.

Tăng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản

Cập nhật: 21:45, 25/05/2020 (GMT+7)

Việc liên kết, xây dựng chuỗi trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã giúp DN, HTX trong tỉnh có thêm cơ hội nâng giá trị, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Ông Trần Kim Khuê, Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu cà phê Nón Lá giới thiệu sản phẩm cà phê bột cho khách hàng tại hội nghị xuất khẩu do Bộ Công thương tổ chức tại BR-VT năm 2019.
Ông Trần Kim Khuê, Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu cà phê Nón Lá giới thiệu sản phẩm cà phê bột cho khách hàng tại hội nghị xuất khẩu do Bộ Công thương tổ chức tại BR-VT năm 2019.

NHIỀU MÔ HÌNH LIÊN KẾT PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Sau hơn 2 năm hoạt động, các sản phẩm của Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu cà phê Nón Lá (TX. Phú Mỹ) đã ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.

Ông Trần Kim Khuê, Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu cà phê Nón Lá cho biết: Việc liên kết, xây dựng chuỗi trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã giúp các sản phẩm nông sản của tỉnh nói chung, cà phê Nón Lá nói riêng có cơ hội tiếp cận được với nhiều thị trường hơn. Chẳng hạn, qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ trong và ngoài tỉnh, các sản phẩm cà phê của công ty đã được phân phối qua các kênh bán lẻ lớn như: Satra, hệ thống siêu thị của Tập đoàn BRG; chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh và trong các khách sạn của tỉnh. Ngoài ra, qua văn phòng đặt tại Hoa Kỳ, sản phẩm của công ty cũng đã đến được với người dân Hoa Kỳ qua kênh bán lẻ tại đây và đã xuất khẩu sang thị trường Nga. Đầu năm 2020, công ty đã giới thiệu một số sản phẩm nông sản của tỉnh như bột ngũ cốc, tiêu, chocolate Bapula, viên nghệ Hạnh Phúc… đến người dân nước sở tại.

Không chỉ giới thiệu sản phẩm, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, mô hình liên kết và trải nghiệm tại chỗ của Công ty CP Binon Cacao (huyện Châu Đức) đã đem lại hiệu quả. Ông Trịnh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, ngoài việc bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn quy trình sản xuất, chế biến cacao theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu, từ tháng 5/2019, DN xây dựng KDL trải nghiệm tại Châu Đức. Thông qua hình thức du lịch trải nghiệm này đã có hơn 10 ngàn khách trải nghiệm và sử dụng sản phẩm là cacao và các nông sản của huyện Châu Đức… Từ đây, các sản phẩm của DN và bà con nông dân được giới thiệu đi xa hơn.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, sau 5 năm triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nên các mô hình, dự án mang lại kết quả tích cực cho người dân và DN. Tỉnh cũng đã có các chính sách cụ thể, kịp thời về khoa học, kỹ thuật, trang thiết bị, vốn (trên 200 tỷ đồng/năm) để hỗ trợ DN, HTX, nông dân phát triển đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập nâng cao phát triển kinh tế hộ gia đình.

GỠ CÁC “NÚT THẮT” VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Dù đã có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN-PTNT, việc liên kết trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: tổng diện tích canh tác, số nông dân tham gia liên kết còn thấp; khả năng tiếp cận chính sách còn hạn chế, phần lớn các DN chủ động liên kết bằng nguồn lực tự có; mối liên kết giữa DN và nông dân còn thiếu bền vững, tình trạng phá vỡ hợp đồng thường xuyên xảy ra. Các DN, HTX nông dân đã có những đóng góp, kiến nghị để xây dựng những chính sách phát triển liên kết trong nông nghiệp.

Ông Kiều Văn Lành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ, TP. Bà Rịa cho biết, thời gian qua, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ của DN tương đối ổn định và được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn lực để xây dựng và phát triển đều do nguồn tự có của công ty. Trước mắt, công ty vẫn cân đối nguồn lực để duy trì, phát triển, nhưng về lâu dài sẽ gặp khó khăn. “Các cơ quan chức năng cần có các biện pháp tìm kiếm thêm thị trường cho các sản phẩm nông sản sạch. Đồng thời, tạo điều kiện cho các đối tượng liên kết có thể tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất và giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm”, ông Lành nói.

Trong khi đó, ông Huỳnh Trung Đông, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt (huyện Long Điền) cho biết, việc áp dụng quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi đòi hỏi nhiều công sức hơn, chi phí chứng nhận VietGAP cao hơn khiến giá bán theo đó cao hơn so với canh tác truyền thống. Ông Huỳnh Trung Đông đề nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để giúp HTX giảm một phần chi phí sản xuất, từ đó giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, HTX cũng mong muốn được hỗ trợ để đầu tư hệ thống nhà kho dự trữ, dây chuyền sấy, xay xát lúa để bảo quản tốt hơn sản phẩm.

Trên cơ sở ý kiến của các DN, HTX, hộ nông dân, tỉnh và ngành nông nghiệp đang xây dựng chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Chi phí tư vấn, hạ tầng, xây dựng mô hình liên kết điểm; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung cho các bên tham gia liên kết. 

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU - KIM HỒNG

Trong giai đoạn 2020-2025, Sở NN-PTNT tiếp tục đặt mục tiêu xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp như: xây dựng 90 -100 chuỗi liên kết (tối thiểu 15 chuỗi/năm); 10-15 mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, UDNNCNC, công nghiệp chế biến nông sản gắn với xây dựng thương hiệu; thu hút 20-30 DN, nhà đầu tư tham gia chuỗi liên kết, 30-40 HTX tham gia với vai trò cầu nối chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Trong giai đoạn 2020-2025, tổng nguồn vốn huy động dự kiến để thực hiện gần 153 tỷ đồng.

 

 

.
.
.