Gỡ rào cản để tận dụng cơ hội từ EVFTA
Đánh giá các ngành hàng, các mặt hàng tiềm năng, tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU, hỗ trợ các DN nhỏ và vừa (SMEs) tận dụng hiệu quả cơ hội cũng như dự phòng những thách thức từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)… là những vấn đề được đặt ra tại hội nghị trực tuyến “Hỗ trợ DN SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA”, diễn ra sáng 5/6.
Sản xuất dây cáp điện tử tại Công ty Dongjin. |
CƠ HỘI LỚN
Khai mạc hội nghị Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, hội nghị cung cấp cho các DNNVV trên cả nước đa dạng các thông tin liên quan sát thực tới sự quan tâm và lợi ích của DN về Hiệp định EVFTA. Đặc biệt, hỗ trợ DNNVV tận dụng được tối đa những cơ hội cũng như giảm thiểu những thách thức gặp phải trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA. Đồng thời nghiên cứu, đánh giá cụ thể về cơ hội tiếp cận thị trường EU nói chung và thị trường từng nước thành viên nói riêng đối với những ngành, mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế hoặc tiềm năng, từ đó đề ra những chiến lược, giải pháp cụ thể, thiết thực và hiệu quả với mục tiêu giúp DN, DNNVV có thể thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp Hội DNNVV cho biết: Thời gian qua, quan hệ thương mại song phương Việt Nam - EU phát triển nhanh chóng và hiệu quả. Kim ngạch thương mại 2 chiều tăng khoảng 14 lần, từ mức 4,1 tỷ USD vào năm 2000, lên đến 56 tỷ USD vào năm 2019. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 15 lần, từ 2,8 tỷ USD vào năm 2000, lên 41 tỷ USD vào năm 2019. Các mặt hàng truyền thống của Việt Nam xuất khẩu sang EU hiện nay chủ yếu là dệt may, nông lâm thủy sản, giày dép, máy vi tính… Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường EU và Việt Nam có đặc điểm bổ trợ lẫn nhau về lợi thế và nhu cầu nhập khẩu, ít mặt hàng mang lại tính cạnh tranh, đối đầu. “Chúng tôi đánh giá, đây là lợi thế đối với hàng hóa xuất khẩu của các DN Việt Nam so với hàng hóa xuất khẩu của các nước khác, đặc biệt là các nước châu Á vào thị trường EU. Khi EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, lợi thế này càng được phát huy”, ông Thân khẳng định.
Từ góc nhìn của 1 DN, ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Côn Đảo (COIMEX) cho biết, một trong những yếu tố tác động đến sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của công ty đến từ cơ hội của các hiệp định thương mại tự do. Bằng chứng là, lượng hàng xuất khẩu của COIMEX vào thị trường châu Âu có sự tăng trưởng mạnh. Nếu như năm 2017, lượng hàng xuất khẩu vào thị trường EU chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng xuất khẩu thì nay lượng hàng xuất khẩu vào thị trường này tăng lên 60%. Tuy nhiên, muốn thâm nhập vào thị trường EU, các DN phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản. Lợi thế của ngành thủy sản BR-VT nói riêng và Việt Nam nói chung là nguồn thủy sản dồi dào, nhưng từ trước tới nay chủ yếu vẫn xuất khẩu sơ chế. Việc Hiệp định EVFTA thông qua sẽ mở ra ra cơ hội để các DN sản xuất các sản phẩm xuất khẩu tinh chế, nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Song để làm được điều đó, DN cần đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại mới đủ sức cạnh tranh. Đối với ngành xuất khẩu thủy sản, trước hết các địa phương cần quản lý thắt chặt việc khai thác nguồn lợi thủy sản để gỡ được thẻ vàng EU. Đồng thời, cần thăm dò sâu về những yêu cầu từ thị trường EU để sản xuất các mặt hàng đáp ứng các yêu cầu của họ.
EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết mạnh mẽ nhất của cả 2 phía EU và Việt Nam về mở cửa thị trường và về các cải cách thủ tục, thể chế, chính sách. Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau lộ trình ngắn (7 năm).
Do vậy, có thể coi đây là cơ hội rất lớn cho các DN khi mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU và ở chiều ngược lại các DN EU cũng có cơ hội tương tự.
|
THÁCH THỨC KHÔNG NHỎ
Việc thực thi EVFTA là cơ hội cho các DNNVV tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh. Tuy nhiên, EU là một thị trường lớn nhưng đòi hỏi nghiêm ngặt và khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường…, trong khi không phải DN nào cũng đáp ứng được. Nhấn mạnh về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết: Nhiều DN đang xuất khẩu vào thị trường EU là các DNNVV với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu, thiếu nhân lực có ngoại ngữ và kỹ năng đàm phán xúc tiến thương mại chuyên nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới, một trong những việc các DN Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU.
Riêng đối với BR-VT, toàn tỉnh có hơn 7.200 DN hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh tế chủ lực của tỉnh như: du lịch, hải sản, xây dựng, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ… Trong đó, số lượng DNNVV chiếm 90% tổng số DN trên địa bàn. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, số DN này đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi tham gia Hiệp định EVFTA thì áp lực cạnh tranh đối với các DN này càng lớn. Nguyên nhân là do các DN có công nghệ lạc hậu, quy mô manh mún, quản trị yếu nên khó cạnh tranh trên thị trường EU.
Bên cạnh các vấn đề trên, các khó khăn mà DNNVV phải đối mặt là thiếu thông tin thị trường EU cũng như những thông tin về các quy định của EU về hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Trước những thách thức trên, Hiệp hội DNNVV kiến nghị, Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách các thủ tục hành chính, cùng với đó là chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, để xuất và trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, kịp thời thông qua một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động và một số luật về thuế để phù hợp với các quy định của EVFTA, để các DN có cơ sở pháp lý, thực thi một cách hiệu quả Hiệp định EVFTA.
Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan thông qua các phương tiện truyền thông, tích cực và tăng cường triển khai tuyên truyền về nội dung của Hiệp định và hướng dẫn thực hiện các nội dung cam kết, các quy định nêu trong EVFTA thông qua các khóa tập huấn về EVFTA, để nâng cao hiểu biết, nhận thức cho các DN, giúp họ thực thi Hiệp định hiệu quả.
Các mặt hàng truyền thống của Việt Nam xuất khẩu sang EU hiện nay chủ yếu là dệt may và hải sản. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May Tân Mỹ (CCN Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) may quần áo xuất khẩu. Ảnh: ĐÔNG HIẾU |
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN-KIM HỒNG