.

Doanh nghiệp tìm cơ hội ở thị trường nội địa

Cập nhật: 19:28, 08/09/2020 (GMT+7)

Xuất khẩu hải sản trong thời gian xảy ra dịch COVID gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc khai thác thị trường nội địa nhằm tiếp tục duy trì sản xuất và bảo đảm doanh thu là một hướng đi khả thi cho các DN.

Công nhân Công ty Baseafood chế biến sản phẩm từ da cá phục vụ thị trường nội địa.
Công nhân Công ty Baseafood chế biến sản phẩm từ da cá phục vụ thị trường nội địa.

Trước đại dịch COVID-19, sản phẩm của Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) chủ yếu xuất khẩu. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát đã khiến cho thị trường chiếm đến 90% doanh thu của công ty bị ảnh hưởng và sụt giảm.

Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Baseafood cho biết, chuyển sang công ty đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Nếu như trước đây, thị trường nội địa chỉ chiếm 5-7% trong tổng doanh thu thì nay đã tăng lên 10-15%. Để có được kết quả này, ngoài cửa hàng bán trực tiếp, công ty còn xây dựng đội ngũ và phát triển kênh bán hàng trực tuyến, hợp tác với các trang thương mại điện tử, nhờ đó doanh thu không sụt giảm nhiều. 

“Thị trường nội địa là kênh kinh doanh quan trọng, nếu DN có đủ điều kiện sẽ xây dựng được chỗ đứng vững chắc ở thị trường nội địa. Đối với Baseafood, chúng tôi lấy nền tảng là chất lượng, sự tiện dụng và giá cả để phục vụ người tiêu dùng, với hướng đi này, DN chắc chắn sẽ phát triển tốt hoạt động kinh doanh ở thị trường trong nước”, ông Tường chia sẻ.

Theo các chuyên gia kinh tế, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó đã đến lúc DN Việt cần dồn lực tại “sân nhà”, mở rộng thị trường nội địa vốn rất giàu tiềm năng để vượt qua khó khăn trước mắt và phục vụ cho bài toán phát triển lâu dài. Đây cũng là chiến lược mà các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đang hướng tới. Công ty CP sản xuất dịch vụ và thương mại Thuận Huệ là một ví dụ. Khi đại dịch xảy ra, thị trường xuất khẩu bị đình trệ, công ty chuyển sang phát triển thị trường nội địa. Công ty hiện đang phân phối khoảng 160 tấn thành phẩm cá khô đã qua chế biến cho các siêu thị như Lotte, Vinmart và các cửa hàng bán lẻ khác trên địa bàn tỉnh. “Hai năm qua, thị trường trong nước đã chiếm 20% tổng doanh thu. Mặc dù còn khiêm tốn, nhưng đây là thị trường tiềm năng, nên DN sẽ nỗ lực để tăng thị phần và khẳng định chỗ đứng trên thị trường”, bà Đồng Thị Huệ, Giám đốc  Công ty CP Sản xuất dịch vụ và thương mại Thuận Huệ cho biết.

Doanh nghiệp cần có chiến lược để tiếp cận thị trường trong nước. Trong ảnh: Người dân thanh toán tiền hàng tại siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu.
Doanh nghiệp cần có chiến lược để tiếp cận thị trường trong nước. Trong ảnh: Người dân thanh toán tiền hàng tại siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu.

Số liệu từ Sở Công thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa 8 tháng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 32.044 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ, trong đó, tổng mức bán lẻ tại các siêu thị, trung tâm thương mại tăng 17,21% đạt 915,08 tỷ đồng. Vì vậy, nhiều DN đã tận dụng để đổi mới phương thức kinh doanh, đổi mới mẫu mã sản phẩm để khai thác thị trường nội địa đầy tiềm năng này. 

Theo ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương, trong giai đoạn trước mắt, để tồn tại và phát triển, các DN cần chú ý nhiều hơn đến thị trường nội địa và kết nối các hệ thống phân phối trong nước, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của DN từ thích ứng và phục hồi. Về lâu dài, DN cần phải nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để giữ chân người tiêu dùng Việt Nam, phục vụ cho bài toán phát triển lâu dài. “Về phía Sở Công thương, cùng với các chính sách của Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai những biện pháp nhằm hỗ trợ DN khai thác tốt hơn thị trường nội địa”, ông Thôi cho biết thêm. 

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.