Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm
Lo lắng dịch bệnh tấn công gia súc, gia cầm trong bối cảnh Tết đến gần, nông dân các địa phương đã chủ động giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tránh thất thu vụ làm ăn lớn nhất trong năm.
Ông Nguyễn Văn Long, xã Bình Ba, huyện Châu Đức phun thuốc sát trùng cho trang trại nuôi gà. |
Hơn 1 tháng qua, ông Nguyễn Văn Long, xã Bình Ba, huyện Châu Đức thường xuyên khử trùng, vệ sinh chuồng trại để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho 6.000 con gà chuẩn bị cho thị trường Tết. Theo ông Long, hiện đang là thời điểm giao mùa, rất dễ xảy ra các dịch bệnh trên gà như cúm gia cầm, bệnh Newcastle, bệnh Gumboro, H5N1... “Trước đó, khi mua giống về thả, tôi đã liên hệ với cán bộ thú y địa phương để tiêm phòng và nhờ tư vấn cách phòng dịch. Còn thời điểm này, tôi duy trì việc vệ sinh, sát khuẩn chuồng trại 2 lần/tuần. Nhờ đó, đàn gà luôn khỏe mạnh”, ông Long nói.
Đối với các trang trại nuôi heo, sau đợt thiệt hại nặng nề do dịch tả heo châu Phi gây ra, việc phòng chống dịch luôn được quan tâm hàng đầu. Ông Phan Văn Hiếu (xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) cho hay, gia đình ông vừa thả 50 con heo phục vụ Tết. Để bảo đảm an toàn trước dịch tả heo châu Phi, ngay từ khâu chọn giống, ông đã tuyển lựa rất kỹ càng. Để có nguồn giống bảo đảm về nguồn gốc, được tiêm phòng đầy đủ, ông chấp nhận mua tại các trang trại uy tín với giá cao hơn từ 200-500 ngàn đồng/con.
Từ khi nhập heo giống về, ông Hiếu thực hiện một quy trình giám sát chăn nuôi rất chặt chẽ. “Gia đình chúng tôi đặc biệt chú trọng môi trường chăn nuôi. Mọi lối ra vào trại đều được khử trùng thường xuyên. Xe ra vào trại cũng được khử trùng cẩn thận. Mình phải giám sát kỹ, chứ nếu để dịch bệnh xảy ra vào lúc này thì mất hết”, ông Hiếu nói.
Đến nay, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh khoảng 420.000 con, tăng gần 8%; tổng đàn gia cầm khoảng 6,3 triệu con, cũng tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2019. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, thời điểm này, nguy cơ dịch bệnh rất cao vì thời tiết thay đổi, tổng đàn gia súc, gia cầm gia tăng và mật độ chăn nuôi cao. Hơn nữa việc vận chuyển giữa các địa phương để phục vụ nhu cầu cuối năm, giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến, mầm bệnh còn lưu hành nhiều ở môi trường.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm, bảo đảm an toàn và giảm rủi ro cho người chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương vận động nông dân thực hiện các đợt cao điểm tiêm phòng vắc xin theo đúng kế hoạch đề ra; thường xuyên vệ sinh chuồng trại; bổ sung khoáng chất, vitamin và men sinh học để tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Hiện tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin đạt trên 80% so với tổng đàn. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng khuyến cáo người chăn nuôi chuyển đổi theo hướng an toàn sinh học để giảm thiểu rủi ro. Khi thực hiện tái đàn hoặc nuôi mới phải thực hiện nghiêm túc việc kê khai với chính quyền địa phương. Ngành cũng tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm trái phép...
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU