.

Động lực phát triển nền kinh tế

Cập nhật: 19:09, 24/01/2021 (GMT+7)

5 năm qua, khối kinh tế tư nhân (KTTN) không chỉ lớn lên về quy mô, đóng góp cho nền kinh tế, mà quan trọng hơn tinh thần kinh doanh đã được lan tỏa. Từ đó, tạo nền tảng cho một cộng đồng DN bền vững, đủ sức vượt qua những thử thách khó khăn như dịch bệnh, biến động kinh tế toàn cầu.

Sản xuất ca cao tại Công ty TNHH Ca cao Thành Đạt. Ảnh: ĐÔNG HIẾU
Sản xuất ca cao tại Công ty TNHH Ca cao Thành Đạt. Ảnh: ĐÔNG HIẾU

KHÔNG NGỪNG LỚN MẠNH

Sau khi tìm hiểu thủ tục và quy trình thành lập DN tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở KHĐT, ông Trần Thành Trung, chủ DNTN Quang Thành, có trụ sở tại phường Mỹ Xuân (TX. Phú Mỹ) cho biết, trước đây, cơ sở của ông chuyên gia công các sản phẩm nhôm kính, nhận thấy nhu cầu của các DN tại các KCN trên địa bàn TX. Phú Mỹ về các sản phẩm cơ khí đang tăng cao nên ông mạnh dạn mở rộng quy mô, thành lập DN. “Mặc dù, dự báo thời gian tới kinh tế còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên, hiện trên địa bàn TX. Phú Mỹ có dự án đang mở rộng quy mô, nhu cầu sản phẩm về cơ khí cũng tăng cao. Do đó tôi cùng kỳ vọng năm mới 2021 sẽ có nhiều thuận lợi khi mình thành lập DN”, ông Trung nói.

Nhiều DN đã không ngừng nỗ lực để từng bước lớn mạnh. Các DN tư nhân đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông sản tại các địa phương có thế mạnh về nông nghiệp như Châu Đức, Xuyên Mộc, giúp nông dân có kế sinh nhai và tăng thu nhập ngay chính trên mảnh ruộng của mình. Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV - SX ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức) thông tin, công ty được thành lập từ năm 2009. Thời điểm này trên địa bàn huyện Châu Đức đã bắt đầu manh nha mô hình trồng cây ca cao. Để giúp bà con nông dân có đầu ra bền vững, công ty đã liên kết với nông dân hình thành vùng ca cao nguyên liệu. Từ những bước đi đầu tiên, đến nay sản phẩm ca cao Thành Đạt đã có mặt tại một số nước trên thế giới. Ngay trong những ngày cuối năm 2020 vừa qua, công ty đã xuất sang thị trường Nhật Bản 2 tấn hàng các loại ca cao organic. “Năm 2021, ngoài duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, công ty sẽ tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản thêm 30%. Đồng thời hoàn thành chứng nhận USDA để có thể xuất  khẩu vào các thị trường châu Âu, Mỹ. Hiện các đối tác từ các thị trường này đã đặt khoảng 2 tấn sản phẩm/đơn hàng. Bên cạnh đó, công ty cũng tiếp tục tăng tổng diện tích ca cao organic lên 25ha, xây dựng chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra nhằm tăng giá trị sản phẩm và có thể cạnh tranh được trên thị trường trong và ngoài nước, nhất là các thị trường khó tính”, ông Thành thông tin thêm.

Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn có nhiều điểm sáng ở khu vực KTTN, đó là có 1.671 DN đăng ký thành lập mới, tăng 17,18% so cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký tăng 28,36% so cùng kỳ. Số DN bổ sung vốn tăng 294,5% so cùng kỳ, vốn đăng ký bổ sung tăng 159,53% so cùng kỳ. Những con số thống kê nêu trên cho thấy hàng loạt giải pháp để hỗ trợ DN vượt qua các khó khăn, thách thức lớn do đại dịch COVID-19 được triển khai trong thời gian qua đã mang lại kết quả tích cực, góp phần đưa lĩnh vực KTTN không ngừng lớn mạnh trên địa bàn tỉnh.

VAI TRÒ ĐỘNG LỰC CỦA NỀN KINH TẾ

Một trong những dấu ấn thúc đẩy KTTN phát triển là Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã nhấn mạnh vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế này. Đây là Nghị quyết có tính đột phá trong tư duy, giúp KTTN phát triển lành mạnh, hiệu quả. KTTN đã thể hiện được động lực quan trọng để phát triển kinh tế của mình khi khu vực này hiện đóng góp hơn 42% GDP, đứng đầu trong các loại hình DN và đang đặt mục tiêu tăng lên 55% vào năm 2025; 60 - 65% GDP vào năm 2030. Ngoài ra, khu vực KTTN hiện đóng góp trên 30% thu ngân sách nhà nước và có tốc độ tăng nhanh 15% mỗi năm, cao gấp 2 lần khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 1,5 lần khu vực kinh tế Nhà nước. Mỗi năm, khu vực KTTN tăng trung bình hơn 128.000 DN, tương đương tăng 63% về số lượng và tăng gấp 2 lần về vốn đầu tư đăng ký so với giai đoạn 5 năm trước.

Triển khai Nghị quyết số 10, trên địa bàn tỉnh cũng đã đạt được những thành tựu nhất định. Thông tin từ Sở KH-ĐT cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020 có khoảng 7.800 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 74,8 ngàn tỷ đồng. So với giai đoạn 2011-2015, số DN tăng 44,2%; số vốn đăng ký tăng 85,8%, trong đó có gần 11.000 DN thực tế còn hoạt động, chiếm hơn 60% số DN còn đăng ký hoạt động.

Kế hoạch của UBND tỉnh cũng đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện. Đó là tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm bảo đảm duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư kinh doanh bền vững của DN khu vực tư nhân; khuyến khích DN áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV; hỗ trợ, nâng cao năng suất lao động trong DN, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý, quản trị DN; khuyến khích DN khu vực tư nhân ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường vai trò hỗ trợ của các tổ chức hiệp hội DN trong việc hỗ trợ DN khu vực tư nhân phát triển hiệu quả, bền vững.

Trong tổng số DN còn đăng ký hoạt động, có khoảng 97% DNNVV, chủ yếu tập trung trong khu vực DN ngoài quốc doanh; còn lại khoảng 3% DN có quy mô lớn tập trung chủ yếu ở khu vực DNNN và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Số vốn đăng ký bình quân của khối DNTN khoảng 9,5 tỷ đồng/DN.

Xác định KTTN là động lực thúc đẩy kinh tế BR-VT phát triển, năm 2020 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển bền vững DN khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu có ít nhất 25.000 DN vào năm 2025 và 35.000 DN vào năm 2030 còn đăng ký hoạt động; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường liên kết trong DN khu vực tư nhân; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao sức cạnh tranh và tăng mức đóng góp ngân sách nhà nước của DN khu vực tư nhân. Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo tỉnh đã luôn bám sát tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới để huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Đặc biệt tỉnh chú trọng tháo gỡ khó khăn cho các DN bị ảnh hưởng do dịch COVID -19, tập trung thúc đẩy phát triển công nghiệp – cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài... Tỉnh luôn nỗ lực kiến tạo, xây dựng một môi trường đầu tư tốt nhất, tích cực nhất; quyết tâm gỡ bỏ các yếu tố trì trệ, nâng cao trách nhiệm đội ngũ công chức; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xem đây là nhiệm vụ quan trọng để tạo niềm tin cho các DN. “Điều quan trọng nhất vẫn là tiếp tục huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo mọi điều kiện để thúc đẩy xã hội hóa, phát triển KTTN. Trong đó, sẽ tập trung đấu giá các khu đất công để có nguồn vốn đầu tư hạ tầng, phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn; sớm hoàn thiện các thủ tục để khởi công các dự án trọng điểm nhằm tạo nền tảng phát triển kinh tế BR-VT vững chắc”, ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.

NGÔ GIA

.
.
.