.

"Lá chắn" bảo vệ ngành xuất khẩu

Cập nhật: 18:42, 19/11/2020 (GMT+7)

Hội nhập kinh tế quốc tế càng sâu rộng càng gia tăng nguy cơ đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại. Để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình, DN cần chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như sử dụng hiệu quả các công cụ này khi cần thiết, bởi đó là “lá chắn” hữu hiệu.

Phóng viên Báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) xung quanh các nội dung này nhân dịp ông vừa có chuyến công tác tại BR-VT.

• Phóng viên: Ông có thể cho biết phòng vệ thương mại có ý nghĩa như thế nào với nền kinh tế, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực?

- Ông Chu Thắng Trung: Các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng theo điều kiện quy định trong hiệp định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng như các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia. Đó là những công cụ phù hợp mà các nước thành viên được áp dụng, nhưng việc áp dụng phải tuân thủ theo các điều kiện đã được quy định. Biện pháp phòng vệ thương mại gồm 3 loại chính: biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ. Thực tế trên thế giới, từ năm 1995 khi WTO ra đời đến nay, các biện pháp phòng vệ thương mại được sử dụng thường xuyên. 

Chẳng hạn đến nay có trên 4.000 biện pháp chống bán phá giá được các nước thành viên của WTO áp dụng. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do tạo cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu và trao đổi thương mại của Việt Nam với các nước trên thế giới. Bằng chứng là năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã vượt ngưỡng 500 tỷ USD. Tuy nhiên, khi hàng hóa xuất khẩu tăng và hàng rào thuế quan giảm cũng tạo áp lực cạnh tranh cho các ngành sản xuất trong nước tại các nước nhập khẩu. Vì vậy, khi đến một áp lực cạnh tranh nào đó, các nước này sẽ viện dẫn các công cụ chính sách thương mại được phép áp dụng để bảo vệ sản xuất trong nước trước hàng hóa nhập khẩu, trong đó có các công cụ phòng vệ thương mại.

Sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước.  Trong ảnh: Sản xuất bàn nail xuất khẩu tại Công ty TNHH Bắc Hà (TX. Phú Mỹ).
Sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước. Trong ảnh: Sản xuất bàn nail xuất khẩu tại Công ty TNHH Bắc Hà (TX. Phú Mỹ).

• Các DN cần khắc phục những điểm yếu nào trong các biện pháp phòng vệ thương mại?

- Khi biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng dưới hình thức thuế quan, hoặc hình thức hạn chế thương mại khác, trước mắt nó sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng. Tuy nhiên, các biện pháp phòng vệ thương mại phải tuân thủ theo những điều kiện nhất định, nên nếu DN tham gia tích cực và chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ giảm thiểu được rủi ro, nguy cơ hoặc tìm kiếm được cơ hội khác từ chính các biện pháp phòng vệ thương mại này. Đó là trong trường hợp bị điều tra về phòng vệ thương mại và bị áp dụng với mức thuế thấp sẽ tạo ra cơ hội thứ 2 cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh bị áp dụng mức thuế cao. 

Ví dụ, đã có những trường hợp DN xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra nhưng chỉ bị áp dụng thuế 2-3%, trong khi các DN các nước khác bị áp dụng mức thuế 10-20%, sẽ tạo được lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, để chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nước ngoài điều tra, các DN cần khắc phục một số điểm chưa mạnh như: Tìm hiểu và nâng cao kiến thức phòng vệ thương mại, để từ đó DN có sự điều chỉnh cách thức tổ chức sản xuất, ghi nhận và lưu trữ hồ sơ, số liệu của DN mình; có sự phân bổ nguồn lực hợp lý, trong đó dành nguồn lực cho xử lý, ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại; đánh giá và quản lý rủi ro với việc xuất khẩu sang các thị trường, trong đó tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất mà nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

• Hiện hay các nước áp dụng triệt để các biện pháp phòng vệ thương mại, DN cần lưu ý vấn đề gì để chủ động ứng phó hiệu quả, thưa ông?

- Phòng vệ thương mại là công cụ hỗ trợ các ngành sản xuất, DN trong nước trong quá trình hội nhập, tự do hóa mạnh mẽ như hiện nay. Vì vậy, chủ trương của Việt Nam đối với phòng vệ thương mại rất rõ ràng. Việt Nam đã ban hành các Luật, Nghị định, xây dựng đề án liên quan đến phòng vệ thương mại như: Luật Quản lý ngoại thương 2017; Nghị định số 10/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn về phòng vệ thương mại khi tham gia các hiệp định thương mại tự do; Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ”...

Trong các vụ việc về phòng vệ thương mại, vai trò của địa phương là rất lớn trong việc phối hợp, đầu mối xử lý. Vì vậy, khi xảy ra các vụ điều tra về phòng vệ thương mại, DN cần phối hợp với các hội, hiệp hội, sở, ngành tại địa phương để được hỗ trợ, hướng dẫn các bước xử lý, ứng phó. Bộ Công thương sẽ theo dõi thường xuyên diễn biến của vụ việc, trong một số trường hợp, sẽ cân nhắc sử dụng các cơ chế tranh chấp trong các khuôn khổ thương mại đa phương của khu vực để hỗ trợ, hướng dẫn chi tiết các bước, giải pháp phải thực hiện khi DN gặp các vấn để liên quan đến phòng vệ thương mại. 

Tới đây, Bộ Công thương tiếp tục triển khai đồng bộ và toàn diện công tác phòng vệ thương mại ở tất cả các nhóm giải pháp và hoạt động. Trong đó tập trung thúc đẩy nâng cao nhận thức, giúp DN coi phòng vệ thương mại là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu; tập trung cảnh báo sớm để cung cấp thông tin kịp thời cho các DN xuất nhập khẩu về các nguy cơ, rủi ro để đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại; hoàn thiện nâng cao năng lực phòng vệ thương mại; lồng ghép nội dung công tác phòng vệ thương mại vào chiến lược phát triển của các ngành sản xuất, ngành công nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

ĐÔNG HIẾU

(Thực hiện)

 
.
.
.