.

Sản xuất an toàn, hồ tiêu gia tăng giá trị

Cập nhật: 18:59, 04/01/2021 (GMT+7)

Việc xây dựng vùng trồng hồ tiêu an toàn, đạt chuẩn GlobalGAP (sản xuất nông nghiệp sạch) đã cho thấy hiệu quả chống chọi dịch bệnh và cho sản lượng ổn định, chất lượng tốt, từng bước đáp ứng thị trường xuất khẩu khó tính.

Mô hình trồng tiêu an toàn sinh học của ông Nguyễn Đình Mân (bên phải).
Mô hình trồng tiêu an toàn sinh học của ông Nguyễn Đình Mân (bên phải).

Năm 2016, ông Nguyễn Đình Mân (ấp Phú Quý, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) tham gia dự án sản xuất tiêu an toàn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Ông Mân được tập huấn kỹ thuật canh tác hồ tiêu bền vững, áp dụng bộ quy tắc quốc tế về quy trình sản xuất hồ tiêu an toàn và kỹ thuật thu hoạch, phơi sấy, bảo quản hồ tiêu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhờ đó, 1,5ha hồ tiêu của gia đình ông cho năng suất 15 tấn, cao hơn 1-2 tấn so với trước. “Tham gia dự án, chúng tôi được DN bao tiêu đầu ra và còn được công ty thưởng thêm từ 1.000-2.500 đồng/kg. Thu nhập tăng lên là động lực để chúng tôi phát triển sản xuất hồ tiêu theo hướng an toàn sinh học”, ông Mân nói thêm.

Tại huyện Châu Đức, từ năm 2015, Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức đã phối hợp với Công ty TNHH Olam, Công ty TNHH Gia vị Việt Nam và Công ty TNHH Harris Freeman phát triển mô hình liên kết giữa nhà quản lý - nhà khoa học - nhà sản xuất - nhà chế biến, tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu. Từ 100 hộ tham gia, đến nay mô hình đã thu hút hơn 1.000 hộ. Chất lượng hồ tiêu cũng được cải thiện rõ rệt qua từng năm.

Thông qua mô hình này, nông dân đã biết quan tâm đến môi trường sản xuất, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững qua việc thực hành tiêu chuẩn GlobalGAP, hình thành thói quen ghi chép hồ sơ sản xuất nhằm truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. Hàng năm, nông dân đăng ký diện tích sản xuất và sản lượng trước khi bắt đầu vụ thu hoạch, mỗi hộ được cung cấp một mã số riêng, cung cấp bao đóng gói sản phẩm tiêu sạch dựa trên sản lượng đăng ký, đóng gói và ghi ký hiệu mã số nông hộ trên bao bì nhằm bảo đảm sản lượng và chất lượng, có thể truy xuất để nhận thưởng khi đạt mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép do thị trường châu Âu hoặc Nhật Bản quy định. Kết quả, 54,4% sản phẩm có chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường châu Âu; 37,4% sản phẩm có chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường Nhật Bản; 9,18% được xuất sang thị trường Trung Quốc...

Gia đình ông Đoàn Quốc Khanh (xã Sơn Bình) là một trong những hộ trồng tiêu đầu tiên tham gia mô hình. Trong quá trình trồng tiêu, ông Khanh được hướng dẫn sử dụng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc hữu cơ như tự ủ phân bò, đốt tro củi làm phân bón đất, trồng đậu phộng trong vườn giữ ẩm cho đất và hạn chế cỏ mọc. Nhờ đó, vườn hồ tiêu của ông phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất ổn định. Trung bình mỗi vụ, vườn hồ tiêu của ông đạt sản lượng 3 tấn/ha.

Giai đoạn 2018-2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng được 6 mô hình sản xuất hồ tiêu an toàn, hiệu quả và liên kết sản xuất tiêu thụ tại các xã Bình Trung, Sơn Bình (huyện Châu Đức) và xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc trên diện tích 78,33ha với 120 hộ tham gia. Sau 3 năm thực hiện dự án, hồ tiêu sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cao hơn trồng đại trà, nông dân tiếp cận được khoa học, kỹ thuật trong việc chăm sóc hồ tiêu bền vững, an toàn. Kết quả, tổng sản lượng thu hoạch của dự án đạt 235 tấn, năng suất tăng 2,4%. Nông dân thu lãi 48,1 triệu đồng/ha. Sản phẩm được các DN như Công ty TNHH Nông nghiệp Lâm San (Đồng Nai) và Công ty TNHH Harris Freeman Việt Nam (Bình Dương) thu mua để xuất khẩu.

Ông Nguyễn Chí Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng vùng chuyên canh hồ tiêu an toàn, hướng tới sản xuất công nghệ cao. Để làm được điều này, ngành đang nỗ lực triển khai các chính sách thu hút DN và nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và bảo quản nhằm gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm. Đồng thời, ngành tiếp tục hướng dẫn nông dân sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững, liên kết sản xuất tập trung có chứng nhận; xây dựng và khai thác thương hiệu hồ tiêu Bà Rịa-Vũng Tàu như hình thành bao bì, nhãn mác, gắn tem cho sản phẩm…

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

.
.
.