.

Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải phải phát triển tầm cỡ quốc tế

Cập nhật: 17:04, 20/03/2021 (GMT+7)

    Chính phủ đánh giá cao sự phát triển của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải trong những năm qua. Để cụm cảng phát huy vai trò cảng trung chuyển quốc tế, Chính phủ ủng hộ các đề xuất sớm triển khai đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, hoàn thành xây dựng cầu Phước An, hình thành trung tâm logistics Cái Mép Hạ…

Toàn cảnh buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc giữa Đoàn Công tác của Chính phủ với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh quý I/2021 diễn ra sáng 20/3.

Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đại diện các bộ, ngành trung ương.

Về phía tỉnh BR-VT có ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh.

KIẾN NGHỊ KẾT NỐI HẠ TẦNG CẢNG

Báo cáo với Đoàn Công tác, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ, 3 tháng đầu năm, dù một số tỉnh, thành phát sinh các ổ dịch COVID-19 với diễn biến phức tạp, đã tác động không nhỏ đến đời sống và hoạt động kinh tế trong nước, nhưng nhờ làm tốt công tác phòng dịch, đồng thời ổn định các hoạt động sản xuất nên kinh tế-xã hội BR-VT vẫn duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với Đoàn Công tác.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với Đoàn Công tác.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Việc chăm lo đời sống nhân dân được thực hiện tốt góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí tăng 7,3%; nông nghiệp tăng 3,4% và ngư nghiệp tăng 4,19%; doanh thu dịch vụ cảng tăng 9,59%; kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 25,62% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ du lịch tăng 8,6%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước khoảng 20.272 tỷ đồng, đạt 30,76% dự toán năm. Trong đó: thu ngân sách nội địa 10.996 tỷ đồng đạt 30,8% dự toán. Trong 3 tháng đầu năm, có 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 17,3 triệu USD và 7 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 1.433 tỷ đồng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Thọ cho biết thêm, Đảng bộ tỉnh BR-VT xác định tập trung phát triển các ngành kinh tế trụ cột của địa phương là công nghiệp, hệ thống cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, vấn đề khai thác và phát huy hệ thống cảng biển, tăng cường kết nối với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ được coi là then chốt trong giai đoạn tới.

Tàu của hãng CMA CGM cập cảng Gemalink làm hàng vào sáng 20/3
Tàu của hãng CMA CGM cập cảng Gemalink làm hàng vào sáng 20/3

Ông Nguyễn Văn Thọ kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối đến cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải (CM-TV), kết nối đường bộ với hệ thống đường cao tốc, cầu Phước An để phát huy vai trò hệ thống cảng nước sâu khu vực CM-TV, tạo động lực tăng trưởng và nâng cao hiệu quả tăng trưởng chung của toàn vùng.

Tỉnh BR-VT cũng kiến nghị Chính phủ xem xét giảm phí và lệ phí hàng hải đối với các phương tiện ra vào khu vực cảng CM-TV; không gia hạn thu phí trên Quốc lộ 51 sau khi hết hạn nhằm giảm chi phí vận chuyển logistics; xem xét chấp thuận Trung tâm logistics Cái Mép Hạ là trung tâm logistics hạng I thuộc vùng Đông Nam Bộ; rút ngắn thủ tục, thời gian cấp phép cho nhu cầu đổ bùn nạo vét luồng hàng hải và khu nước trước bến cảng; chấp thuận đầu tư điện lưới quốc gia cho Côn Đảo.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đại diện các cảng: Gemalink (Công ty CP Gemadept), CMIT (Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép) và Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cho nạo vét sông Thị Vải đạt độ sâu mớn nước tối thiểu 15,5m để đón được tàu tải trọng lớn. Cùng với đó là sớm xây dựng tuyến đường sắt kết nối khu cảng với đường sắt quốc gia, vì hiện nay lượng hàng hóa tại khu vực CM-TV phải đưa vào TP. Hồ Chí Minh làm thủ tục hải quan còn quá lớn (hơn 90%), làm tăng chi phí logistics; kết nối Cái Mép với các cảng sông ở TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Lào, Campuchia và Thái Lan.

Đại diện Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cho nạo vét sông Thị Vải đạt độ sâu mớn nước tối thiểu 15,5m để đón được tàu tải trọng lớn.
Đại diện Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cho nạo vét sông Thị Vải đạt độ sâu mớn nước tối thiểu 15,5m để đón được tàu tải trọng lớn.

PHÁT TRIỂN CÁI MÉP-THỊ VẢI THÀNH CẢNG QUỐC TẾ

Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu để thúc đẩy giao thương cho cụm cảng CM-TV là cần kíp. Tổng mức đầu tư tuyến đường này dự kiến hơn 19 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn huy động hơn 12 ngàn tỷ đồng, ngân sách chỉ phải bố trí hơn 6.770 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng. Bộ GT-VT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT ghi vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án.

Về độ sâu luồng vào cụm cảng CM-TV, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng hiện mới đạt 14,5m, nên chỉ có thể đón tàu 100 ngàn tấn. Do vậy, Bộ GT-VT ủng hộ việc nạo vét để đạt độ sâu tối thiểu 15,5m, giúp cụm cảng đón tàu siêu trọng tải, nâng khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Về vấn đề phát triển hàng hóa và đẩy nhanh tiến độ thông qua hàng hóa tại cụm cảng trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ đã hợp đồng mua 2 máy soi container hiện đại cho cụm cảng CM-TV. Dự kiến, cuối quý 3, Bộ sẽ bàn giao và lắp đặt ở vị trí thuận lợi nhất cho cụm cảng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tốc độ tăng trưởng của các cảng biển ở BR-VT trên 20%/năm là rất đáng mừng. Thủ tướng kỳ vọng cụm cảng CM-TV phát triển ngang tầm khu vực vào năm 2030, cạnh tranh ngang hàng với Singapore và trở thành một đầu mối cảng biển đẳng cấp thế giới vào năm 2045.

Để đạt được điều đó, Thủ tướng giao Bộ GT-VT, Bộ KH-ĐT và tỉnh BR-VT tập trung mọi biện pháp để phát triển hệ thống cảng biển và logistic tại BR-VT. Thủ tướng đồng ý ưu tiên nạo vét đoạn luồng từ phao “số 0” đến cụm cảng CM-TV đạt độ sâu đến 15,5m.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu đáp từ, cảm ơn sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Công tác đối với sự phát triển của BR-VT.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu đáp từ, cảm ơn sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Công tác đối với sự phát triển của BR-VT.

Thủ tướng cũng đồng ý việc tổ chức các tuyến đường thủy nội địa kết nối với khu vực, đặc biệt là với Đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch hệ thống bến bãi gom hàng, cảng cạn, thực hiện dịch vụ logistics; ủng hộ đề xuất sớm triển khai đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hoàn thành xây dựng cầu Phước An (đã được ghi vốn); ưu tiên đầu tư trung tâm logistics Cái Mép Hạ để thúc đẩy dịch vụ cảng tại Cái Mép; nghiên cứu xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay quốc tế Long Thành và cảng CM-TV nhằm kết hợp vận tải giữa hàng không và đường thủy.

Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh BR-VT được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 4694/QĐ-BCT ngày 1/12/2016 dự báo nhu cầu cấp điện cho huyện Côn Đảo đến năm 2025 là 21MW, năm 2030 là 33,3MW và đến năm 2035 là 46,4MW. Tuy nhiên, nguồn điện cung cấp cực đại hiện nay trên địa bàn Côn Đảo chỉ đạt 11,8MW.

Tại buổi làm việc, ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công thương địa phương - Bộ Công thương cho biết, Bộ đã tính toán phương án đưa điện lưới quốc gia ra đảo bằng đường dây 110KV kéo từ trạm 220kV Vĩnh Châu, Sóc Trăng xuyên biển ra Côn Đảo. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 4.806 tỷ đồng.

Để hàng hóa thông qua cụm cảng nhanh chóng, thuận lợi, Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm hình thành trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung với trang thiết bị hiện đại, đầy đủ. Trong quy hoạch TX. Phú Mỹ và TP. Vũng Tàu, tỉnh BR-VT cần lưu ý hệ thống đại lý vận tải biển, các nhà khai thác, trung chuyển, các đại lý bảo hiểm, dịch vụ tài chính ngân hàng, tạo nền tảng kết nối giữa cảng biển và các chủ tàu, các nhà cung cấp dịch vụ. Thủ tướng cũng lưu ý đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phát triển cảng theo chiều sâu, đầu tư cảng xanh, cảng thông minh, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên đất, phát triển cảng lớn với tính chất tập trung để định hướng cho phát triển hạ tầng giao thông kết nối.

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

 

 

.
.
.