An toàn với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng.
Vườn bưởi được canh tác theo hướng hữu cơ của hộ ông Hồ Hoàng Kha (ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ). |
Sau 1 năm chuyển qua canh tác theo hướng hữu cơ, vườn bưởi da xanh 2,8ha hơn 3 năm tuổi của ông Hồ Sĩ Bảo (khu phố 1, phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) đang phát triển tốt, được thương lái và khách hàng ưa chuộng.
Ông Bảo cho biết, việc sử dụng phân bón hóa học cho cây bưởi không những ảnh hưởng tới sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng mà về lâu dài còn có hại cho đất. Do đó, ông đã quyết định chuyển sang sản xuất hữu cơ, thay thế phân bón hóa học, thuốc trừ sâu bằng phân bò ủ hoai và trùn quế, các chế phẩm vi sinh an toàn thân thiện với môi trường. Mặc dù thời gian đầu cây bưởi chưa thể hấp thụ nhanh, năng suất cũng kém, tuy nhiên, về lâu dài chất lượng bưởi an toàn, đất trồng cũng giàu dinh dưỡng hơn.
Sau 1 năm trồng thử nghiệm, vườn bưởi của gia đình ông Bảo đã cho thu hoạch hơn 2 tấn trái, với mức giá ổn định 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi khoảng 40 triệu đồng/vụ. “Ưu điểm của phương pháp này là tạo nền đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng. Về lâu dài, cây ít bị bệnh tật, nhờ đó tuổi thọ tăng cao”, ông Bảo cho biết thêm.
Là một trong những hộ đầu tiên tại xã Sông Xoài mạnh dạn chuyển đổi trồng bưởi sang hướng hữu cơ, ông Hồ Hoàng Kha (ấp Phước Bình, xã Sông Xoài) nhận thấy, để sản xuất theo hướng hữu cơ, khâu xử lý đất rất quan trọng. Đất phải được làm kỹ, xử lý vôi, phân bón là các loại phân bò, phân gà đã được ủ hoai mục kết hợp với xử lý nấm vi sinh Trichoderma, tưới thúc bổ sung dinh dưỡng cho cây. Trong quá trình trồng, nếu xuất hiện sâu bệnh, phải vệ sinh sạch sẽ vườn. Đồng thời tiến hành phun xịt xử lý sâu bệnh bằng các chế phẩm từ gừng, tỏi, ớt ngâm với rượu, sử dụng các bẫy dính, vợt để bắt sâu, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Sau một thời gian áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, cây sinh trưởng rất tốt, đất phục hồi nhanh chóng, chi phí đầu tư vào canh tác giảm khoảng 30% so với trước, giá bán cũng cao hơn từ 5-10% so với trước đây. Với 3ha bưởi sản xuất theo phương pháp hữu cơ, ông thu hoạch khoảng 75 tấn/năm. Thời gian tới, ông Kha đang có kế hoạch mở rộng toàn bộ diện tích 10ha bưởi theo hướng hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngoài bưởi da xanh, hiện nay trên địa bàn tỉnh, một số HTX cũng đã triển khai canh tác theo hướng hữu cơ như hồ tiêu, ca cao, rau xanh, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Đây cũng là tiền đề để từng bước chuyển sang nền nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới.
Theo kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, trong giai đoạn I (từ năm 2020-2022), tỉnh xác định các vùng sản xuất nông nghiệp định hướng theo hình thức hữu cơ trên một số cây trồng gồm lúa, hồ tiêu, ca cao, rau các loại, cây ăn quả. Đồng thời, sẽ thực hiện 5 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên 3 loại cây trồng gồm rau, ca cao và hồ tiêu với diện tích 1,9ha, sản lượng khoảng 10 tấn/năm. Đến giai đoạn II (từ năm 2023-2025), tỉnh sẽ thực hiện 10 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên 7 loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản với diện tích 52,2ha, sản lượng khoảng 150 tấn/năm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng duy trì, phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ. Ông Nguyễn Chí Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) cho biết: Mặc dù trên địa bàn đã manh nha một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ nhưng diện tích chưa nhiều. Trở ngại đầu tiên khi xây dựng nông nghiệp hữu cơ là thói quen sử dụng hóa chất khi sản xuất nông nghiệp của nông dân. Vì vậy, sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh chưa cao. Ngoài ra, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong quá trình canh tác, các khâu như nước, giống, vật tư nông nghiệp sử dụng phải được tổ chức uy tín công nhận. Do đó, để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đúng nghĩa cần nhiều thời gian, nguồn lực, kinh phí đào tạo nông dân và các thủ tục chuyển đổi, tiếp cận thị trường. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích các cửa hàng, siêu thị thu mua tập trung nhằm bảo đảm đầu ra bền vững…
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU