Ngăn chặn nguy cơ tái phát dịch tả heo châu Phi
Theo Bộ NN-PTNT, thời gian qua, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện trở lại tại một số địa phương. Nguy cơ loại dịch bệnh này bùng phát trở lại, gây thiệt hại cho người dân, DN là rất cao. Tại BR-VT, các địa phương, DN, nông dân đang thực hiện nhiều biện pháp để làm giảm nguy cơ dịch tả heo châu Phi tái phát.
Các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn cẩn trọng dù dịch tả heo châu Phi đã hạ nhiệt. Trong ảnh: Chăm sóc heo tại trại nuôi của anh Nguyễn Văn Chiến (xã Xà Bang, huyện Châu Đức). |
Ngày 20/4, ổ dịch tả heo châu Phi cuối cùng trên địa bàn tỉnh tại xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc được khống chế. Đến nay, toàn tỉnh vẫn chưa xuất hiện ổ dịch mới. Sở NN-PTNT cũng đã có văn bản công bố hết dịch tả heo châu Phi tại BR-VT. Sau khi khống chế được dịch bệnh, thời gian qua, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang từng bước tái đàn, khôi phục sản xuất, nhất là trong thời điểm giá thịt heo đang ở mức cao.
Khảo sát tại các vùng chăn nuôi lớn như huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, TX. Phú Mỹ, công tác phòng chống dịch đang được chú trọng thực hiện. Tại các trang trại vừa và nhỏ, ý thức trong phòng chống dịch bệnh của nhiều người chăn nuôi cũng đã được nâng cao đáng kể. Anh Nguyễn Văn Chiến, ấp Liên Sơn, xã Xà Bang, huyện Châu Đức đang nuôi 7 con heo nái và 70 con heo thịt. Trong thời gian qua, anh đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ đàn heo khỏi dịch tả châu Phi. Trước hết, anh thường xuyên phun, xịt, tiêu độc khử trùng, tẩy rửa chuồng trại và khu vực lân cận. Anh cũng không sử dụng các loại thức ăn thừa trong khẩu phần heo mà dùng toàn bộ là cám chăn nuôi của công ty uy tín để giảm nguy cơ mầm bệnh từ ngoài vào. Khi bán heo, anh cũng lựa chọn những thương lái quen, uy tín và phương tiện vào chở heo phải được phun xịt khử trùng. Anh Chiến cho biết: “Hiện nay, đàn heo đang có giá trị rất cao, mặc dù đã lâu không xuất hiện dịch, tôi và nhiều người chăn nuôi trong xã đều rất cẩn trọng, làm đúng các biện pháp được hướng dẫn để phòng chống dịch bệnh, tránh thiệt hại nặng nề”.
Kiểm soát các nguồn heo vào BR-VT là một trong những giải pháp được thực hiện để phòng dịch. Trong ảnh: Cán bộ Trạm Kiểm dịch tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức phun xịt khử trùng cho xe chở heo vào tỉnh. |
Còn các trang trại chăn nuôi lớn với quy mô cả ngàn con, công tác phòng dịch còn được thực hiện gắt gao hơn nhiều. Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, dù dịch tả heo đã giảm nhiệt, các trang trại lớn vẫn duy trì thực hiện quy trình khép kín rất chặt chẽ. Công nhân gần như ở lại khu vực chăn nuôi. Sau thời gian nghỉ, vào lại trang trại đều phải ở khu khử trùng cách ly 1-3 ngày. Quy trình mua bán, vận chuyển heo cũng rất chặt chẽ.
Không chỉ DN, người chăn nuôi quyết liệt trong phòng dịch, các cơ quan chuyên môn, địa phương của tỉnh vẫn đang thực hiện nhiều giải pháp để phòng dịch tả heo châu Phi tái phát. Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, hiện nay, các cán bộ thú y cấp huyện, xã vẫn thường xuyên tới tận nơi vận động người chăn nuôi thực hiện tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại. Các xã cũng đều chuẩn bị nhân lực để trong trường hợp có ổ dịch sẽ xử lý nhanh, không để dịch bệnh lây lan.
Những ngày qua, lực lượng thú y từ tỉnh đến cơ sở đã khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng chống dịch. Ông Nguyễn Xuân Trung thông tin thêm: “Chúng tôi cũng cử các cán bộ kỹ thuật đến trực tiếp các địa phương có ổ dịch trong năm 2020 để phối hợp với cơ sở kiểm tra công tác xử lý ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch tái phát. Cùng với đó, tăng cường lực lượng kiểm soát vận chuyển heo nhằm chặn nguy cơ mầm bệnh từ ngoài tỉnh vào BR-VT. Qua đó phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm, không để dịch tả heo châu Phi tái phát trở lại trên địa bàn tỉnh”.
Bộ NN-PTNT đã có văn bản cảnh báo về nguy cơ bùng phát trở lại của dịch tả heo châu Phi. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch tả heo châu Phi đã tái phát tại 155 xã của 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhiều ổ dịch đã xuất hiện tại các xã, phường đã qua 30 ngày không có ổ dịch mới thuộc các tỉnh như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Quảng Nam... Nguyên nhân tái phát được nhận định là do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn nhưng mua giống không rõ nguồn gốc, trong quá trình chăn nuôi không bảo đảm an toàn sinh học. Tình trạng này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, dịch tả heo châu Phi vẫn có nguy cơ bùng phát nếu chính quyền, DN, người chăn nuôi chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch.
|
Bài, ảnh: HÀN GIANG