.

Thu lãi tiền tỷ nhờ nuôi tôm trên ruộng muối

Cập nhật: 22:22, 26/06/2020 (GMT+7)

3 năm trở lại đây, hàng chục nông dân theo nghề làm muối tại phường 12, TP.Vũng Tàu đã chuyển hẳn sang nghề nuôi tôm. Trong đó, có nhiều hộ đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao. Tuy nhiên, đây là lúc câu chuyện quy hoạch sản phẩm nông nghiệp và thị trường tiêu thụ trên địa bàn phường được đặt ra.

Công nhân trại tôm của gia đình ông Lê Quang Hùng, KP 4, phường 12 xử lý ao nuôi trước khi thả giống.
Công nhân trại tôm của gia đình ông Lê Quang Hùng, KP 4, phường 12 xử lý ao nuôi trước khi thả giống.
Hàng chục năm trước, cứ vào mùa mưa, hầu hết diêm dân ở phường 12 đều bỏ không ruộng muối. Về sau, mô hình luân canh tôm - muối theo mùa mưa - nắng được một số hộ áp dụng, mang lại hiệu quả. Vài năm trở lại đây, khi nghề muối bấp bênh, không ít hộ đã chuyển hẳn sang nuôi tôm.
Nông dân Lê Quang Hùng (KP 4, phường 12, TP. Vũng Tàu) là một trong số những người tiếp cận với mô hình nuôi tôm trên ruộng muối sớm nhất ở phường 12. Từ năm 2005, ông Hùng đã tận dụng 2.700m2 ruộng muối luân canh tôm sú. Ông Hùng cho biết: “Lúc đó, vì đòi hỏi bức bách về kinh tế gia đình nên phải nghĩ cách để đất đai sinh lợi, nên mới nghĩ đến mô hình nuôi tôm luân canh. Về sau, con tôm mang lại lợi nhuận hơn hẳn nghề muối. Mình đành chuyển đổi nghề”.
Ông Hùng kể, vụ đầu tiên luân canh tôm - muối (mùa nắng làm muối, mùa mưa nuôi tôm), gia đình ông lãi gần 20 triệu đồng. Những năm sau đó, nuôi tôm sinh lời hơn hẳn làm muối và có thể thu hoạch quanh năm, nên ông quyết định mở rộng diện tích nuôi, bỏ hoàn toàn nghề làm muối. Đến năm 2018, ông Hùng thậm chí còn đầu tư nuôi tôm sú theo hướng ứng dụng công nghệ cao (áp dụng quy trình lắng lọc nước hiện đại, lót bạt nền ao, lắp đặt hệ thống mái che, máy sục khí, quạt...). Ông Hùng đã “rót” hơn 1 tỷ đồng đầu tư trên diện tích 1,5ha ao nuôi và đạt hiệu quả mỹ mãn. “Tôi đang nuôi 3 vụ tôm/năm, sản lượng trung bình đạt trên 16 tấn, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình lãi gần 1 tỷ đồng/năm”, ông Hùng chia sẻ.
Tương tự, năm 2015, gia đình ông Phạm Văn Bạch (KP 4, phường 12, TP. Vũng Tàu) mạnh dạn chuyển từ làm muối sang nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 3ha. Theo ông Bạch, làm muối rất vất vả, chi phí cao, lợi nhuận thấp. Chuyển sang nuôi tôm, mức lãi cao gấp 3 lần so với làm muối. Sau 5 năm chuyển nghề, nhờ xử lý tốt các khâu từ nền ao, con giống, nguồn nước, kỹ thuật chăm sóc… đến nay, mỗi năm ông Bạch sản xuất đều đặn 2 vụ tôm, sản lượng trung bình khoảng 9 tấn. Với giá bán từ 80-140 ngàn đồng/kg (tùy loại), sau khi trừ các chi phí, ông lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.
Ông Trịnh Văn Sâm, cán bộ thủy sản, nông nghiệp phường 12, TP. Vũng Tàu cho biết: Địa phương có truyền thống sản xuất muối lâu đời với khoảng 30 hộ. Tuy nhiên, do muối ngày càng mất giá, đầu ra bấp bênh, nên 3 năm trở lại đây nhiều hộ đã chuyển sang nuôi tôm, bỏ nghề làm muối. Hiện nay, toàn phường có khoảng 20 hộ chuyển hoàn toàn từ nghề muối sang nuôi tôm; trong đó, có 8 hộ đã đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. 
Cũng theo ông Sâm, điều khó khăn nhất đối với nghề nuôi tôm trên địa bàn phường là môi trường nuôi liên tục thay đổi. Do đó, để nuôi được tôm sú, các hộ nuôi phải chấp nhận dành 1/4 diện tích ao nuôi để làm ao lắng xử lý nước, gồm: lắng lọc hữu cơ, ổn định môi trường, diệt khuẩn trước khi cấp cho ao nuôi. Nhờ làm tốt các khâu này mà hiện nay, nhiều nông dân ở phường 12, TP. Vũng Tàu nuôi tôm trên ruộng muối đạt năng suất, chất lượng cao.
“Chuyển đổi mô hình sản xuất là đòi hỏi tự thân, xuất phát từ cuộc sống của người nông dân. Bước đầu, việc chuyển đổi đã góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm từ trước đến nay vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Hơn nữa, chúng tôi cũng rất lo ngại khi người dân chuyển đổi đồng loạt, năng suất cao hơn, thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm lại trở nên nan giải. Do đó, người nông dân cũng phải chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường để có lựa chọn đầu tư phù hợp”, ông Trịnh Văn Sâm nói.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU
 
.
.
.