thì ông Tam chỉ hòa vốn. “Do nuôi số lượng lớn nên gia đình tôi lấy cám trực tiếp từ công ty. Với giá bán ra hiện nay, tôi chỉ hòa vốn, còn người chăn nuôi lấy cám từ đại lý thì đang thua lỗ với mức từ 5-8 triệu đồng/1.000 con”, ông Tam tính toán.

Cũng trong tình cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá bán trứng thấp nên gia đình bà Lê Thị Ni (ấp Phước Trinh, xã Tam Phước, huyện Long Điền) đang chăn nuôi trong tâm trạng phập phồng lo thua lỗ. Hiện nay, giá bán trứng vịt loại 1 chỉ 18 ngàn đồng/chục; loại 2 từ 15-16 ngàn đồng/chục, giảm khoảng 5.000 đồng/chục so với thời điểm tháng trước Tết. Bà Ni cho hay, nếu giá trứng tiếp tục giảm, thì việc thua lỗ là tất yếu. 

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, tính đến đầu tháng 3/2021, tổng đàn heo của tỉnh có khoảng 415 ngàn con, tăng 5,9% so với cùng kỳ; tổng đàn gia cầm 5,9 triệu con, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang trên đà phục hồi sau dịch bệnh. Giá các sản phẩm thịt, nhất là thịt heo đang ở mức cao nên người chăn nuôi vẫn còn có lãi. Tuy nhiên, trong thời gian tới, diễn biến thị trường sẽ rất khó đoán khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Do vậy, các ngành chức năng cần có giải pháp bình ổn thị trường đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi, góp phần hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn này.

 Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

.
.
.