Thúc đẩy đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Trong giai đoạn sắp tới, tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị hóa tiếp tục tăng nhanh. Nguồn lực về đất đai để phát triển nông nghiệp sẽ giảm dần. Do vậy, việc đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) để tăng năng suất, chất lượng, ATVSTP, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản phẩm hàng hóa và sử dụng có hiệu quả trên diện tích đất nông nghiệp là bước phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp tỉnh BR-VT.
Ông Phan Tấn Nghiêm (khu phố Hải Điền, TT. Long Hải), với mô hình trồng rau thủy canh. |
Sau gần 3 năm thực hiện Đề án số 04 của Tỉnh ủy về phát triển NNUDCNC đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, nhìn chung, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh bước đầu đạt được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ còn thấp, mới ứng dụng từng phần, chưa đồng bộ thành một hệ thống, chưa phát triển quy mô lớn thành từng vùng. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho phát triển NNUDCNC vẫn còn hạn chế và nguồn nhân lực bước đầu vẫn còn hạn chế cho việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Những tồn tại trên làm cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh chưa có sự đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, sức cạnh tranh chưa cao, hiệu quả còn thấp. BR-VT hiện đang trong quá trình triển khai một số dự án trọng điểm, trong đó có việc triển khai các dự án NNUDCNC là một việc hết sức cần thiết, tạo ra lợi thế cạnh tranh của địa phương, qua đó thu hút đầu tư của các tổ chức, DN và cá nhân quan tâm.
Theo tinh thần Đề án số 04-ĐA/TU có thu hồi một số diện tích đất của Công ty Cao su Bà Rịa và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp tỉnh. Tuy nhiên, việc thu hồi đã gặp một số khó khăn, đặc biệt là chi phí bồi thường, hỗ trợ cho các công ty cao su chưa thể thống nhất do vướng một số chính sách cũng như là nguồn ngân sách của địa phương hạn hẹp, dẫn đến làm chậm trễ trong việc triển khai các dự án NNUDCNC trên địa bàn tỉnh.
Vì vậy, nhằm góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh và bền vững; đồng thời, chọn lựa được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và tiềm năng để giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư tại các vùng quy hoạch đang kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Đề án 04-ĐA/TU là việc làm cần thiết, gắn trách nhiệm của DN cùng với Nhà nước trong việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đặc biệt, việc thực hiện cam kết ứng vốn bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất của DN là hết sức cần thiết, bảo đảm đẩy nhanh tiến độ các dự án NNUDCNC trên địa bàn tỉnh.
Do đó, để thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư NNUDCNC trên địa bàn tỉnh, cần thực hiện một số giải pháp như sau:
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù về thuế, đất đai, giải quyết thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút, khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ nhà đầu tư đầu tư vào nông nghiệp đạt kết quả, xây dựng giá cho thuê đất; phấn đấu giảm tối đa thời gian lập thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư.
- Tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư một số hạ tầng cơ bản cần thiết, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu thực nghiệm, trình diễn và kêu gọi đầu tư.
- Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tìm hiểu cơ chế, chính sách, thủ tục, tiềm năng thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; tổ chức hội thảo xúc tiến, kêu gọi DN ứng dụng công nghệ cao, DN khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; phấn đấu kêu gọi, xúc tiến hợp tác nhiều nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng; nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn và sản xuất sản phẩm NNUDCNC.
SỞ NN-PTNT TỈNH BR-VT