Giá thịt heo khó giảm như kỳ vọng
Thời gian qua, một loạt chính sách khuyến khích từ nhập khẩu thịt đông lạnh đến nhập khẩu heo sống được thực hiện. Điều này kỳ vọng giá thịt heo sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế, giá heo vẫn chưa khi nào hết… “nóng”.
Thời gian qua, giá heo vẫn chưa giảm như kỳ vọng. Trong ảnh: Người dân mua thịt heo tại Lotte Mart Vũng Tàu. |
GIÁ NEO Ở MỨC CAO
Ngày 30/7, qua khảo sát thị trường cho thấy, giá heo hơi tại các trang trại được thương lái thu mua ở mức 86.000 đồng/kg, kéo theo giá bán lẻ tại các chợ truyền thống vẫn rất cao. Cụ thể, thịt heo ba rọi 160.000-185.000 đồng/kg, sườn non 180.000-200.000 đồng/kg.
Tại chợ Bà Rịa, giá thịt heo được tiểu thương niêm yết từ 130.000-185.000 đồng/kg, tùy loại. Chị Lữ Thị Vân, tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ Bà Rịa cho biết, mỗi ngày chị bán khoảng 50kg thịt heo các loại, trong đó chủ yếu là bỏ mối cho các quán ăn, lượng thịt bán lẻ chỉ chiếm khoảng 1/3. “Giá thịt heo không giảm là do chúng tôi nhập đầu mối vẫn cao”, chị Vân cho biết thêm.
Còn chị Nguyễn Thị Hiền, tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu cho biết, hiện giá thịt heo móc hàm chị nhập về vẫn ở mức 115.000-120.000 đồng/kg, chưa kể các chi phí và tiền công vận chuyển, hao hụt... nên giá bán lẻ thịt heo tại chợ khó giảm được. “Mặc dù thịt heo đã được nhập khẩu về Việt Nam, tuy nhiên, thực tế tại chợ không có heo sống nhập khẩu từ Thái Lan, nguồn thịt heo tiểu thương chúng tôi chủ yếu nhập từ các trang trại, lò mổ trong tỉnh”, chị Hiền nói.
Trong khi đó, tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ hiện đại trên địa bàn tỉnh như: Lotte Mart Vũng Tàu, Co.op Mart Vũng Tàu, Co.op Mart Bà Rịa, VinMart+, Bách Hóa Xanh… giá thịt heo vẫn ở mức từ 114.000 đến 249.000 đồng/kg. Giá thịt vai, đùi, nạc tại Lotte Mart Vũng Tàu khoảng 114.000 đồng/kg, cốt lết 132.000 đồng/kg. Còn tại VinMart+, nạc dăm 209.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 229.000 đồng/kg, sườn sụn non 249.000 đồng/kg.
Người dân mua thịt heo tại chợ Long Điền, huyện Long Điền. |
NGUỒN CUNG THIẾU
Theo Bộ NN-PTNT, hiện nguồn cung heo mới chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Chính vì nguồn cung đang bị thiếu hụt nghiêm trọng nên 3 phương án để ổn định thị trường cũng đang được Bộ NN-PTNT ráo riết triển khai. Đó là tái đàn, phương án nhập 10.000 tấn thịt và cho nhập heo sống về. Tuy nhiên, cả 3 giải pháp này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu trong nước.
Đến nay, đã có khoảng 9.000 con heo sống được 7 DN trong nước nhập khẩu chính thức từ Thái Lan về Việt Nam, trong đó heo nhập đưa về thị trường miền Nam chưa tới 3.000 con. Số lượng heo nhập này chỉ như “muối bỏ bể” nên giá thịt heo tháng 7 vẫn ở mức cao, tương đương với cuối tháng 6, chứ không xuống mức 70.000 đồng/kg như kỳ vọng. Nguyên nhân được các DN đưa ra là do nguồn cung trong nước vẫn thiếu, trong khi nguồn nhập khẩu từ Thái Lan cũng hạn chế và giá nhập khẩu đã tăng cao. Thịt heo sống nhập từ Thái Lan khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg, khi về đến Việt Nam cộng thêm các khoản phí như: Tiền vận chuyển từ cửa khẩu về trại, chi phí hao hụt, kiểm dịch, lãi suất ngân hàng…, giá heo hơi bán ra cũng vào khoảng 80.000 đồng/kg, thấp hơn thịt heo trong nước không nhiều. Thêm vào đó, thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan và Bộ Công thương cho biết, thời gian qua, do dịch tả heo châu Phi bùng phát ở Trung Quốc và các nước láng giềng của Thái Lan khiến nhu cầu xuất khẩu heo từ Thái Lan sang các nước này tăng lên. Điều này dẫn tới giá thịt heo tại thị trường nội địa Thái Lan tăng lên. Vì vậy, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết sẽ giảm xuất khẩu thịt heo do thiếu nguồn cung và giá tăng, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, nước này cũng sẽ cắt bỏ các chi phí trung gian để neo giá thịt heo.
Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ban hành quyết định về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và các cơ quan chức năng có liên quan để kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng toàn bộ chuỗi chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đến người bán cuối cùng trực tiếp cho người tiêu dùng đối với mặt hàng heo giống, heo hơi và các sản phẩm thịt heo trên thị trường. Theo đó, đối tượng kiểm tra sẽ là các DN, tổ chức, cá nhân tham gia ở các khâu khác nhau trong toàn bộ chuỗi chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, phân phối, cung ứng heo giống, heo hơi (heo thịt) và các sản phẩm thịt heo. Phương thức kiểm tra bao gồm kiểm tra tại chỗ (kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp, đối tượng kiểm tra) hoặc yêu cầu có văn bản báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ đoàn kiểm tra. |
Đối với thịt heo nhập khẩu, hiện nay người tiêu dùng trong nước vẫn giữ thói quen dùng thịt “nóng”, do đó thịt heo nhập khẩu vẫn khó tiêu thụ. Ghi nhận tại các siêu thị cho thấy, sản phẩm thịt nhập khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 3-5% so với thịt heo tươi trong nước và chủ yếu là móng giò, sườn, ba chỉ...
Ông Giao Văn Sỹ, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, nguồn cung thịt heo tại BR-VT không khan hiếm như một số tỉnh, thành. Tuy nhiên, do thời gian qua heo của tỉnh bị tiêu hủy khá lớn cộng với tâm lý lo ngại không dám tái đàn của người dân khiến tổng đàn heo của tỉnh tính đến cuối năm 2019 giảm khoảng 30%, tương đương giảm khoảng 100 ngàn con. Dự kiến trong quý III năm nay, tổng đàn heo sẽ tăng lên 450 ngàn con. “Nếu muốn ổn định giá thịt heo, cần phải hình thành chuỗi sản phẩm có thể kiểm soát được từ khâu chăn nuôi đến phân phối ra thị trường, có giảm được các khâu trung gian may ra giá heo mới kéo xuống được. Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân, chủ các trang trại tổ chức tái đàn heo theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Cùng với đó, ngành chức năng hướng dẫn DN, cơ sở cung cấp heo giống tăng cường nhân giống, cung ứng heo giống chất lượng để người chăn nuôi, DN tái đàn thuận lợi. Ngoài ra, Nhà nước cần áp dụng giải pháp mạnh và đưa mặt hàng thịt heo vào diện bình ổn giá; yêu cầu các DN phải kê khai giá bán thịt heo”, ông Sỹ nói thêm.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU