.

Gấp rút gỡ thẻ vàng hải sản

Cập nhật: 20:13, 27/04/2020 (GMT+7)

Dự kiến, vào tháng 5/2020, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra việc chấp hành các quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Đợt kiểm tra lần này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xem xét, đánh giá, tiến tới tháo gỡ thẻ vàng cho ngành hải sản trên cả nước nói chung, BR-VT nói riêng.

Ngư dân phân loại cá tại cảng cá Phước Tỉnh, huyện Long Điền. Ảnh: VÂN ANH
Ngư dân phân loại cá tại cảng cá Phước Tỉnh, huyện Long Điền. Ảnh: VÂN ANH

NHIỀU TÍN HIỆU TÍCH CỰC

Những ngày này, ông Võ Văn Tư, chủ tàu cá ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền chuẩn bị cho chuyến ra khơi đánh bắt xa bờ. Để bảo đảm nguồn hải sản khai thác hợp pháp, ngoài ghi chép nhật ký rõ ràng, ông còn thực hiện nghiêm việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá. Việc chủ tàu cá có ý thức chấp hành tốt các quy định là nỗ lực rất lớn của ngành nông nghiệp địa phương trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kể cả kiên quyết dùng các biện pháp chế tài. “Qua các buổi tập huấn, tuyên truyền ngư dân chúng tôi nắm bắt đầy đủ các quy định của pháp luật về vùng biển đánh bắt, trang bị thiết bị giám sát hành trình cũng như ghi nhật ký khai thác. Hiện nhiều ngư dân đã chấp hành nghiêm túc, đầy đủ hơn trước”, ông Tư cho hay.

Hơn 2 năm qua, BR-VT đã triển khai các biện pháp nhằm thực hiện tốt nhất các khuyến nghị EC đưa ra để sớm gỡ “thẻ vàng”. Đặc biệt, từ tháng 3/2018, Sở NN-PTNT đã thành lập 6 văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá: Bến Đá, Cát Lở (TP.Vũng Tàu), Tân Phước, Hưng Thái (huyện Long Điền), Lộc An (huyện Đất Đỏ) và Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Các cảng cá cũng đã đầu tư, lắp đặt các thiết bị cần thiết để kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý tàu cá với cơ quan chức năng. Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, về khía cạnh tích cực, thẻ vàng của châu Âu là một cú hích cần thiết để chúng ta chuyển đổi quyết liệt nghề cá nhằm phát triển bền vững và có trách nhiệm. Tuy nhiên, vấn đề lúc này là cần sự chia sẻ khó khăn với ngư dân và những chính sách hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân để sau thẻ vàng, đội tàu của BR-VT không yếu đi mà ngược lại sẽ là những ngư dân chuyên nghiệp tiếp tục vươn khơi mạnh mẽ.

Ngoài ra, Luật Thủy sản có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2019 cũng đã góp phần giúp tỉnh thuận lợi hơn trong công tác quản lý, phát triển bền vững ngành hải sản. Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: “Luật Thủy sản quy định mức phạt lên đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức, tước bỏ các ưu đãi của Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân… Đây là một trong những điểm mấu chốt khiến ngư dân chùn tay trong việc đưa tàu khai thác hải sản xâm phạm vùng biển nước bạn. Hơn nữa, Luật Thủy sản mới cũng quy định cụ thể đối tượng bị xử phạt chính là chủ tàu, tránh đổ trách nhiệm giữa chủ tàu và thuyền trưởng như trước đây”.

CẤP BÁCH KHẮC PHỤC THẺ VÀNG

Đến thời điểm này, ngành thủy sản đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, những gì đã đạt được vẫn chưa đủ để EC quyết định rút thẻ vàng. Theo dự kiến, cuối tháng 5, đoàn kiểm tra của EC sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 3. Nếu lần này đoàn kiểm tra còn phát hiện Việt Nam chưa khắc phục được những tồn tại thì nguy cơ sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu sẽ bị phạt “thẻ đỏ”. Trước tình hình này, tháng 2/2020, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai một số nhiệm vụ cấp bách nhằm khắc phục thẻ vàng của EC trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan liên quan cần tập trung mọi nguồn lực và nhanh chóng hoàn thiện các bước quy trình theo khuyến nghị của EC, cũng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT. Đồng thời, UBND tỉnh cũng giao Sở NN-PTNT có trách nhiệm triển khai hiệu quả về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; kiểm tra, kiểm soát tàu cá trước khi xuất bến; thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn, xử lý tàu các cá tỉnh bạn khai thác trái phép vùng biển nước ngoài cập cảng tại BR-VT, xử phạt nghiêm đối với tàu cá vi phạm IUU..

Hiện nay, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với Bộ đội Biên phòng tại các cảng và các cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân về các cảnh báo thẻ vàng của EC, Luật Thủy sản năm 2017, các quy định và chế tài xử phạt đối với tàu không lắp thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá. “Hiện cơ quan chức năng của tỉnh túc trực tại các cảng cũng đã thực hiện nghiêm, gắt gao đối với những tàu cá trong danh mục bắt buộc lắp đặt máy giám sát hành trình, nếu tàu nào chưa lắp thì không được xuất bến, không được cấp hạn ngạch khai thác. Những tàu sau khi lắp phải mở máy giám sát hành trình 24/24 giờ nếu không sẽ bị xử phạt rất nặng, từ 300-500 triệu đồng”, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết thêm.

PHẠM PHƯƠNG 

 
.
.
.